Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chủ động ứng phó với thiên tai

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam bộ nói chung đã bước vào mùa mưa, bão. Diễn biến của những trận mưa, dông lốc ngày càng phức tạp, nguy hiểm hơn. 

Trong khi đó ở miền Bắc, nắng nóng, dông lốc, mưa đá cũng xảy ra bất thường, không theo một quy luật nào. Còn ở ĐBSCL, xâm nhập mặn, sạt lở đất, bờ sông cũng ngày càng phức tạp. Những thiệt hại do thiên tai gây ra hết sức nặng nề, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Tại TPHCM, trận mưa chiều 13-6 kéo dài chưa đến 2 giờ nhưng làm nhiều tuyến đường bị ngập, hàng ngàn xe máy bị hư hỏng do ngập nước; hàng chục vụ cây gãy đổ do dông lốc gây ra đã khiến 1 người tử vong và nhiều người đi đường bị thương. 
Theo Liên hiệp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong đó, bão và lũ lụt là thường xuyên và nguy hiểm nhất. Các loại hình thiên tai đã và đang gây trở ngại cho sự phát triển của Việt Nam.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế. Ước tính mỗi năm, thiên tai gây thiệt hại khoảng 1,5% GDP và con số này sẽ tăng dần trong tương lai. Liên hiệp quốc cũng nhận định, rủi ro do thiên tai là không thể tránh khỏi, vì vậy đòi hỏi mỗi quốc gia cần có những giải pháp mang tính tổng thể để thích nghi và ứng phó. 
Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai các giải pháp ứng phó. Nội dung của các kế hoạch tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai; quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, tiêu chí kiểm soát việc đảm bảo an toàn trước thiên tai; kiện toàn tổ chức bộ máy phòng, chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ; đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao năng lực tham mưu trong công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt đầu tư mạnh cho việc xây dựng, tu bổ, nâng cấp, nâng cao sức chống chịu của cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, công trình liên quan đến phòng chống thiên tai. Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và cộng đồng trong phòng chống thiên tai. Mặt khác, đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai; nâng cao năng lực ứng phó tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Để giảm thiệt hại do tác động của thiên tai, đòi hỏi chúng ta cần có một giải pháp chiến lược, đồng bộ từ giải pháp công trình cho đến phi công trình. Chủ động thực hiện tốt công tác phòng ngừa thiên tai, nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Từng bước hiện đại hóa hệ thống quan trắc, công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan và thiên tai; xây dựng hệ thống đánh giá, giám sát biến đổi khí hậu và nước biển dâng; quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và năng lực thích ứng, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông; đảm bảo an ninh lương thực thông qua bảo vệ, duy trì hợp lý và quản lý bền vững quỹ đất cho nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo giống mới thích ứng với biến đổi khí hậu.
HÀ VĂN (theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)