Trong lễ tuyên dương “Người con hiếu thảo” 2021 do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP tổ chức có nhiều tấm gương làm lay động lòng người. Mỗi tấm gương tuy hoàn cảnh khác nhau nhưng nổi bật vẫn là phẩm chất cao đẹp, hết lòng yêu thương, chăm sóc ông bà cha mẹ góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Nguyễn Thái Dương đang dạy em trai học bài
Điểm tựa của cha mẹ
Dù tuổi còn nhỏ nhưng em Nguyễn Thái Dương (học sinh lớp 12CH, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) luôn ý thức được hoàn cảnh gia đình và chữ hiếu đối với người sinh thành, dưỡng dục. Em là điểm tựa duy nhất của gia đình những lúc khó khăn, hoạn nạn.
Dương sinh ra trong gia đình có đông anh em. Bà ngoại đã lớn tuổi, cha bị tai biến mất sức lao động từ năm 2015. Mọi gánh nặng trong gia đình đều dồn lên đôi vai của mẹ. Thấy mẹ vất vả, hàng ngày sau những giờ học trên lớp, Thái Dương còn đi làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, phụ những việc lặt vặt trong nhà. Bên cạnh đó em còn lo cho các em, dạy em học rồi chăm sóc bà ngoại và người cha bệnh tật. Một ngày của Thái Dương quay quần bên việc học và chăm lo cho gia đình. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng Thái Dương chưa bao giờ than phiền hay bỏ cuộc. Em luôn làm điểm tựa cho gia đình, động viên người mẹ cả đời vất vả tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 phức tạp, không đến trường học trực tiếp, Thái Dương phải tranh thủ giờ học online, bên cạnh đó còn phải thay mẹ quán xuyến việc nhà. “Lúc đó bà ngoại của em bị F0 nên mẹ phải đưa bà đi nơi khác chăm sóc. Còn em phải vừa học vừa lo cho cha, lo cho các em và cả đứa em cũng bị F0. Đó là giai đoạn vất vả nhưng rồi mọi thứ đều đã qua. Bây giờ mọi người trong gia đình em đã bình an”, Thái Dương chia sẻ.
Thái Dương cho biết, từ khi còn rất nhỏ em đã thấy mẹ mình khác với những người mẹ khác đó là mẹ rất nghị lực. Cho dù có lúc gia đình em gặp rất nhiều khó khăn nhưng mẹ không bao giờ nói cho em biết mà luôn dành sự yêu thương để bù đắp cho khó khăn ấy. Từ hình ảnh của mẹ, Thái Dương luôn lấy đó làm sức mạnh để giúp gia đình. “Năm em lên lớp 6 cha bị tai biến và phải nhập viện. Mẹ phải vào chăm cha. Sáng đó em đi học và đập vào mắt em là hình ảnh mẹ đang đi trên đường về nhà. Nhìn mẹ rất tiều tụy nhưng khi thấy em mẹ lại nở nụ cười rất tươi và trao cho em một nụ hôn. Em cảm thấy rất vui và thêm tình yêu thương cho mẹ”, Thái Dương chia sẻ khoảnh khắc đáng nhớ.
Nhìn Thái Dương, một chàng trai gầy gò nhưng lại luôn làm cho người khác phải ngưỡng mộ vì nghị lực và tấm lòng của người con, người cháu đối với ông bà, cha mẹ. Tấm lòng của em được mọi người trân trọng, tuyên dương.
Thái Dương mong ước mau sớm học hành thành đạt để sớm phụ giúp mẹ và gia đình. “Mẹ lớn tuổi nhưng cuộc đời bà chưa từng trải qua nhiều niềm vui. Em mong rằng em và gia đình sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn nữa”, Thái Dương chia sẻ!
