Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bắt đầu thăm chính thức Cu-ba

Tạp Chí Giáo Dục

 
Đại diện Bộ Ngoại giao Cu-ba, cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Cu-ba đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại sân bay. Ảnh: NGUYỄN KHANG (TTXVN)

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba Ra-un Ca-xtơ-rô, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu thăm chính thức CH Cu-ba, sau khi kết thúc các hoạt động tại Hội nghị cấp cao LHQ ở Niu Oóc (Hoa Kỳ). Ngày 29-9 (giờ Việt Nam), đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn tại sân bay quốc tế Hô-xê Mác-ti ở thủ đô La Ha-ba-na, có lãnh đạo Bộ Ngoại giao Cu-ba, Đại sứ Cu-ba tại Việt Nam; Đại sứ Việt Nam tại Cu-ba, cùng đại diện sinh viên, cộng đồng người Việt Nam tại Cu-ba.

* Trước đó, chiều 28-9, trong khuôn khổ khóa họp thứ 70 Đại hội đồng LHQ, tại Niu Oóc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Tổng thống, Thủ tướng của gần 50 nước tham dự Hội nghị cấp cao về hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, dưới sự chủ trì của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và Tổng thống Hoa Kỳ B.Ô-ba-ma. Hội nghị nêu bật vai trò quan trọng của hoạt động gìn giữ hòa bình trong ngăn ngừa chiến tranh, hỗ trợ tìm giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột. Nhiều cam kết đóng góp cụ thể đối với hoạt động gìn giữ hòa bình. Hội nghị thông qua Tuyên bố cấp cao về hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Việt Nam đóng góp lực lượng cho hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ năm 2014; và sẽ sớm đóng góp bệnh viện dã chiến cấp 2, đơn vị công binh, cũng như tiếp tục cử sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ. Để triển khai thành công và hiệu quả hoạt động này, Chủ tịch nước đề nghị LHQ cần giữ vững các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, trung lập, không thiên vị, không can thiệp vào công việc nội bộ các nước và phải được các bên liên quan chấp thuận; tiếp tục cải tiến các quy trình nhằm nâng cao khả năng triển khai và ứng phó kịp thời; có biện pháp bảo đảm tối đa an ninh, an toàn cho các lực lượng gìn giữ hòa bình; có quyết tâm và cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc cung cấp đầy đủ nguồn lực về cả con người và vật chất cho hoạt động gìn giữ hòa bình.

* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã dự Đối thoại Chính sách về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, do Hội Châu Á phối hợp Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ tổ chức tại trụ sở Hội Châu Á ở TP Niu Oóc. Tham dự đối thoại, có Chủ tịch Hội Châu Á G.Si-ran; Phó Chủ tịch điều hành T.Na-go-rơ-xki; Chủ tịch Viện Chính sách thuộc Hội, cựu Thủ tướng Ô-xtrây-li-a K.Rút, cùng gần 100 quan chức, học giả và đại diện doanh nghiệp Hoa Kỳ. Thay mặt Hội Châu Á, cựu Thủ tướng Ô-xtrây-li-a K.Rút cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dành thời gian dự và phát biểu ý kiến tại cuộc đối thoại với Hội Châu Á; cảm ơn lãnh đạo Việt Nam đã ủng hộ và hỗ trợ Hội Châu Á làm cầu nối hữu nghị và thúc đẩy quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 20 năm qua.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và hợp tác liên kết vẫn là xu thế chủ đạo, tuy nhiên tình hình căng thẳng ở một số khu vực, chủ nghĩa khủng bố cực đoan, an ninh mạng, an ninh hàng không và hàng hải, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, làn sóng di cư ồ ạt, vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những toan tính đơn phương nhằm thay đổi luật lệ, thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển có tranh chấp nhằm xác lập sự kiểm soát các vùng biển này và các tuyến đường biển quốc tế huyết mạch đi qua, bất chấp luật pháp quốc tế, đã trở thành những nguy cơ hiện hữu đối với hòa bình, an ninh, và ổn định tại khu vực, đặt ra yêu cầu mới đối với quan hệ đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.

Chủ tịch nước điểm lại những bước phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và khẳng định, những lợi ích căn bản mà hai nước chia sẻ là nguyên nhân và động lực giúp hai nước vượt qua quá khứ chiến tranh và những khác biệt, trở thành đối tác toàn diện của nhau; quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một thành tố không thể thiếu trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế duy trì hòa bình, an ninh và phát triển. Để tận dụng những cơ hội hợp tác, cụ thể hóa và làm sâu sắc quan hệ Đối tác toàn diện một cách hiệu quả và thực chất, vì một tầm nhìn tươi sáng của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, Chủ tịch nước đề cập một số phương hướng lớn: Thứ nhất, hai bên hợp tác tích cực triển khai hiệu quả Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ và Tuyên bố chung về Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, trong đó quan trọng là xây dựng lòng tin, nhất là lòng tin chính trị. Thứ hai, hợp tác thông qua những khuôn khổ, thể chế khu vực, gồm Diễn đàn khu vực (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); hợp tác tổ chức thành công Hội nghị APEC năm 2017 tại Việt Nam; nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN, hoàn tất đàm phán và triển khai Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); thúc đẩy tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 trong giải quyết các tranh chấp trên biển; thúc đẩy Sáng kiến hạ nguồn Mê Công – Hoa Kỳ. Thứ ba, hợp tác và phối hợp tại các diễn đàn đa phương lớn, nhất là trong khuôn khổ LHQ trong lĩnh vực hợp tác phát triển, gìn giữ hòa bình, an ninh, chống phổ biến và kiểm soát vũ khí, chống khủng bố, an toàn hạt nhân, an ninh nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch nước đã trả lời nhiều câu hỏi của đại diện quan chức, học giả và doanh nghiệp Hoa Kỳ về triển vọng phát triển của Việt Nam; tiềm năng và cơ hội đối với Việt Nam tham gia đàm phán TPP; quan hệ Việt Nam với các nước lớn, như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc; vấn đề giải quyết hòa bình tranh chấp trên biển; ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng; dân chủ và nhân quyền…

* Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ. Tại cuộc gặp, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ với Pháp, một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu và thế giới. Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước, nhất là sau khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược năm 2013; nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn các cấp và làm sâu sắc hơn các cơ chế đối thoại hợp tác song phương về chiến lược, an ninh, quốc phòng, kinh tế. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại lời mời Tổng thống Pháp thăm Việt Nam, khẳng định chuyến thăm sẽ là dấu mốc quan trọng cho quan hệ Việt Nam – Pháp. Hai bên nhất trí đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ Việt Nam – Pháp; tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp hai bên đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Pháp, với tư cách là nước có vai trò trụ cột trong EU, tiếp tục ủng hộ việc phát triển quan hệ Việt Nam – EU, cụ thể là sớm ký kết và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam; đồng thời đề nghị Pháp nhanh chóng thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định đối tác và hợp tác Việt Nam – EU (PCA) mà hai bên đã ký. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cảm ơn về sự giúp đỡ hiệu quả của Pháp trong hợp tác phát triển với Việt Nam và hỗ trợ tích cực Việt Nam trong thực hiện các Mục tiêu thiên niên kỷ; mong muốn hai bên tiếp tục hợp tác chặt chẽ thực hiện các mục tiêu phát triển giai đoạn sau năm 2015.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong các diễn đàn đa phương, hợp tác, hỗ trợ nhau trong các vấn đề quốc tế, như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ, các vấn đề liên quan nguồn nước, biến đổi khí hậu… Chủ tịch nước hoan nghênh Pháp có lập trường tích cực về các vấn đề an ninh, hòa bình tại châu Á – Thái Bình Dương và ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về vấn đề Biển Đông; đề nghị Pháp tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói quan trọng đóng góp giữ gìn hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tổng thống P.Ô-lăng-đơ mong muốn Việt Nam cử đoàn dự Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu (COP21) tại Pa-ri đầu tháng 12 tới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam sẽ cử đoàn tham dự và sẵn sàng tham gia tích cực, đóng góp vào thành công của Hội nghị.

* Tại cuộc tiếp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ M.Phrô-man, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn về sự hỗ trợ tích cực của ông Phrô-man góp phần vào thành công tốt đẹp của chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời đánh giá cao những nỗ lực và đóng góp của ông đối với quan hệ hai nước, nhất là việc tăng cường quan hệ thương mại. Chủ tịch nước đánh giá cao nỗ lực của hai đoàn đàm phán Việt Nam và Hoa Kỳ về TPP và nhấn mạnh, việc hai bên kết thúc đàm phán song phương trên hầu hết các lĩnh vực là bước triển khai quan trọng và thực chất Tuyên bố về Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ. Chủ tịch nước đề nghị phía Hoa Kỳ tích cực đáp ứng các đề nghị của Việt Nam về mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng nhập khẩu của Việt Nam; hợp tác chân thành để thực hiện tốt các cam kết và nghĩa vụ trong TPP, phù hợp luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam; hạn chế các vụ kiện phá giá, chống trợ cấp đối với cá tra, basa và tôm của Việt Nam, cũng như không triển khai Chương trình giám sát cá da trơn mới của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ theo Luật Nông nghiệp năm 2014. Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP trên cơ sở cân bằng lợi ích, tính đến sự khác biệt về trình độ phát triển.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ M.Phrô-man cảm ơn những đánh giá của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, bày tỏ ấn tượng sâu sắc về chuyến thăm Hoa Kỳ vừa qua của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và cho biết cá nhân ông luôn nỗ lực để thúc đẩy quan hệ hai nước. Ông Phrô-man chia sẻ đánh giá về triển vọng đàm phán TPP và cho rằng, hai bên cần nỗ lực giải quyết một số vấn đề còn khác biệt, góp phần sớm đạt được TPP, tiếp tục hợp tác thúc đẩy quan hệ thương mại.

* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đã thăm trụ sở Hãng truyền thông AP tại Niu Oóc. Chủ tịch AP G.Pru-ít bày tỏ vinh dự đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm, trân trọng giới thiệu về lịch sử hơn 150 năm hoạt động của Hãng.

Chủ tịch nước đánh giá cao hoạt động truyền thông mang tính khách quan, chuyên nghiệp của AP, trong đó có các hoạt động tác nghiệp ở Việt Nam, qua đó góp phần kết nối, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và Hoa Kỳ, góp phần để cộng đồng quốc tế hiểu thêm về Việt Nam. Chủ tịch nước bày tỏ xúc động khi trong số các bức ảnh nổi tiếng được trưng bày tại phòng truyền thống của AP có bức ảnh “Em bé na-pan” của phóng viên Ních Út, mong muốn AP trưng bày bức ảnh đoạt giải thưởng quốc tế nhưng không phải về chiến tranh, mà về tiến trình phát triển vượt bậc của đất nước, con người Việt Nam và quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Nhân dịp này, Chủ tịch nước cũng trả lời phỏng vấn trực tiếp một số câu hỏi về nhiều khía cạnh của chính sách đối ngoại, kinh tế – xã hội của Việt Nam, đánh giá về tình hình quốc tế và khu vực.

* Trong khuôn khổ hoạt động của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại Niu Oóc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gặp Tổng Thư ký Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế H.Xi-ble-dơ; tiếp Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ A.Blin-ken, tại trụ sở Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ.

 

Theo Báo ND

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)