Trưa 15–11–2023 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn lãnh đạo Việt Nam đã tới thăm Đại học Stanford và chứng kiến ký kết triển khai đào tạo xét nghiệm viêm gan siêu vi D, tiến tới thử nghiệm lâm sàng thuốc mới giữa Viện vi sinh và chống dịch Stanford và Viện nghiên cứu Tamri, Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh.
Đại diện Đại học Stanford chào đón Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thăm
Đây là sự kiện quan trọng được diễn ra trước khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tham dự Hội nghị Apec 2023.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, tháng 9 vừa qua giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã tuyên bố nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Trong các nội dung cam kết có một nội dung quan trọng là phối hợp trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe con người. Mọi thỏa thuận cấp cao chỉ trở thành hiện thực khi có sự hợp tác chặt chẽ của các địa phương, các đơn vị và các doanh nghiệp.
Sự kiện ký kết giữa Viện Nghiên cứu của Tâm Anh, Việt Nam và ViRx@Stanford, Hoa Kỳ chính là hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược quan trọng để tiến tới những thành tựu chung, cụ thể trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe đã được 2 viện đặt ra trong thỏa thuận ký kết hồi tháng 9, trong khuôn khổ thời gian chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden.
Đó là 4 mục tiêu: đẩy mạnh hợp tác đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học; nghiên cứu phát triển các loại thuốc phòng và trị bệnh; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng hệ thống phòng lab hiện đại cho hoạt động thử nghiệm lâm sàng thuốc tại Viện nghiên cứu Tâm Anh (Tamri) theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt từ Stanford.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi thăm Đại học Stanford
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hoan nghênh việc Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford đã phối hợp với Bệnh viện Tâm Anh, đơn vị tiên phong trong khám chữa bệnh tại Việt Nam, cùng nhau hợp tác nghiên cứu những vấn đề về phòng chống dịch bệnh và tạo ra những loại thuốc mới để chống ung thư, tầm soát kiểm tra sớm các loại virus.
“Sự hợp tác này rất có ý nghĩa từ nghiên cứu đến thương mại và quan trọng nhất là mang đến những thành tựu mới trong chăm sóc sức khỏe con người. Tôi chúc cho sự hợp tác sớm mang lại những kết quả làm sâu sắc và hiện thực hóa cam kết quan trọng của lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Nhà nước Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ và cùng các đơn vị tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để hợp tác của chúng ta sớm mang lại kết quả”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ đạo tại buổi lễ.
Thay mặt cho nhân viên hệ thống y khoa Stanford và Đại học Y Stanford, ông David Entwistle – Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Stanford Medicine chào mừng Chủ tịch Võ Văn Thưởng cùng đoàn đến thăm và chứng kiến sự kiện tầm cỡ quốc tế giữa các viện nghiên cứu.
Ông khẳng định, trong cuộc cách mạng công nghệ y sinh hiện nay, sự nỗ lực hợp tác về hệ thống y khoa của Đại học Stanford cùng với Bệnh viện Tâm Anh và Viện nghiên cứu Tâm Anh cho thấy việc tập hợp được những đơn vị đẳng cấp thế giới để tạo ra các nghiên cứu hàng đầu và tin rằng sự hợp tác với Tâm Anh sẽ tạo ra những phát minh khoa học mang lại lợi ích to lớn cho sức khỏe cộng đồng trong tương lai.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đoàn lãnh đạo Việt Nam chứng kiến ký kết triển khai đào tạo xét nghiệm viêm gan siêu vi D
Điểm nổi bật trong hợp tác khoa học và đào tạo giữa hai viện là vấn đề tầm soát viêm gan siêu vi D. Việt Nam hiện có khoảng hơn 10 triệu người nhiễm viêm gan siêu vi B mạn tính. Các nghiên cứu cho thấy, người nhiễm đồng thời virus viêm gan B và D thì nguy cơ xơ gan và ung thư gan còn tăng gấp nhiều lần.
Một trong những nguyên nhân được nghĩ tới là do virus viêm gan D, tuy nhiên Việt Nam chưa thực hiện được xét nghiệm viêm gan D này. Do đó, việc tiếp nhận đào tạo về kỹ thuật xét nghiệm viêm gan siêu vi D từ Stanford sẽ có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược quản lý bệnh viêm gan do virus tại Việt Nam, mang lại những lợi ích lớn cho người bệnh và các bác sĩ điều trị.
Đặc biệt, hiểu biết rõ về bệnh cảnh viêm gan siêu vi D tại Việt Nam cũng đóng góp nhiều thông tin quan trọng cho nhà khoa học trên thế giới hoàn thiện các thuốc tiềm năng điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Đại diện Viện nghiên cứu Tamri, Hệ thống BVĐK Tâm Anh, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Viện trưởng cho biết, việc triển khai các hoạt động đào tạo, cập nhật khoa học và tiến tới triển khai xét nghiệm viêm gan D vừa giúp các bác sĩ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với các hoạt động khoa học mới, đồng thời cũng giúp các nhà khoa học Hoa Kỳ có thêm nhiều thông tin từ thực tế lâm sàng, đóng góp cho quá trình nghiên cứu các bệnh lý và các phương pháp khám, chữa bệnh hiệu quả.
N.Trinh
Bình luận (0)