Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Chu du thế giới quanh… sân trường

Tạp Chí Giáo Dục

44 học sinh lớp 7/4, Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1, TP.HCM) đã có chuyến chu du khắp… thế giới từ sân trường trong tiết học lịch sử – địa lý.


Đưa bạn bè đi vòng quanh thế giới từ quả địa cầu len

Bước ra ngoài không gian lớp học truyền thống, tiết học lịch sử – địa lý – chủ đề “Các cuộc phát kiến địa lý” lớp 7/4 sáng 16-1 diễn ra tại sân trường. Xuyên suốt tiết học chuyên đề với thời lượng 2 tiết, cô Huỳnh Anh Thư (giáo viên lịch sử – địa lý, Trường THCS Võ Trường Toản) chỉ đóng vai trò định hướng, củng cố kiến thức. Thông qua việc tham gia vào các trò chơi, học theo phương pháp trạm, sân khấu hóa, sắm vai thành những chuyên gia, luật sư… học sinh chủ động lĩnh hội kiến thức.

Chu du thế giới quanh… sân trường

Dù là tiết học lịch sử – địa lý song tiết học lại được bắt đầu bằng… tiết mục sân khấu hóa “Các cuộc đại phát kiến địa lý”, tạo tâm thế vui vẻ, hào hứng cho học sinh tìm hiểu bài mới.


Học sinh hào hứng trong tiết học

Với 44 học sinh, lớp 7/4 được chia thành 6 nhóm. Thông qua các mô hình quả địa cầu len; bản đồ thế giới bằng vỏ sò, hạt đậu; sơ đồ tư duy do các nhóm thiết kế, từng nhóm di chuyển theo trạm để khám phá kiến thức về các cuộc phát kiến địa lý. Học sinh sắm vai chuyên gia ở từng trạm chia sẻ, giải đáp, giúp các nhóm hoàn thành phiếu học tập.

Sau hoạt động học theo trạm, lớp học rộn lên với những trò chơi luyện tập, củng cố kiến thức: Với trò chơi Kahoot, từng nhóm sử dụng điện thoại thông minh/máy tính kết nối mạng để trả lời các câu hỏi củng cố kiến thức; trò chơi tòa tuyên án – học sinh trở thành những luật sư, vận dụng kiến thức địa lý, lịch sử để bảo vệ quan điểm của mình về việc “Các cuộc phát kiến địa lý mang lại những điều tốt đẹp cho con người” hay “Các cuộc phát kiến địa lý đưa lại những điều tiêu cực”; trò chơi tiếp sức, học sinh mỗi nhóm lại vận dụng kiến thức đã học cùng nhau hoàn thiện bản đồ các vùng đất ngày nay gắn với các cuộc phát kiến địa lý.

Thiết kế bản đồ thế giới bằng… hạt đậu, nhóm của Võ Tuệ Văn (lớp 7/4) đã giúp bạn bè hình dung dễ hơn về các cuộc phát kiến của Cô-lôm-bua. Bạn bày tỏ: Khi hoàn thiện mô hình, chúng em phải tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về lịch sử, địa lý, tham khảo các bản đồ, vì vậy kiến thức bài học được ghi nhớ một cách dễ dàng hơn, lâu hơn.

“Trong tiết học, chúng em được di chuyển liên tục, kiến thức không chỉ học từ cô mà còn học qua chính bạn bè, qua các trò chơi. Tiết học trở nên vô cùng vui nhộn, thú vị…”.


Không gian lớp học được mở rộng ra ngoài sân trườn

Với mô hình quả địa từ xốp và bút màu, Huỳnh Gia Hân (lớp 7/4) cho biết cả nhóm đã cùng vận dụng kiến thức lịch sử, địa lý để hoàn thiện sản phẩm, nhằm thể hiện lại hành trình đi vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng.

“Không gian lớp học mở, việc học gắn với những hoạt động, trò chơi đã khiến tiết học thú vị. Em tưởng như được du lịch khắp thế giới từ chính sân trường” – Hân chia sẻ.

Đổi mới để cô trò cùng hạnh phúc

Theo cô Huỳnh Anh Thư (giáo viên lịch sử – địa lý), Chương trình GDPT 2018 bậc THCS trao quyền lớn cho giáo viên trong tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá, với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Do vậy, nếu giáo viên không chuyển mình, đổi mới tiết học bằng những phương pháp mới thì sẽ khiến học sinh càng chán, ghét môn học.

“Lịch sử – địa lý là môn học rất gần gũi với học sinh. Thế nhưng lâu nay, không ít học sinh “sợ” môn học này do các em cảm thấy kiến thức khô khan, tiết học thiếu sự hứng thú, việc ghi nhớ kiến thức khó khăn… Bằng việc đổi mới qua các phương pháp dạy học tích cực, mở rộng không gian lớp học, học sinh được trực tiếp tham gia vào các hoạt động khám phá kiến thức, các em được phát huy năng lực, trở trường, năng khiếu bản thân… môn học vì thế trở nên gần gũi hơn, tiết học thú vị hơn. Cả cô và trò cùng hạnh phúc” – cô Anh Thư chia sẻ.


Bản đồ thế giới bằng vỏ sò được học sinh thiết kế trong tiết học

Sau 2 năm phụ trách môn lịch sử – địa lý trong Chương trình GDPT 2018, cô Thư cho biết để tự tin đứng lớp cô tự mình học hỏi rất nhiều từ đồng nghiệp, vận dụng ngay cả những trò chơi trong các game show truyền hình linh hoạt đưa vào tiết học. Sự ham thích, hào hứng đón nhận của học sinh trong từng tiết học khiến cô càng mạnh dạn hơn trong đổi mới.

“Năm học này, tôi đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong mỗi tiết học để hình thành cho học sinh năng lực tự học, mở rộng kiến thức. Trước mỗi tiết học, các em sẽ được tìm hiểu những kiến thức bài học do giáo viên đưa lên hệ thống K12 Online và thực hiện những yêu cầu của giáo viên. Khi lên lớp, giáo viên chỉ định hướng và củng cố, mở rộng kiến thức…” – cô Thư nói.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)