“Chú nuôi” Thanh Hoài và Văn Vũ kiểm tra bữa ăn của các cháu với các món ăn mình đã nấu |
Khác với các trường phổ thông, chức năng của trường mầm non không chỉ dừng lại ở dạy trẻ mà còn phải nuôi trẻ nữa. Bởi vậy, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mới sáng tác ca khúc Cô đi nuôi dạy trẻ. Vâng! Lâu nay, mọi người chỉ biết đến cô nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non chứ mấy ai nghĩ rằng ở đó cũng có các “chú nuôi” nữa…
Sở dĩ gọi các anh là “chú nuôi” là bởi các anh chỉ nuôi chứ không dạy như các cô giáo mầm non (MN). Công việc của các anh là lo cái ăn, cái uống mỗi ngày cho các bé ở trường MN. Nghe thì cứ nghĩ đấy là chuyện nhỏ nhưng có làm mới biết công việc này không nhỏ chút nào.
Những “chú nuôi” 8X
Từ trước tới giờ tôi vẫn cho rằng cấp dưỡng ở trường học, nhất là trường MN phải là phụ nữ và là phụ nữ lớn tuổi. Bởi vậy, khi nghe cô Lâm Kim Hoàng – Hiệu trưởng Trường MN Bé Ngoan (Q.1, TP.HCM) giới thiệu về hai “chú nuôi” Chim Ngọc Thanh Hoài (SN 1984) và Hồ Văn Vũ (SN 1984) tôi rất đỗi ngạc nhiên. Cả hai cùng thuộc thế hệ 8X, trẻ trung, năng động và “tướng tá cũng ngon lành”.
Khi tôi hỏi: “Còn trẻ và là đàn ông, sao các anh lại chọn nghề cấp dưỡng ở trường MN?”. Thanh Hoài hồn nhiên: “Trước khi vào làm ở Trường MN Bé Ngoan, tôi làm vệ sĩ của một công ty. Nhưng do cơ chế khắc nghiệt, làm việc không thấy thoải mái nên tôi nghỉ. Sau đó, tôi tới Trường MN Bé Ngoan xin làm bảo vệ. Lúc đó, cô Hiệu trưởng nói: “Trường đủ bảo vệ rồi” và dẫn tôi lên nhà bếp để phụ việc. Lúc đầu, tôi ngại lắm vì xung quanh toàn các cô, các chị. Đã vậy, khi kể với mấy đứa bạn, đứa thì cười, đứa lại chọc quê. Đã có lúc tôi muốn nghỉ. Đúng lúc ấy, anh trai (làm cấp dưỡng ở Trường MN 30-4, Q.1) và chị gái (cấp dưỡng Trường MN Tuổi Thơ, Q.1) khuyên nên ở lại. Thế là tôi ở lại. Sau đó cô Hiệu trưởng gửi tôi đi học sơ cấp thực phẩm tại Trường Trung học Sư phạm mầm non (nay là Khoa Giáo dục mầm non, Trường ĐH Sài Gòn)…”.
Không muốn mình là “gươm lạc giữa rừng hoa” nên sau 3 năm làm cấp dưỡng tại Trường MN Bé Ngoan, Thanh Hoài “tiến cử” bạn là Hồ Văn Vũ với cô Hiệu trưởng. Năm 2008, từ một thợ cơ khí, Văn Vũ trở thành cấp dưỡng ở trường MN. Thời gian đầu, Vũ cũng có chung một cảm giác lạ lẫm, ngại ngùng như Thanh Hoài nhưng càng làm càng thấy yêu nghề. Văn Vũ cũng được nhà trường gửi đi học sơ cấp thực phẩm tại Trường CĐ Công nghệ thực phẩm (nay là ĐH Công nghệ thực phẩm).
Khi dấn thân vào cái nghề “chú nuôi”, Văn Vũ không bị bạn bè chọc quê nhưng lại bị bạn gái bắt bẻ. “Khi bạn gái hỏi tôi: “Anh làm nghề gì?”, lúc đó tôi ngập ngừng một lát rồi trả lời: “Anh làm cấp dưỡng ở Trường MN Bé Ngoan”. Cô ấy nói: “Ủa, đấy là công việc của phụ nữ mà”. Tôi đáp lại: “Phụ nữ làm được thì đàn ông cũng làm được”…”, Văn Vũ kể lại.
Sau 6 năm gắn bó với công việc này, “Niềm vui lớn nhất của tôi là: “Mỗi bữa đi kiểm tra cháu ăn, nghe các cháu nói: Bữa nay chú Hoài nấu ngon, con ăn hết tô”. Ngược lại khi thấy các cháu bỏ bữa thì tôi rất lo lắng, trăn trở và phải tìm cách điều chỉnh cách nấu sao cho phù hợp. Nhưng điều làm tôi sợ nhất là bữa tối thấy số điện thoại lạ gọi. Tôi sợ phụ huynh gọi mắng vốn vì có chuyện gì xảy ra với cháu. Cũng may, chưa có chuyện gì xảy ra…”, Thanh Hoài tâm sự.
