Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Chủ tịch Fidel Castro đã sinh tôi ra lần thứ hai”

Tạp Chí Giáo Dục

“Nghe tin Chủ tịch Fidel Castro mất, tôi cảm thấy rất buồn. Đối với tôi, ông như người cha đã cho tôi một cuộc đời thứ hai kể từ lần bị thương nặng khi làm nhiệm vụ san lấp hố bom năm 1973 ở đất thép Vĩnh Linh. Không thể đến được đất nước Cuba xa xôi, ở miền đất lửa Quảng Trị này, tôi chỉ biết thắp nén hương lòng tưởng vọng và nhớ ơn ông”. Bà Nguyễn Thị Hương – người được Chủ tịch Fidel Castro cùng đoàn ngoại giao Cuba hỗ trợ cứu sống năm 1973 xúc động nói.

“Với tôi, ông Fidel Castro như người cha sinh ra mình lần thứ 2”, bà Hương tâm niệm

1.Tin vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Cuba qua đời hẳn làm những người dân trên đất nước ông và nhiều người mến mộ, khâm phục nhân tài kiệt xuất Fidel Castro nhói lòng thương nhớ. Với nhiều người dân ở miền đất lửa Quảng Trị, nhất là với người từng được ông cùng đoàn ngoại giao Cuba và cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cứu sống đó là cả một sự mất mát lớn lao. Cách nay 43 năm về trước, khi chiến tranh đang diễn ra vô cùng ác liệt, Fidel Castro – vị lãnh tụ nước ngoài duy nhất đã vượt nửa vòng trái đất đến miền đất lửa Quảng Trị. Cũng từ chuyến đi này, ông đã để lại nhiều tình cảm khó quên trong lòng mỗi người dân trên mảnh đất này. Từ đó, họ biết và mến yêu hơn người bạn lớn từ bên kia bán cầu trái đất. “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng máu của mình”, câu nói nghĩa tình ấy của Fidel Castro dường như vẫn còn vọng lại đâu đó trong lòng mỗi người dân đất Việt.

Trong hành trình đến với người dân Quảng Trị, Chủ tịch Fidel Castro đã để lại không ít ấn tượng với những câu chuyện nghĩa tình. Bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi), hiện sống trong ngôi nhà yên bình ở đường Đặng Tất (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) nghèn nghẹn kể lại: “Đó là một ngày giữa tháng 9-1973, tui lúc đó 16 tuổi, là đoàn viên thanh niên của xã Vĩnh Thành. Hôm đó nhận được thông tin Chủ tịch Fidel Castro cùng cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn vào thăm vỹ tuyến 17, các đoàn viên và lực lượng vũ trang lúc đó tổ chức tiếp đón đồng thời sau đó phải nhanh chóng san lấp hố bom để có ruộng đất sản xuất. Khi tui cùng các thanh niên xã và lực lượng Công an vũ trang Hiền Lương lấp hố bom đến tầm đầu giờ chiều thì trong lúc đang cuốc đất, bất ngờ bom bi phát nổ. Theo phản xạ tui bước đi được chục mét thì ngã xuống bất tỉnh. Cùng lúc đó, đoàn xe đi đến, dừng lại. Tui thoáng thấy bóng một người cao to cúi xuống. Sau này nghe các đoàn viên thanh niên làm cùng kể lại thì đó là ông Fidel Castro”. Bà Hương ngay sau khi được các bác sĩ đoàn sơ cứu thì được chuyển về điều trị tại Bệnh viện A Vĩnh Linh đóng tại xã Vĩnh Tú. “Lúc đó tui bị thương đứt 8 đoạn ruột, đứt động mạch, mất máu rất nhiều. Ông Fidel Castro đã hội ý với bệnh viện là bằng mọi giá phải cứu sống tui. Nghe nói lúc đầu ông cùng đoàn định đưa tui ra Hà Nội nhưng các y bác sĩ Bệnh viện A Vĩnh Linh khẳng định là sẽ nỗ lực cứu chữa được. Rồi tiếp đó, vì thiếu máu nên ông cho xe cấp tốc ra Bệnh viện Đồng Hới (Quảng Bình) lấy 10 bịch máu khô vào truyền cho tui”. Một tháng sau ngày bị thương, bà Hương chập chững từng bước đi và bắt đầu hồi phục. Cuộc đời bà từ sau ngày bị thương, dù không có cơ hội đi nhiều nơi, gần như chỉ quẩn quanh trong căn bếp gia đình, chợ búa, nhưng khi có dịp bà đều gửi thư thăm Chủ tịch Fidel Castro. “Lúc nào có thông tin các đoàn đại biểu UBMTTQVN tỉnh hay Hội LHPN tỉnh sang Cuba, tui đều tranh thủ gửi thư cho ông Fidel Castro để hỏi thăm sức khỏe và không quên cám ơn ông. Mới cách đây hơn tháng, tui cũng vừa gửi thư thăm ông, vậy mà…”, bà Hương nghẹn ngào. “Chủ tịch Fidel Castro là người rất tình cảm. Sau khi bị thương không lâu, về Cuba, ông liền gửi quà sang cho tui, gồm nhiều thuốc bổ kèm tấm danh thiếp. Rồi năm 1985, ông có lời mời cho tui sang Cuba kiểm tra sức khỏe, chỉ tiếc lúc đó tui vừa sinh cháu út nên không có điều kiện để đi”, bà Hương bần thần kể lại. 

