Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ: Thầy cô phải tự hào với nghề, với sự tiên phong của ngành

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 17-11, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Lễ Kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/ 20-11-2023) và trao giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 cho 50 nhà giáo tiêu biểu.


Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ trao giải Võ Trường Toản cho nhà giáo tiêu biểu

Tham dự có bà Nguyễn Thị Lệ – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Nguyễn Văn Dũng – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

“Mẩu tin nhói lòng” không làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy

Mỗi câu chuyện về hành trình bám nghề, gắn bó với học sinh của mỗi thầy cô giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 đều là những câu chuyện đầy cảm phục, nhân văn và truyền cảm hứng về tấm gương nhà giáo vượt khó, tận tâm tận lực với nghề…

Đó là cô Tống Thị Hải Yến – giáo viên Trường Mầm non Hoàng Anh (huyện Bình Chánh) – “chinh phục” trẻ và phụ huynh bằng sự nhẫn nại, tình yêu thương để tạo niềm tin, sự đồng thuận của phụ huynh trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ…

Là cô Trương Thị Đẹp – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận Gò Vấp), với phương châm chuyển đổi số giáo dục nhưng không xa rời mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực học sinh, trang bị cho các em ý thức tự học, để học tập suốt đời, đã mang đến “trái ngọt” là 100% phụ huynh học sinh nhà trường đồng hành, ủng hộ việc chuyển đổ số; gần 80% phụ huynh đồng tình mua các ứng dụng điện tử để kết nối, mở rộng việc học tập cho học sinh.


50 giáo viên được nhận giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023

“Chương trình GDPT 2018 quan trọng là phát triển phẩm chất năng lực học sinh, đòi hỏi nhà trường, giáo viên phải có nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Trong đó, quản lý, giáo viên phải xác định hoạt động đó có giúp hình thành nhân cách, năng lực học sinh hay không, đặt ra mục tiêu thực hiện nhiệm vụ đó” – cô Đẹp bày tỏ.

Đặc biệt, một trong những tấm gương nhà giáo xúc động nhất vinh dự được nhận giải thưởng Võ Trường Toản là cô Võ Thị Tuyết – giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Là giáo viên THPT, “tay ngang” đến với giáo dục hòa nhập nhưng bằng trái tim ấm nóng, yêu nghề, yêu trẻ, cùng trẻ lăn lê bò toài để làm bạn với trẻ, cô Tuyết đã “chạm” được đến trẻ và phụ huynh.

“Khó khăn là làm sao phải ổn định tâm lý của phụ huynh khi đa phần phụ huynh đều không chấp nhận con em mình là trẻ khuyết tật; bên cạnh đó là phải đồng hành cùng với trẻ để giúp trẻ tiến bộ. Có những khi đang dạy trẻ thì trẻ đưa tay tát vào mặt cô, mỗi khi trẻ đưa tay lên, tôi sẽ cầm đôi tay trẻ một cách dịu dàng, nói những lời âu yếm dành cho trẻ… Khi đến với trẻ khuyết tật, tôi coi đó là công việc vui vẻ, cho rằng mỗi hành động của trẻ đều là những điều tích cực mà trẻ muốn nói gì với mình, nên hãy yêu thương để dìu dắt trẻ” – cô Tuyết rưng rưng.

Thay mặt lãnh đạo ngành giáo dục TP.HCM, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu ghi nhận những đóng góp đầy trách nhiệm của cán bộ quản lý, nhân viên đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục; gửi lời cảm ơn toàn thể thầy cô giáo ngày đêm tận tụy với công việc, góp phần đào tạo những học sinh đủ đức đủ tài, có ý thức trách nhiệm trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt, chúc mừng và tri ân những cống hiến thầm lặng của 50 thầy cô giáo được trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 – những tấm gương lan tỏa sự nhiệt huyết, gắn bó với nghề.

Ông cho biết, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc, Ngày 20-11 hàng năm được chọn là ngày lễ tôn vinh những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Đòi hỏi mỗi thầy cô, mỗi nhân viên đang công tác trong môi trường giáo dục phải không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, ngày càng hoàn thiện về phong cách,  trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành nhiệm vụ và sứ mệnh “trồng người” cao cả.


Dịp này có 17 tập thể được nhận cờ thi đua của UBND TP.HCM

Nhìn lại chặng đường phát triển ngành giáo dục suốt thời gian qua, ông Hiếu đánh giá dù mỗi bậc học đều có khó khăn, vất vả riêng nhưng các thầy cô giáo đã nỗ lực, sáng tạo không ngừng, chung tay “vun trồng” nên những thế hệ học sinh có đầy đủ đức, trí, tài, sống có hoài bão, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Đó là sự lao động bền bỉ, sự đóng góp của mỗi cá nhân trong một tập thể lớn, cùng với sự quan tâm, động viên khích lệ kịp thời của các cấp, lãnh đạo, sự đồng hành của phụ huynh học sinh…

“Đâu đó vẫn còn một vài câu chuyện, mẩu tin làm nhói lòng những nhà giáo chân chính nhưng không thể làm nhòe đi giá trị đạo đức muôn đời của người thầy, bởi giá trị ấy được hình thành nên từ một truyền thống cao đẹp bao đời, từ những thầy giáo, cô giáo lặng lẽ vượt qua khó khăn miệt mài lao động, học tập, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp đào tạo của mỗi nhà trường, ngành giáo dục và cho đất nước. Chất lượng giáo dục không chỉ thể hiện qua kết quả các kỳ thi học sinh giỏi, tốt nghiệp THPT, hiệu suất đào tạo hàng năm mà còn thể hiện qua niềm vui, sự yêu thích đến trường của học sinh” – ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.

