Tuy không còn đôi tay nhưng anh vẫn dùng máy vi tính một cách thành thạo |
Biết cách vượt qua bi quan để đi đến thành công thì không nhiều người làm được. Với những người thương binh, người lính Cụ Hồ, họ đã chiến đấu, hi sinh tuổi đời, hi sinh phần thân thể thì điều đó càng khó khăn hơn. Thương binh đặc biệt Nguyễn Hoàng Dũng (223/5D1 Trần Xuân Soạn, P.Tân Hưng, Q.7) là một điển hình cho tinh thần thép, nghị lực phi thường để vượt lên chính mình.
Gửi lại chiến trường một phần thân thể
Năm 1976, một mốc lớn trong cuộc đời của Nguyễn Hoàng Dũng, vừa nhận được tin đậu vào Trường Đại học Y Dược TP.HCM vừa nhận tin trúng tuyển nghĩa vụ quân sự ở chiến trường Campuchia. Chưa được một ngày mang “mác” sinh viên, người lính trẻ này đã hồ hởi lên đường thực hiện nghĩa vụ công dân. Sau gần một năm chiến đấu vì sự hòa bình khu vực và thế giới, anh lính trẻ ngày nào đã phải để lại trên đất bạn hai cánh tay và một chân. Mất mát quá lớn ở tuổi đời 19, rời chiến trường anh được chuyển về Bệnh viện 7B Biên Hòa để chữa trị. Mỗi ngày nằm điều trị ở đây là một ngày dài đằng đẵng, một sự bi quan đến cùng cực của người thương binh trẻ, khi tất cả mọi hoạt động hằng ngày đều phải phụ thuộc, nhờ vả vào người khác. Nhưng với sự động viên của gia đình, bạn bè, bác sĩ và nhất là ý chí, nghị lực của người lính Cụ Hồ, anh đã vượt lên tất cả. Với sự tiên tiến của khoa học anh được gắn tay giả, chân giả để có thể tự vận động trong việc sinh hoạt hằng ngày. Chân thật đôi khi đi còn vấp ngã huống hồ với anh chỉ là chân giả, tay thật nhiều lúc còn đánh rơi đồ đừng nói gì với tay giả như anh.
Rời quân ngũ với thương tật loại đặc biệt (thương binh 1/4), ước mơ trở thành một bác sĩ của anh bây giờ chỉ còn là dĩ vãng. Không chán nản anh xin chuyển sang Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM để học ngành Anh văn, đây cũng là khoảng thời gian anh phải vắt óc suy nghĩ, chọn xem mình nên học ngành gì, đi đường nào cho đúng: “Không còn tay, còn một chân thì mình phải suy nghĩ học ngành gì vừa phù hợp với năng lực của mình vừa là cơ hội để sau này tìm việc làm, đó là chuyện không đơn giản đối với một thương binh đặc biệt như tôi” anh tâm sự. Năm 1985, trải qua bao khó khăn vất vả, anh tốt nghiệp ngành Anh văn Trường Đại học Tổng hợp, cầm tấm bằng trong tay mà anh rơi nước mắt. Nhưng cuộc đời đâu có như mơ, tấm bằng của một thương binh 1/4 không đủ sức thuyết phục các nhà tuyển dụng, anh bùi ngùi nhớ lại: “Đến nộp hồ sơ ở đâu người ta cũng hồ hởi nhận vì Nhà nước đã có quy định ưu tiên cho thương binh, bộ đội xuất ngũ nhưng chẳng có nơi nào kêu đi làm, tôi rất buồn nhưng phải cố gắng chấp nhận vì tôi đâu có lành lặn như người bình thường”. Thêm một khoảng lặng trong cuộc đời sóng gió của chàng thanh niên gốc Sài thành, không xin được việc làm như ý muốn, anh quyết định đi dịch báo cho Báo Tuổi Trẻ, dịch sách, tạp chí cho các công ty tư nhân và kể cả dạy kèm nhưng tất cả cuối cùng đó cũng chưa phải là những con đường anh chọn. Một năm ròng rã tìm việc làm, anh lại về Trường Đại học Tổng hợp với cương vị chuyên trách Đoàn, anh gắn bó với ngôi trường này thêm hai năm nữa cho đến năm 1994 anh chuyển về công tác cho Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM và đây cũng là lần chuyển công tác cuối cùng của anh cho đến nay.
Hạnh phúc khi được sẻ chia
Cuộc đời với bao nhiêu sóng gió, gian lao, ai cũng mong sao ở phía cuối con đường thành công có bóng dáng của người phụ nữ. Hạnh phúc đã đến với anh khi chị Trần Mai Phương – nhân viên của Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội Q.3 trong một lần cùng đoàn của phòng đến thăm thương binh, chị đã cảm mến và quyết định chọn anh làm điểm tựa của cuộc đời.
Cuộc sống vợ chồng không làm gián đoạn công việc của anh, mà đó còn là động lực cho anh thực hiện đam mê được học của mình. Liên tiếp từ năm 2000 đến 2006 anh đã lấy thêm bốn tấm bằng cho cá nhân mình (bằng cử nhân kinh tế (ĐH Kinh tế), bằng cử nhân hành chính (Học viện Hành chính Quốc gia), thạc sĩ quản lý nhà nước, bằng cao cấp lý luận chính trị), đó quả là một bộ “sưu tầm” rất đáng nể của anh.
Bây giờ, mái ấm của người thương binh ấy đã có 4 mái đầu, 1 đôi vợ chồng hạnh phúc và 2 cô con gái ngoan, hiền. “Bây giờ, mình cũng đã 50, còn vài năm nữa thì cũng về “vườn”, còn gì đâu để mà mơ, mà ước, chỉ mong sao có sức khỏe, không ốm đau và nhiều thời gian một tí”. “Nhiều thời gian nghĩa là sao?” tôi hỏi. “Công việc của mình dạo này nhiều quá, có hôm mình phải làm việc đến 22, 23 giờ khuya mới về. Mình chỉ mong một ngày có 48 tiếng để mình làm việc”, đó là một chia sẻ mang đậm tinh thần hăng say làm việc cống hiến cho cuộc đời. Hiện tại, anh đang là Phó giám đốc Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TP.HCM, công việc của cơ quan cũng đủ để anh bận rộn, nhưng với tinh thần làm việc hết mình thì anh còn nhận biên tập sách cho các đơn vị, cá nhân khác nữa.
Bài, ảnh: Công Luận
Khi trò chuyện, anh vui miệng liên tưởng rằng mình giống “chú lính chì”. Một “chú lính chì” với đôi bàn tay giả, một chân giả đã dũng cảm vượt qua tất cả để có được một cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa. |
Bình luận (0)