Đào tạo nghề kết hợp với các chương trình phát triển kỹ năng số sẽ là chìa khóa đảm bảo cho lực lượng lao động của Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Ngày 6-10, GS. Klaus Schwab (Chủ tịch sáng lập Diễn đàn Kinh tế thế giới – WEF) đã có buổi nói chuyện với đại diện các doanh nghiệp, sinh viên các trường ĐH và công dân trẻ tiêu biểu của TP.HCM chủ đề “Kinh tế tri thức – Nền tảng cho tương lai thịnh vượng và hành động của giới trẻ”.
Buổi nói chuyện nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần 5 năm 2024 do Sở Ngoại vụ TP.HCM phối hợp với Trường ĐH Hoa Sen tổ chức dưới sự chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Sẽ chuyển đổi sang “Kỷ nguyên trí tuệ”
Trong bài phát biểu, GS. Klaus Schwab nhận định Việt Nam có sự phát triển kinh tế ấn tượng trong vài thập kỷ qua; đã và đang định vị mình là một nhân tố quan trọng trong thương mại, sản xuất toàn cầu. Ông phân tích, với hơn 100 triệu dân, GDP năm 2024 dự kiến đạt 430 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng GDP dao động từ 6-7% và độ tuổi trung vị của dân số chỉ hơn 30, Việt Nam là một quốc gia trẻ với tiềm năng lớn để trở thành nền kinh tế trị giá 2 nghìn tỷ USD vào năm 2050. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hiện chủ yếu phụ thuộc vào các ngành công nghiệp và xuất khẩu; đặc biệt là lĩnh vực điện tử, sản xuất.
Nhưng đến năm 2050, cấu trúc kinh tế và xã hội sẽ thay đổi đáng kể với sự chuyển đổi từ thời đại công nghiệp sang thời đại “Kỷ nguyên trí tuệ”. Việt Nam đã chủ động chuẩn bị cho tương lai số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ với mục tiêu đưa Việt Nam vào top 50 quốc gia về chính phủ số và kinh tế số vào năm 2025 là một nền tảng quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.
TS.Klaus Schwab nêu ra 4 lĩnh vực chính mà công nghệ đang tái định hình bối cảnh của Việt Nam là: AI và tự động hóa trong sản xuất; thương mại điện tử và dịch vụ số; hạ tầng số và đô thị thông minh; phát triển bền vững và công nghệ xanh. Tuy “Kỷ nguyên trí tuệ” mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng theo ông, cũng cần thừa nhận những thách thức mà thời đại này đặt ra đối với xã hội. Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong giảm nghèo và cải thiện phúc lợi xã hội nhưng quá trình chuyển đổi số vẫn có nguy cơ làm gia tăng bất bình đẳng nếu không được quản lý cẩn thận.
Đào tạo nghề, phát triển kỹ năng số là chìa khóa cạnh tranh
TS.Klaus Schwab dự báo rằng, khi AI và tự động hóa tái định hình các ngành công nghiệp, một số công việc sẽ có nguy cơ mất đi. Đối với một quốc gia có lực lượng lao động lớn phụ thuộc vào sản xuất và nông nghiệp như Việt Nam, đây là một thách thức nghiêm trọng. Chính phủ Việt Nam đang giải quyết vấn đề này thông qua Chương trình quốc gia về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào tái đào tạo nguồn lao động cho các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đào tạo nghề kết hợp với các chương trình phát triển kỹ năng số sẽ là chìa khóa đảm bảo cho lực lượng lao động của Việt Nam duy trì tính cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Ông đánh giá, hệ thống giáo dục của Việt Nam từ lâu đã là một điểm mạnh; nhất là trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM). Tuy nhiên, để tham gia toàn diện vào “Kỷ nguyên trí tuệ”, Việt Nam cần tiếp tục đầu tư vào hệ thống giáo dục, đảm bảo học sinh được trang bị những kỹ năng của tương lai, bao gồm tư duy phản biện, tư duy sáng tạo và kỹ năng số. Ông nhìn thấy “Kỷ nguyên trí tuệ” là một thời kỳ đầy cơ hội, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, blockchain, internet vạn vật và công nghệ sinh học đang mở ra những không gian cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo chưa từng tồn tại trước đây.
Ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM) cho hay TP.HCM đang tái cấu trúc, chuyển đổi nền kinh tế trên cơ sở phát huy yếu tố khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức. Chủ đề đối thoại này không chỉ rất thiết thực với các nhà tri thức, các doanh nhân, sinh viên mà còn hữu ích cho TP.HCM; gợi ý cho thành phố những định hướng và giải pháp đúng. Ông Mãi cũng thông tin thêm, trong buổi làm việc với GS. Klaus Schwab hôm 5-10, lãnh đạo thành phố đã khẳng định rằng TP.HCM cũng như Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới thông qua thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa thành lập để TP.HCM sẽ là thành phố toàn cầu, thành phố học tập, là trung tâm đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á và châu lục. |
Chủ tịch sáng lập WEF nhìn nhận thanh niên Việt Nam đang có những ưu thế đặc biệt để nắm bắt cơ hội này. Với nền kinh tế số đang tăng trưởng và cam kết của Chính phủ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình như Chuyển đổi số quốc gia, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mới được thành lập tại TP.HCM, thanh niên sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn lực, sự hướng dẫn và các thị trường chưa từng có. Nhưng ông lưu ý, thành công trong “Kỷ nguyên trí tuệ” không chỉ đòi hỏi kỹ năng công nghệ mà còn cần sự sáng tạo, kiên trì và sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Các bạn trẻ sắp bước vào một thế giới đang thay đổi với tốc độ chóng mặt. Và một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà các bạn trẻ cần phát triển chính là cam kết học tập suốt đời. Những công việc của ngày hôm nay có thể sẽ không còn tồn tại vào ngày mai và những kỹ năng học ở trường ngày nay có thể sẽ cần được cập nhật chỉ trong vài năm tới.
Ông cũng chỉ ra một trong những thách thức mà các bạn trẻ sẽ đối mặt chính là đảm bảo sao cho công nghệ do chúng ta phát triển được sử dụng một cách có đạo đức và có trách nhiệm. “Thế hệ trẻ sẽ có trách nhiệm định hình những quy tắc đạo đức liên quan đến quyền riêng tư, an ninh mạng và việc sử dụng AI như thế nào để nâng cao niềm tin, sự công bằng” – GS. Klaus Schwab nói.
Mê Tâm
Bình luận (0)