Tòa soạnThư đi – tin lại

Chủ nhà trọ tăng giá điện vô tội vạ

Tạp Chí Giáo Dục

Những căn phòng trọ chật hẹp liên tục bị chủ nhà tăng giá điện vô tội vạ
Mặc dù nghị định số 134/2013/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả do Thủ tướng Chính phủ ký đã có hiệu lực từ ngày 1-12-2013, thế nhưng vào những ngày đầu năm 2014 (sau Tết Nguyên đán), nhiều chủ trọ tại thành phố Đà Nẵng đồng loạt tăng giá điện đối với phòng trọ cho thuê hơn gấp đôi, gấp ba lần so với mức giá quy định.
Vào thời điểm cuối năm 2013, nhiều người dân, nhất là bộ phận công nhân lao động tại các khu công nghiệp và sinh viên đang theo học các trường ĐH, CĐ rất phấn khởi khi nghị định của Thủ tướng Chính phủ về các quy định xử phạt trong lĩnh vực điện lực được ban hành và chính thức có hiệu lực. Thế nhưng niềm vui ấy chỉ là phép “an ủi” tinh thần khi mà những ngày sau Tết Nguyên đán 2014, sau kì nghỉ ở quê trở lại thành phố để tiếp tục làm việc, học tập, bộ phận công nhân và sinh viên nghèo càng buồn lo hơn khi các chủ trọ “chào năm mới” bằng thông báo miệng rằng sẽ thu giá tiền điện lên 3.000 đồng/kW.
Em Nguyễn Thị Thúy, quê ở Quảng Trị, là học sinh vào thành phố ôn thi ĐH, hiện trú tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn than thở: “Mỗi tháng ba mẹ gửi vào cho em 3 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, tiền học phí ôn thi, khéo lắm cũng chỉ có 20 ngàn để mua thức ăn cho 3 bữa. Lúc đầu chủ trọ thu 2.000 đồng/kW điện. Vừa về Tết 10 ngày vào lại thì chủ nhà thông báo tăng lên 3.000”. Còn em Nguyễn Tuấn, sinh viên năm thứ 3, đang trọ tại đường Hồ Biểu Chánh (quận Hải Châu) thì cho biết: “Không phải đến bây giờ mà ngay trước Tết, chủ trọ đã tự tăng giá điện với lời giải thích là tết nhất mọi thứ tăng giá, điện cũng tăng. Mà đồng hồ đo điện của các nhà trọ cũng chạy một cách rất bất thường, thông thường mỗi phòng trọ rộng tầm 15m2 như tụi em thuê chỉ có một cái bóng đèn thắp sáng và một nồi cơm nhỏ. Thế mà mỗi ngày đồng hồ quay hơn 1 chữ số điện. Mỗi tháng ít nhất tụi em đóng hơn 100.000 đồng”.
Không riêng bộ phận sinh viên, các khu đông lao động phổ thông đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chủ nhà trọ cũng thi nhau tăng giá điện vô tội vạ. “Không chấp nhận thì đi chỗ khác mà thuê, nhưng nên biết rằng đi đâu cũng cái giá đó thôi”, lời thông báo mang tính chất “bất cần” đầy ép buộc của chủ trọ khiến người thuê nhà trọ lâm vào cảnh dở khóc dở cười, dằn lòng chịu cảnh “cóc kêu không thấu trời”. Chị Nguyễn Thị Thu, quê Quảng Bình, đang làm công nhân ở Khu công nghiệp Hòa Khánh chia sẻ: Vì công ty không có nhà cho công nhân ở nên tụi mình phải ra ngoài thuê trọ. Các chủ trọ cứ dăm ba bữa lại kêu tăng tiền điện, tiền nhà. Trong khi đồng lương vẫn ì ạch như cũ nên đời sống rất chật vật. Nhiều công nhân, sinh viên cứ vài ba tháng lại chuyển phòng trọ một lần bởi không chịu nổi chiêu thức “chặt chém” của chủ trọ. Theo quy định, trường hợp có 4 người cùng thuê trọ, ký hợp đồng thuê 6 tháng và đã đăng ký tạm trú thì sẽ được chủ nhà trọ lắp công tơ điện riêng, đồng thời giá điện tính theo bậc thang như hộ gia đình, cụ thể là 1.418 đồng/kW cho 100kW đầu và 1.622 đồng/kW tiếp theo đến 150kW. Thế nhưng không mấy chủ trọ chịu thực hiện quy định này. Đối với các chủ trọ, người thuê trọ không còn là “thượng đế”, mà chính họ mới là người nắm quyền sinh sát trong tay.
Nghị định số 134/2013/ NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có những điểm đáng chú ý là mạnh tay xử lý chủ trọ có hành vi “chặt chém” tiền điện đối với người thuê nhà. Theo đó, chủ trọ sẽ bị phạt từ 7-10 triệu đồng hoặc 10-15 triệu đồng nếu thu tiền điện cao hơn mức quy định (áp dụng cho trường hợp chủ trọ khai báo mua điện theo giá bán lẻ phục vụ mục đích sinh hoạt hoặc mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ). Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực xảy ra tại địa phương. Quy định là vậy, tuy nhiên về mặt quản lý, quy định phạt chủ trọ tự ý nâng giá điện đối với người thuê trọ xem ra cũng khó áp dụng vào thực tế. Bởi lẽ, muốn xử lý hành vi vi phạm này, trước tiên là phải có hóa đơn, chứng từ làm căn cứ. Tuy nhiên, ở hầu hết các phòng thuê trọ của công nhân và sinh viên thì giá điện chỉ được thỏa thuận bằng miệng giữa chủ trọ và người thuê mà không hề có một văn bản nào. Bởi vậy, người thuê bao giờ cũng chịu thiệt thòi.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Hiện nay, ĐH Đà Nẵng có 7 trường ĐH, CĐ thành viên, với hơn 60.000 sinh viên đang theo học. Đó là chưa kể các trường ĐH, CĐ ngoài công lập đóng chân trên địa bàn. Trong khi đó, chỗ ở KTX chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho sinh viên theo học. Ngoài ra, nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất ở thành phố này cũng có hơn 50.000 công nhân xa quê đến làm việc. Nhu cầu ở trọ lớn, trong khi nhà ở dành cho bộ phận này còn quá khiêm tốn, đó là nguyên nhân dẫn đến các chủ trọ “tác oai, tác quái” với các chiêu thức “chặt chém” vô tội vạ.
 

Bình luận (0)