Phụ huynh và các bạn trẻ cùng tham gia một trò chơi về gia đình do PGS.TS Huỳnh Văn Sơn hướng dẫn tại hội thảo
|
Những hành vi bất hiếu, các câu chuyện về sự hi sinh cao cả của cha mẹ dành cho con cái trong xã hội ngày nay đã được PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) đưa ra tại hội thảo “Chữ hiếu trong cuộc sống thời đương đại” đã gây nhiều cảm xúc cho các bạn trẻ.
Những hi sinh thầm lặng
Tại hội thảo, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đã đưa ra nhiều hình ảnh minh họa: Con đánh cha già hơn 70 tuổi, con trói mẹ già trong xiềng xích hay ba mẹ bị con bỏ đói… cùng lời kể giản dị nhưng không kém phần bức xúc khi con cái cãi lại hay chửi mắng cả cha mẹ. Mọi người đều hết sức bức xúc, phẫn nộ trước sự suy đồi đạo đức, bất hiếu của một số đứa con đối với các đấng sinh thành. PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói: “Dù biết cha mẹ chưa thực sự hoàn hảo, dù cha mẹ có thể sai nhưng phận làm con hãy thực sự thấu hiểu những hi sinh cao cả của cha mẹ dành cho mình”.
Đặc biệt, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn còn kể những câu chuyện về sự hi sinh cao cả vô bờ bến của những người cha, người mẹ. Đó là câu chuyện về một người mẹ bị con hắt hủi, chối bỏ vì bị mù. Rồi cậu ta trưởng thành, có một gia đình hạnh phúc, các cháu không được gặp bà và chỉ khi người mẹ mất đi thì đứa con mới biết mắt mẹ bị mù vì đã trao con mắt ấy cho mình trong một vụ tai nạn xảy ra từ hồi cậu mới chập chững biết đi. Khi hiểu được nỗi lòng, sự hi sinh cao cả của người mẹ thì mọi chuyện đã muộn màng, cậu không thể quay ngược thời gian để chăm sóc, yêu thương mẹ nữa mà cả đời sẽ sống trong ân hận. Hay hình ảnh một bạn trẻ nấu một bữa cơm với nhiều món ăn ưa thích của mẹ, nấu xong, cậu ngồi chờ từng phút từng giây, hình dung mẹ đang làm việc vất vả ở nhà máy như thế nào, loay hoay ra về nhưng vẫn không quên ghé qua chợ mua cho mình bịch trái cây ngon, rồi vội vã đi về. Đúng 12 giờ trưa, người mẹ bước vào nhà và ngồi vào bàn ăn cơm, cậu bé vừa nuốt vội miếng cơm thì nước mắt rơi lã chã vì hình ảnh trước mắt em chỉ là… di ảnh của người mẹ. Mẹ em đã mất mà chưa kịp nói với em một lời từ biệt. Trước đây mẹ đã mong em nấu một bữa cơm cho mẹ nhưng em chỉ nói “đợi con trưởng thành đã”.
Kể về câu chuyện này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn muốn nhắn nhủ: Cha mẹ đã hi sinh cho con biết bao điều không cân đong đo đếm được, nhưng cuộc sống con người rất ngắn ngủi, không ai biết trước điều gì nên đừng đợi đến khi trưởng thành rồi mới báo đáp công ơn sinh thành mà hãy làm ngay từ bây giờ, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Bên cạnh đó, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn khẳng định: “Ai có thể nuôi ta? Đâu là nơi ta có một giấc ngủ bình yên? Khi thất bại đâu là chốn bình yên mà ta có thể tìm về? Đâu là nơi vẫn đón nhận và tha thứ mọi lỗi lầm cho ta? Chỉ có gia đình, chỉ có cha mẹ mới làm cho ta tất cả những điều trên”.
Hãy quan tâm đến cha mẹ nhiều hơn
Mỗi bạn trẻ, ai cũng từng đòi hỏi cha mẹ làm cái này cái khác cho mình, còn bản thân đôi lúc lại dành thời gian cho bạn bè nhiều hơn. “Có một nghịch lý là bạn bè giúp đỡ ta thì ta khắc cốt ghi tâm, còn cha mẹ nuôi ta mấy chục năm lại coi đó là điều hiển nhiên và không hề nhớ. Hay bạn có thể bỏ cả triệu đồng để ăn nhậu cùng bạn bè, mua dây chuyền tặng người yêu nhưng mẹ già lại đang ngồi ăn bát cơm nguội một mình, bố bị cao huyết áp nhưng ta vẫn chưa kịp mua thuốc cho bố…”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.
Xã hội hiện đại, bạn trẻ ngày càng bận bịu với rất nhiều công việc, học tập hay đơn giản là đắm mình trong những sản phẩm công nghệ. “Vậy nhưng có bao giờ bạn dành ra 5 phút mỗi ngày để hỏi thăm sức khỏe ba mẹ? Bạn dành ra 5 phút để ủi giúp mẹ bộ quần áo? Bạn dành ra 1 giờ trong ngày để nấu một bữa cơm cho mẹ? Bạn đã yêu thương gia đình mình như thế nào? Có bao giờ bạn nghĩ rằng, mình đòi hỏi quá nhiều ở cha mẹ, ở gia đình nhưng mình chăm lo ngược lại thì quá ít? Bạn nghĩ rằng mình còn đủ thời gian để báo hiếu? Bạn nghĩ rằng mình phải thay đổi?…”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn đã đặt ra hàng loạt câu hỏi khiến nhiều bạn trẻ phải ngẫm nghĩ lại bản thân mình.
Cũng từ những câu hỏi không lời đáp vì mỗi người đang tự nhìn nhận lại bản thân, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn tiếp tục nhắn nhủ: “Đừng xem những điều gần gũi nhất với trái tim bạn là hiển nhiên. Hãy yêu ba mẹ hơn bản thân mình, vì cuộc đời sẽ vô nghĩa nếu không có ba mẹ. Đừng đợi đến ngày mai, bởi lẽ… ngày hôm sau đó có thể không bao giờ đến nữa”.
Bài, ảnh: D.Bình
“Lòng hiếu thảo chẳng những có ý nghĩa về mặt văn hóa, đạo đức mà còn có tác dụng giáo dục (là tấm gương sáng cho con cháu sau này noi theo). Hành động hiếu thảo thể hiện theo hai phương diện: Phương diện vật chất và phương diện tinh thần. Tuy nhiên, hiếu quan trọng nhất là con nên người”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ. |
Bình luận (0)