Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang: Tạo cơ chế giám sát CBCC

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 8-1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có buổi làm việc với chính quyền TP Đà Nẵng về đề án “Tiếp tục đổi mới hoàn thiện hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở”.

Báo cáo với đoàn, ông Nguyễn Thành Nam, Bí thư – Chủ tịch phường An Hải Bắc, cho biết hiện các tổ chức dưới phường quá nhiều, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Trong khi đó, số lượng người được hưởng phụ cấp tại phường quá nhiều với kinh phí hằng năm quá lớn. Đây là gánh nặng đối với chính quyền địa phương và bất cập trong quản lý.

Ông Ngô Quang Phúc, Bí thư Quận ủy Sơn Trà, cho rằng phải tinh gọn bộ máy để tăng tiền lương cho cán bộ, công chức (CBCC) cải thiện đời sống. Đồng quan điểm, ông Nam kiến nghị: “Trung ương phải có biện pháp tinh gọn bộ máy, tăng vai trò kiêm nhiệm để tăng lương cho CBCC. Nếu lương được tăng lên, đời sống được cải thiện thì CBCC sẽ làm việc tốt hơn. Yêu cầu tinh gọn bộ máy là rất cần thiết. Ai không làm được việc thì cho nghỉ”.

Cụ thể, ông Nam kiến nghị phải ghép các chức danh một số công việc có liên quan đến nhau để tinh giản biên chế. Đồng thời, phải làm sao để chế độ đối với công chức phường và quận, huyện ngang bằng nhau, chứ hiện tại là đang “phân biệt đối xử”. “Chính quyền phường như cái kim giây đồng hồ, chạy nhiều nhất, làm việc nhiều nhất nhưng ít ai biết đến. Khi hỏi thì người ta cứ hỏi đến kim giờ, kim phút chứ chẳng bao giờ hỏi đến kim giây” – ông Nam ví von.

Sau khi nghe xong báo cáo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đặt hàng ngay quận Sơn Trà và phường An Hải Bắc phải nhanh chóng xây dựng cơ bản hiện trạng mô hình quản lý cấp phường, quận để tinh gọn bộ máy. Làm rõ được số lượng CBCC phải tinh giản là điều kiện để trình trung ương có chính sách mới về tiền lương. “Trung ương biết là có cải thiện được tiền lương thì đời sống CBCC mới khá lên, CBCC cũng còn phải nuôi vợ con nữa” – Chủ tịch nước chia sẻ.

Cũng theo Chủ tịch nước, cùng với việc cải cách tiền lương thì phải tạo cơ chế, tăng vai trò giám sát của nhân dân, của các tổ chức, đoàn thể chính trị. “Trong đầu năm nay, Bộ Chính trị sẽ ban hành cơ chế giám sát này để tăng cường giám sát của nhân dân về các vấn đề kinh tế-xã hội và cả đạo đức của CBCC” – Chủ tịch nước cho hay.

Trong cuộc họp chiều cùng ngày, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng quản lý nhà nước ở đô thị khác nông thôn, ở các tỉnh, thành cũng khác nhau. Thế nên không thể có một kiểu bộ máy hành chính rập khuôn. Vì vậy, cần sớm triển khai chủ trương xây chính quyền đô thị để phù hợp với tình hình, đặc điểm địa phương. Ngoài ra, việc phân cấp nhiệm vụ giữa trung ương và địa phương cũng nên có cơ chế mở cho các địa phương vận dụng, không nên can thiệp quá sâu.

LÊ PHI (PL)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)