Cô Phạm Thị Hiệp chăm sóc chu đáo cho mẹ chồng
“Nàng Thoại Khanh” giữa đời thường
Tấm lòng hiếu thảo không chỉ có ở những người con đối với cha mẹ ruột mà còn ở những nàng dâu đối với cha mẹ chồng. Cô Phạm Thị Hiệp (giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi) là một người như thế. Cô Hiệp được những người xung quanh ví như nàng Thoại Khanh giữa đời thường. Cô đang ở cùng với cha mẹ chồng đã gần 90 tuổi thường xuyên đau ốm. Tuy công việc bộn bề vừa chăm sóc các con đang tuổi ăn học nhưng cô vẫn dành thời gian chăm sóc chu đáo cho cha mẹ chồng đang già yếu. Khi cha chồng bệnh nặng, chồng cô đã xin nghỉ làm việc ở công ty để lo cho cha ở bệnh viện, cô trở thành trụ cột chính trong gia đình. Từng miếng cơm manh áo trong nhà chỉ trông chờ vào chính đôi bàn tay của cô. Đôi bàn tay gánh vác mọi thứ vừa lo kinh tế vừa chăm sóc cho mẹ chồng ở nhà và các con.
Phong trào “Người con hiếu thảo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.HCM triển khai. Qua 26 năm đã tạo được sự quan tâm, đề cao trách nhiệm xã hội trong xây dựng và bảo vệ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Phong trào cũng tạo được nền tảng triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. |
Nói về sự hiếu thảo của mình với cha mẹ chồng, cô Hiệp xúc động cho biết, gia đình cô có 4 anh em. Mẹ mất từ năm cô lên 13 tuổi, từ đó cha một mình “gà trống nuôi con”, mọi gánh nặng đều dồn lên vai cha. Khi cô lớn lên đi lấy chồng, nhà chồng cùng xã. Dù cha mẹ chồng đã lớn tuổi nhưng tình cảm của ông bà dành cho nàng dâu mới cưới không khác gì ruột thịt, đối xử chân tình, yêu thương chị như con gái trong nhà. Đáp lại tấm lòng của cha mẹ chồng, cô Hiệp chưa bao giờ có hành động làm ông bà buồn lòng. Cô cũng chưa bao giờ có sự phân biệt giữa cha mẹ chồng và cha mẹ ruột. Một ngày 24 tiếng phải vừa lo cho công việc của một cô giáo vừa chăm lo gia đình, cô Hiệp ước thời gian có thể dài hơn để cô có thể chăm sóc cho cha mẹ chồng được chu đáo hơn nữa.
Cô Hiệp cho biết, giai đoạn cô gặp khó khăn nhất là cuối năm 2020. Lúc đó cha chồng bệnh nặng phải nhập viện. Chồng phải nghỉ việc trông cha. Trong lúc chị đi dạy học, mẹ chồng ở nhà phụ việc lặt vặt không may bị trượt chân và té gãy tay. Thế là cả cha mẹ chồng của cô phải nằm trong bệnh viện. Lúc đó cô cũng nhận được thông báo đi tập huấn từ phía nhà trường. Tập huấn tại Q.1, vậy là mỗi ngày cô phải từ Củ Chi chạy xuống Q.1 tập huấn, chiều về chị lại tiếp tục ghé vào bệnh viện để chăm sóc mẹ chồng. “Cũng may là tôi có con gái lớn 17 tuổi nên con gái phụ mẹ chăm sóc em, còn cơm nước có chị dâu phụ chạy qua chạy lại lo. Nhờ sự hỗ trợ từ những người trong nhà nên mọi khó khăn đều vượt qua”, chị Hiệp kể lại.
Dù có bộn bề lo toan trong cuộc sống, có khó khăn, vất vả như thế nào nhưng chị Hiệp vẫn hết mực lo cho cha mẹ chồng. Mong muốn của chị là cha mẹ chồng luôn khỏe mạnh, chỉ cần cha mẹ chồng sống với chị ngày nào thì đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của chị.
Hồ Hậu Giang
Bình luận (0)