Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc: TP.HCM cần tiếp tục xây dựng biện pháp quản lý và giảm thiểu rủi ro

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 12-10, đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các giải pháp để kiểm soát dịch Covid-19, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn TP.HCM trong thời gian tới.


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm cho TP.HCM

Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP về những tổn thất, mất mát, những đau thương phải gánh chịu trong đại dịch Covid-19.

Ông đánh giá TP.HCM bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt với các biện pháp huy động mọi nguồn lực để tập trung cho quỹ đạo phòng chống dịch đạt nhiều kết quả. Đồng thời, biểu dương những nỗ lực không mệt mỏi của lãnh đạo TP, các lực lượng tuyến đầu, thiện nguyện, đồng bào trong nước, ngoài nước, các loại hình doanh nghiệp, cộng đồng tôn giáo đã chung sức, đồng lòng cùng TP trong phòng chống dịch.

“Đến thời điểm này, TP đã vượt qua đỉnh dịch, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong việc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. TP đã năng động, sáng tạo bằng nhiều biện pháp phòng chống dịch để đưa hoạt động trở lại bình thường mới”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nhiều nhiệm vụ phải tập trung làm

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với việc TP điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch từ Zero Covid sang thích ứng an toàn với Covid-19; vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, ông cho rằng người dân, doanh nghiệp cần hiểu một cách rõ ràng, nhất quán về chiến lược mới. “Trước bệnh lây nhiễm này cần có phương thức, cách làm phù hợp. Đầu tiên là “vắc xin + 5K”. Vi rút SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu dài nên người dân, doanh nghiệp phải có biện pháp thích ứng an toàn. Còn TP tiếp tục xây dựng biện pháp quản lý và giảm thiểu rủi ro. Nếu làm không tốt có thể mở cửa rồi nhưng phải đóng lại”.

Theo Chủ tịch nước, sự thành công bền vững nền kinh tế của TP phụ thuộc vào khả năng giải quyết hậu quả do Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Qua đó, ông đề nghị TP tập trung vào các nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục đảm bảo huyết mạch kinh tế, thông suốt từ lưu thông hàng hóa, dịch vụ cung ứng… Làm rõ khái niệm “pháo đài” không phải là ngăn sông cấm chợ mà phải tạo nên sự thống nhất.

Tổ chức đối thoại để nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp; thúc đẩy nhanh hỗ trợ thuế, đầu tư công, nhất là cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin, cung cấp bán lẻ, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và nhiều vấn đề khác.

TP cần giải quyết ngay việc làm cho lao động; chăm lo đời sống, tạo điều kiện để đưa người lao động trở lại TP làm việc. Tiếp tục thực hiện chăm lo an sinh cho người dân, đặc biệt nhóm bị tổn thương sau dịch.

Tập trung tìm ra những động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ điểm nghẽn, tái cấu trúc đô thị, chính sách đô thị. Trong đó, tháo gỡ thể chế pháp luật đối với TP.HCM là rất quan trọng…

Nên đi trước cả nước về công nghiệp số, thương mại số

Đánh giá TP là đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng phải chịu tổn thất nặng nề bởi dịch Covid-19, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã góp ý thêm cho TP trong việc khôi phục phát triển kinh tế.

Ông nhấn mạnh TP cần thực hiện cải cách chính sách rộng hơn, nhằm tăng cường môi trường kinh doanh, qua đó tạo ra các hoạt động kinh tế mới có giá trị gia tăng cao và cơ hội việc làm.

Chú ý đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật số để phát triển công nghệ thông tin, truyền thông, đảm bảo cho doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các công nghệ.

“TP nên đi trước cả nước về công nghiệp số, thương mại số. Đặc biệt phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao qua các chương trình giáo dục, đào tạo dạy nghề. Cơ cấu lại lao động, đào tạo lại nguồn nhân lực. Đi liền với đó là xây dựng hệ thống an sinh hiệu quả, linh hoạt, đúng đối tượng để thúc đẩy phát triển”, ông nhấn mạnh.

Mặt khác, Chủ tịch nước cho rằng TP cần xem lại phương hướng phân cấp cấp vùng, tìm cách dịch chuyển cơ sở sản xuất đến gần thị trường lao động dồi dào thay vì lao động phải di chuyển đến nơi sản xuất. Đồng thời, hướng đến mô hình nền kinh tế sáng tạo; lấy sáng tạo làm động lực phát triển.

Do chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch, thời gian thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt cao nhất nên chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp phải cao hơn mức trung bình cả nước. “Cần sớm nghiên cứu, báo cáo cho Chính phủ các các chính giảm, miễn thuế, khoanh nợ, giãn nợ tín dụng, giảm lãi suất… cho doanh nghiệp”.

Cũng theo Chủ tịch nước, TP cần nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý chính quyền các cấp thông qua mô hình chính quyền đô thị. Triển khai có hiệu quả mô hình này bởi các nội dung phân cấp, phân quyền, sắp xếp bộ máy cụ thể hơn nữa.

Cùng với đó, tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để đề nghị một nghị quyết mới mở rộng việc phân cấp, phân quyền cho TP, mang tính hệ thống, liên thông nhằm giải quyết các điểm nghẽn.

Nghiên cứu cơ chế phối hợp giữa TP với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để có tính liên kết vùng. Sớm xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quy hoạch cơ chế phát triển hạ tầng. Nhanh chóng xây dựng chương trình phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2025 giúp kinh tế TP lấy lại đà tăng trưởng, tạo sức bật cho các năm sau.

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)