Sáng 16-8, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM khóa VIII đã tổ chức hội nghị chuyên đề “Kế hoạch năm học 2011-2012”. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP, các đại biểu HĐND, lãnh đạo các quận, huyện và các sở, ngành liên quan…
Theo báo cáo của ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì, năm học 2011-2012, thành phố tiếp nhận khoảng 35 ngàn học sinh nhập cư. Theo đó dù đã đưa vào sử dụng mới 1.095 phòng học nhưng vẫn không giảm được sĩ số học sinh/lớp theo đúng chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày vẫn còn thấp…
Tại từng địa phương, nhất là những quận ven và huyện ngoại thành thì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp rất đáng báo động. Đại biểu Đoàn Văn Thanh bức xúc: “Huyện Cần Giờ đề nghị được ghi vốn cho 15 công trình xây dựng trường học. Trung bình 1 công trình trường học từ khi được chấp thuận cho đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng phải mất 4 năm, nếu bây giờ các công trình này không được ghi vốn thì huyện Cần Giờ sẽ tiếp tục khó khăn về trường lớp trong những năm tiếp theo”.
“Do dân số hàng năm tăng cơ học rất cao, số trường lớp hiện có vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, sĩ số học sinh vẫn còn cao. UBND huyện Bình Chánh kiến nghị Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét, trình UBND, HĐND TP chấp thuận chủ trương bố trí vốn theo quy định để triển khai thực hiện các công trình dự kiến đầu tư xây dựng trong năm 2012”, ông Trần Trọng Tuấn – Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kiến nghị.
Không riêng gì các dự án xây dựng trường lớp ở huyện Bình Chánh bị đình trệ mà hàng trăm dự án khác của toàn ngành giáo dục phải dừng lại: “Do thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công nên theo chỉ đạo của thành phố chỉ thực hiện những công trình, dự án cấp thiết”, ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM lý giải.
Song, theo đại biểu Võ Văn Sen thì: “Xây dựng trường học để kéo giảm sĩ số học sinh/lớp là vấn đề cấp bách. Cần phải bố trí vốn cho các dự án này”…
Cùng chung bức xúc của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận phát biểu: “Mục tiêu của thành phố là đến năm 2015 phải có một nền giáo dục tiên tiến, hiện đại. Ngành GD-ĐT phải đào tạo ra một thế hệ học sinh có lối sống lành mạnh, có tính sáng tạo, năng động… Theo đó, ngân sách thành phố đầu tư cho giáo dục hàng năm đều tăng. Cụ thể năm 2009 là 2.400 tỷ đồng, năm 2010 là 3.700 tỷ đồng, năm 2011 là 5.250 tỷ đồng. Tuy vậy, sự đầu tư này vẫn chưa theo kịp tốc độ tăng dân số cơ học. Vì vậy nếu không bố trí vốn thì năm học 2012-2013 sẽ quá tải…”.
Trước những tâm tư, bức xúc của các đại biểu, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị: “Giáo dục không phải là nhiệm vụ của riêng ngành GD-ĐT mà là của cả hệ thống chính trị. Tôi đề nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện, các ban ngành liên quan rà soát lại việc xây dựng trường lớp để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, xóa tình trạng quá tải. Các đại biểu HĐND phải giám sát kỹ hơn việc này”…
Kim Anh
Bình luận (0)