Thầy cô phải tự hào với nghề, với sự tiên phong của ngành

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ gửi lời chúc mừng đến đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên ngành giáo dục nhân kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, đặc biệt, gửi lời chúc mừng, biểu dương đến 50 nhà giáo đạt giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.

Bà bày tỏ sự xúc động trước những câu chuyện, tâm tư của các thầy cô đạt giải Võ Trường Toản, khi dù mỗi thầy cô ở những vị trí khác nhau, mỗi người mỗi việc nhưng đều vì sự nghiệp trồng người, là những tấm gương tiêu biểu, điển hình, vượt khó, sáng tạo, tận tâm cống hiến hết mình vì sự nghiệp giáo dục của thành phố.

Theo bà, Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ 11 nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra nhiệm vụ với ngành giáo dục thành phố phải đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế, phát huy vai trò trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước. Thầy cô giáo chính là những người trực tiếp cụ thể hóa các nhiệm vụ, giúp đào tạo ra nhân lực chất lượng cao, công dân trẻ sống tốt, sống có ích, xây dựng thành phố.

Để hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo thành phố mong muốn mỗi thầy cô giáo sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt cuộc vận động mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo. Nghề giáo là một nghề đặc biệt, thầy cô giáo là kỹ sư tâm hồn, vừa kiến thiết nền tảng về tri thức, nhân cách cho học sinh, vừa là nghệ sĩ trên bục giảng truyền cảm hứng, đam mê, hoàn thiện nhân cách cho công dân trẻ. Thầy cô có ảnh hưởng rất lớn đến nhân sinh quan, thái độ, tình cảm của học trò nên cần phải luôn trau dồi nhân cách, nêu gương tốt, tiếp tục học tập để không lạc hậu trong kỷ nguyên số.

“Thầy cô phải tự hào với nghề, với sự tiên phong của ngành giáo dục thành phố, với các chương trình đề án đột phá của thành phố nhằm đổi mới căn bản toàn diện, nâng tầm chất lượng nguồn nhân lực, hướng đến trình độ quốc tế” – bà gửi gắm.

Chủ tịch HĐND TP.HCM nêu rõ, để trở thành động lực then chốt cho sự phát triển kinh tế, xã hội của thành phố, là trung tâm giáo dục và đào tạo của cả nước và vươn tầm quốc tế, học sinh thành phố cần được tạo điều kiện để phát triển năng lực, phẩm chất, tính sáng tạo, kĩ năng tự học, năng động, dễ dàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế. Công dân thành phố phải chủ động vận dụng kiến thức vào cuộc sống, tích cực nghiên cứu khoa học, sống có trách nhiệm, mạnh dạn đấu tranh với tiêu cực, bảo vệ lẽ phải và góp phần xây dựng xã hội hạnh phúc.

Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ khẳng định, yêu cầu nhiệm vụ của ngành giáo dục thành phố đòi hỏi tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh phải không ngừng đổi mới cả về lượng, về chất cho sự phát triển chung của ngành. Chính cán bộ quản lí và các thầy cô giáo là nhân tố trực tiếp triển khai chương trình GDPT mới, thực hiện các giải pháp đổi mới của ngành để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế.

Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo; từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện các phong trào thi đua trọng yếu của ngành giáo dục, đến việc giáo dục toàn diện học sinh, tập trung đầu tư xây dựng trường lớp đảm bảo chỗ học cho tất cả người dân trên địa bàn thành phố; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng rèn luyện phẩm chất, năng lực cho người học có chiều sâu và hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

“Công cuộc đổi mới nào cũng có nhiều khó khăn, trắc trở, chịu va chạm, đấu tranh của những luồng tư tưởng cũ – mới, sự giao thoa của các nền văn hóa, nhất là sự đáp ứng thích nghi trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự chuyển đổi của cách mạng công nghệ 4.0… Mỗi thầy cô giáo, toàn ngành tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, kiên định với đường lối đổi mới, luôn giữ cho mình tâm sáng – trí bền, xứng đáng là nhà giáo chân chính của thành phố mang tên Bác. Với riêng thầy cô giáo nhận giải thưởng Võ Trường Toản tiếp tục cháy hết mình với ngọn lửa đam mê cống hiến, là những tấm gương “gạn đục khơi trong”, lan tỏa lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, không ngừng đổi mới sáng tạo, truyền cảm hứng cho các thế hệ tiếp theo…” – Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ nhắn gửi.

Yến Hoa

Bình luận (0)