Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Giữ vững môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếp tục tiếp xúc cử tri quận 3, quận 4, trong buổi chiều ngày 1-8 và sáng 2-8, thay mặt Tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, Đơn vị 1 – TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cam kết triển khai tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 3 bày tỏ lo lắng về nợ công quốc gia quá cao. Cần có biện pháp căn cơ giải quyết giảm nợ công, khắc phục tình trạng nợ công tăng cao. Nhiều cử tri kiến nghị với các ĐBQH nhiều vấn đề như: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm an toàn an ninh nguồn nước, tình trạng môi trường nước bị xâm hại nghiêm trọng; tình trạng tham nhũng, lãng phí còn diễn biến phức tạp; quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo đảm…

Cử tri Lê Văn Dĩ (phường 7, quận 3) đề nghị biển đảo là vấn đề hết sức lớn, đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải có “Hội nghị Diên Hồng” để có hướng giải quyết? Cử tri Lê Văn Dĩ cũng bày tỏ mong muốn Đảng và Nhà nước lấy ý kiến toàn dân.

Cử tri Lê Văn Sỹ (phường 9, quận 4) nêu kiến nghị: “Quốc hội cần hoàn thiện hệ thống GD-ĐT trong thời gian tới, GDNN cần quy về một mối, không thể để mỗi bộ – ngành quản lý trường theo cách riêng của mình. Phải xây dựng GD-ĐT theo lối mở, xây dựng xã hội học tập; phát triển đội ngũ CBQL-GV giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở GD-ĐT. Nâng chất lượng hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, chuyển hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo…”.

Phát biểu với cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho biết, nợ công là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Trong những năm qua, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và 62,2% GDP vào cuối năm 2015; đến cuối năm 2016, nợ công có nguy cơ vượt trần. “Đây là vấn đề rất được Quốc hội quan tâm”, Chủ tịch nước nói.

Chủ tịch Trần Đại Quang cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, Việt Nam không nằm trong các nhóm nước có gánh nặng về nợ cao. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công vẫn chưa thực sự hiệu quả.

Về lo lắng cử tri đối với vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, đây là vấn đề hết sức quan ngại, vừa đe dọa trực tiếp cuộc sống của người dân, vừa liên quan đến an ninh xã hội, là mối lo chung của cử tri, của ĐBQH. Tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không an toàn có xu hướng gia tăng gây tác động nghiêm trọng tới sức khỏe nhân dân, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến giống nòi.

Chủ tịch nước cho rằng bên cạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; cần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc giám sát thực phẩm an toàn; hỗ trợ và khuyến khích sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.

Về vấn đề biển, đảo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, biển, đảo là một phần lãnh thổ thiêng liêng, không thể tách rời của Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam… “Chúng ta sẽ kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

L.Huy

Bình luận (0)