3 năm gắn bó với công việc bếp núc ở trường MN, Văn Vũ có rất nhiều chuyện vui buồn liên quan đến những đứa trẻ và phụ huynh học sinh. Vũ kể: “Mỗi khi gặp, phụ huynh lại hỏi: “Bữa nay nhà bếp nấu món gì chú Vũ, các cháu ăn có ngon không”. Cũng có phụ huynh nói: “Hôm qua chú nấu món bánh canh ngon quá, bé Tôm về nhà cứ bắt mẹ phải nấu giống chú Vũ. Lúc nào rảnh, chú dạy tôi nấu nhé”…”.
Từ chối mức lương cao vì… yêu trẻ
“Chú nuôi” Chấn Dũng |
Với hàng chục năm kinh nghiệm và được đào tạo bài bản, anh Nguyễn Hoàng Khanh – bếp trưởng Trường MN 19-5 thành phố có đầy đủ điều kiện để đứng bếp tại bất kỳ nhà hàng nào. Thực tế, rất nhiều nhà hàng đã mời anh về làm bếp trưởng nhưng anh đều từ chối. Mới đây, gần nhà (Q.Gò Vấp) có mở một làng nướng, chủ ở đây đã đích thân tới nhà mời anh làm bếp trưởng với mức lương cao gấp 3 lần ở trường nhưng anh cương quyết nói: “Không”.
Bạn bè anh, nhiều người làm bếp trưởng tại các nhà hàng, khách sạn cũng “năm lần, bảy lượt” rủ rê anh về làm cùng họ. Những lúc đó anh chỉ nói: “Trường MN được nghỉ thứ bảy, chủ nhật, lễ tết, những ngày đó nếu các bạn cần, tôi sẽ tới giúp. Còn bỏ việc ở trường thì tôi không thể, vì tôi yêu các cháu ở đây như chính các con mình”… Và anh đã gắn bó với nhà bếp này hơn 10 năm nay. Theo đó, hàng trăm món ăn mà anh nấu đã nuôi dưỡng cả chục ngàn đứa trẻ.
Con đường đến với nhà bếp Trường MN 19-5 thành phố của anh Hoàng Khanh cũng gian nan lắm. Anh Khanh kể: “Trước đây, tôi là thợ nấu đám cưới. Nhưng khi nhà hàng, khách sạn mọc lên như nấm thì tôi bị thất nghiệp. Thế là tôi xin vào làm công nhân cho Công ty cổ phần Nước giải khát Tribeco. Được một thời gian thì nghỉ và vay vốn mở nhà hàng. Do thua lỗ nên chỉ hơn một năm sau tôi sang lại cho người ta rồi xin vào Trường MN 2 (Q.3, TP.HCM) làm cấp dưỡng. Làm được 2 năm, tôi chuyển qua Trường MN 19-5 thành phố”.
Có thể, nhiều người sẽ cho rằng nấu ăn cho trẻ con dễ ợt, nấu cho người lớn sao thì nấu cho con nít vậy. Nhưng với anh Hoàng Khanh thì nấu cho trẻ con và người lớn khác nhau nhiều lắm. Nấu cho trẻ phải hội đủ 3 yếu tố: màu sắc, mùi vị và chất dinh dưỡng. Màu sắc thì phải bắt mắt để thu hút sự chú ý của trẻ. Mùi vị không được đậm đặc, mặn mà như đồ ăn của người lớn, vì như vậy trẻ sẽ sợ mà không ăn. Còn chất dinh dưỡng, đương nhiên là phải đảm bảo để trẻ phát triển cả cơ thể lẫn trí não.
Đồng nghiệp của anh Hoàng Khanh ở Trường MN 19-5 thành phố còn có anh Dương Chấn Dũng. Trước khi trở thành “chú nuôi” ở đây, anh Chấn Dũng là công nhân nhà máy diêm. Khi nhà máy giải thể, anh chạy xe ôm. Năm 1996, thấy anh hay đợi khách ở cổng trường nên Hiệu trưởng Trường MN 19-5 thành phố mời anh vào làm. Lúc đầu, anh làm những việc mà các cô không làm được như sửa chữa nhỏ điện nước, sơn quét trường… Sau đó, anh được gửi đi học cấp dưỡng và vào bếp làm.
Thực lòng mà nói là một người đàn ông trụ cột trong gia đình mà làm cấp dưỡng ở trường MN nên có đôi lúc anh cũng hơi mặc cảm. Tuy nhiên, ngày ngày đến trường nhìn thấy hàng trăm đứa trẻ ngây thơ vui vẻ ăn hết những món ăn mà mình nấu, anh thấy hạnh phúc lắm. Bởi vậy, dẫu có rất nhiều lời mời gọi của các nhà hàng, quán ăn nhưng anh vẫn không đi.
“Trường MN phải có nam, có nữ thì mới vui. May mắn là Trường MN 19-5 thành phố có tới 4 anh cấp dưỡng, các anh ngoài việc nấu ăn còn phụ Ban giám hiệu làm rất nhiều việc. Điển hình như anh Dương Chấn Dũng rất khéo tay, nên anh thường cắt chữ, dán hoa hay sửa chữa điện nước, bàn ghế… việc gì anh cũng làm được”, cô Nguyễn Thị Kim Dung – Hiệu trưởng Trường MN 19-5 thành phố cho biết.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)