Trưa 15-9-1973, chuyên cơ AN-24 mang số hiệu VN-1094 chở Fidel Castro đáp xuống Sân bay Đồng Hới (Quảng Bình). Ngay sau đó, 2 chiếc U-oát tiếp tục đưa ông cùng đoàn tháp tùng Việt Nam vào tuyến lửa Vĩnh Linh. Chuyến thăm ấy của Fidel Castro đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung về người bạn lớn bên kia bán cầu. Một năm sau chuyến thăm ấy, Bệnh viện Việt Nam – Cuba đã được xây dựng ở Đồng Hới (Quảng Bình) ghi sâu hơn dấu ấn về tình hữu nghị. 

2.Hồi sinh sau lần bị thương chí tử ấy, bà Hương đã lập gia đình và có ba mặt con. Nay bà sống hạnh phúc êm đềm trong ngôi nhà ở trung tâm thành phố Đông Hà. Các con của bà cũng đã lập gia đình, có công ăn việc làm ổn định, con cái đề huề. Vào những cuối tuần con cháu về thăm, bà Hương vẫn luôn kể và nhắc nhở con cháu mình về ơn người đã cứu sống mình năm ấy. Ngồi cạnh vợ, ông Lê Mạnh Kết, chồng bà Hương bảo: “Vợ chồng tui luôn biết ơn ông Fidel Castro. Dù chỉ là một người dân ở một đất nước xa xôi, cách Cuba đến nửa vòng trái đất và cũng chỉ mới gặp một lần nhưng ông vẫn luôn dành cho bà ấy một sự quan tâm đặc biệt. Nếu không có ông Fidel, chắc tui không gặp được bà ấy để xây dựng một gia đình hạnh phúc như bây giờ”.

Dõi theo những bản tin về Chủ tịch Fidel Castro trên các phương tiện thông tin, gương mặt bà Hương đượm buồn. “Tui rất muốn đến Cuba để thắp nén hương cho ông Fidel Castro nhưng điều kiện không cho phép, mấy ngày ni tui chỉ biết dâng đến ông ấy nén hương lòng tưởng nhớ. Nếu không có đoàn xe của ông Fidel Castro và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi qua lúc đó, chắc tui khó mà sống được, nói chi đến chuyện vẫn mạnh khỏe để lập gia đình, con cái đề huề. Dù chỉ gặp ông được một lần lúc bị thương nặng, dù chưa có vinh dự được ông nhận làm con nuôi nhưng trong thâm tâm tui, ông là người cha sinh tui ra lần nữa trên cuộc đời này”.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)