Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chữ lễ ngày nay đã khác xưa?

Tạp Chí Giáo Dục

'Tiên học lễ, hậu học văn' là phương châm giáo dục trong môi trường học đường suốt nhiều năm qua. Thế nhưng ngày nay, nhiều giáo viên cho rằng chữ 'lễ' đã không còn được giữ gìn và coi trọng như xưa.
Học sinh chào hỏi giáo viên là một trong những quy định thuộc quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học /// Đào Ngọc Thạch
Học sinh chào hỏi giáo viên là một trong những quy định thuộc quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Ảnh Đào Ngọc Thạch
Xót xa vì thái độ học trò
Cô Bạch Thùy Linh, giáo viên (GV) dạy tiếng Anh tại Hà Nội, kể: “Học sinh (HS) mình đang dạy 100% đến từ các trường phổ thông danh tiếng, giỏi tiếng Anh, nhưng kỹ năng và thái độ ứng xử thì thật đáng buồn. Khi mình nhờ một HS xóa bảng giùm, em lầm bầm trong miệng một từ thô tục, còn các bạn bên dưới thì hô lên “chết mày”, "xui rồi". Có lần 3 nam sinh từ cầu thang đi lên, mình gọi em đi đầu nhờ bê giúp cái ghế vào lớp vì hôm nay có một bạn mới, mặt em lập tức xị ra. Hai em còn lại quay đầu chạy một mạch ngược xuống tầng dưới, miệng hô to "chết mày rồi", "do ăn ở đó", "chạy thôi không cô bắt làm". Rồi có lần một HS đi qua va vào mình làm xấp tài liệu đổ ra, lập tức có tiếng hô "chúc mừng" đầy vui vẻ… Những chuyện như thế dù nhỏ nhưng khiến mình cảm thấy xót xa”.
Một GV Trường THPT Di Linh (Lâm Đồng) buồn bã cho biết nhiều lúc cảm thấy bất lực và muốn rơi nước mắt vì học trò. “HS lười học, không làm bài tập, mình nhắc nhở, các em thể hiện thái độ coi thường, mặt vênh vang, không thèm nghe mà còn tái diễn. Ra đường gặp thầy cô thì lơ đi, một số em cận mặt không thể làm ngơ thì mới chào”, GV này tâm tư.
Việc thầy cô say sưa giảng bài ở trên, HS-SV ngồi dưới bấm điện thoại, chụp hình “tự sướng”, trêu đùa nhau, gác chân lên ghế… ngày nay khá phổ biến. Thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận: “Cách cư xử, trò chuyện, thái độ của học trò với GV ngày nay rõ ràng không còn sự kính trọng nhất định, nhiều lúc suồng sã, bằng vai phải lứa. Đi trong sân trường, ít khi thấy SV chào giảng viên nếu như giảng viên đó không dạy mình”.
Thầy cô cũng cần mẫu mực
Lý giải về việc này, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi cho rằng có rất nhiều nguyên nhân khiến biểu hiện của chữ “lễ” ngày nay khác biệt so với trước. “Dường như mục tiêu của chương trình đào tạo hiện nay chỉ đặt nặng dạy kiến thức mà không chú trọng giáo dục đạo đức, phẩm chất. Chỉ có môn giáo dục công dân và môn văn “gánh” trọng trách này”, thạc sĩ Khôi nhìn nhận.
Tôn vinh 50 nhà giáo tiêu biểu không dựa vào thành tích thi đua
Ngày 18.11, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 21. Năm nay, giải thưởng được trao tặng cho 50 nhà giáo là cán bộ quản lý, GV công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trường chuyên biệt và trung tâm GDTX-GDNN. Đây là những nhà giáo được bình chọn và tôn vinh không dựa vào các danh hiệu thi đua, không chạy theo thành tích cá nhân. Các thầy cô này đã vượt qua khó khăn trong công tác lẫn cuộc sống đời thường, xứng đáng là những tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập, học sinh noi theo, phụ huynh yêu mến. 
Bích Thanh

Theo thạc sĩ Khôi, không ít phụ huynh chưa thực sự tôn trọng GV thì không thể nào con em của họ lại tôn trọng GV được. Bên cạnh đó, hình ảnh người thầy được phản ánh trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội với những câu chuyện tiêu cực đã có tác động không nhỏ tới cái nhìn của xã hội về thầy cô. “Những người thầy lên bục giảng nhưng thiếu tư cách đạo đức, chửi hoặc đánh HS, làm những việc trái với đạo lý người thầy, đã làm ảnh hưởng tới những người thầy tâm huyết. Như vậy liệu chữ “lễ” này có phải do chúng ta chỉ yêu cầu một phía từ học trò, mà thiếu đi phía còn lại?”, thầy Khôi đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Di Linh, cho rằng chữ lễ cũng nên nhìn nhận cả phía trò lẫn thầy. “Để giữ được lễ thì trước tiên thầy cô phải mẫu mực. Phụ huynh cũng phải có sự gương mẫu và giáo dục nền nếp cho con từ nhà. Lúc đó, trò cũng sẽ biết mình ứng xử như thế nào là phù hợp. Nhưng môi trường giáo dục bây giờ phức tạp hơn nhiều, khiến cho chữ “lễ” dường như mai một”, ông Chương chia sẻ.
Nhờ cái tâm của thầy
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học, Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho rằng: “Có những bạn trẻ đi khắp thế giới với tư tưởng hết sức cởi mở, mà về nhà vẫn giữ được chữ lễ với thầy cô, với cha mẹ và những người sống xung quanh mình. Điều đó cho thấy, tùy môi trường giáo dục mà bạn trẻ đó được thụ hưởng. Chẳng hạn trong một gia đình có nền nếp, cha mẹ quan tâm, dạy dỗ con điều hay lẽ phải, tới trường thầy cô chuẩn mực, thương yêu và tâm huyết, thì con cái chúng ta sẽ trưởng thành theo cách đó, cách mà chúng ta đã truyền đạt”.
Cô Nguyễn Xuân Thảo, GV Trung tâm giáo dục thường xuyên Q.11 (TP.HCM), kể: “Rất nhiều HS hư đến mức phụ huynh phải bất lực, giao lại con hoàn toàn cho cô giáo. Nếu chúng ta đòi hỏi những em này phải thực hiện chữ “lễ” với thầy, trong khi chúng ta không thấu hiểu, chia sẻ với các em để tìm cách thay đổi, thì chúng ta đã không làm tròn vai trò của người thầy”. Thầy Trần Bảo Huy, GV môn toán Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên Q.Tân Phú, từng bị học trò buông lời chửi tục khi thầy nhắc nhở. Thầy Huy đã bỏ qua và để tâm hơn đến HS cá biệt. Những HS đó sau này lại chính là người thấm thía chữ “lễ” hơn bất cứ ai. “Các em đến ngày 20.11 lại trở về thăm tôi, em ngày xưa chửi bậy thì đã khóc và xin thầy tha thứ”, thầy Huy kể.
Mỹ Quyên/TNO

Bình luận (0)