Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu, nhà trường cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý; tạo điều kiện để các thầy, cô tự học tập, nghiên cứu, phát triển tri thức, phát huy năng lực sư phạm.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gặp gỡ sinh viên
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nhấn mạnh điều này tại lễ lỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) sáng 13-11.
Những thành công của sinh viên có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô
Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng khi về thăm trường cũ trong những ngày cả nước đang hướng đến một sự kiện rất quan trọng và ý nghĩa: Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các thầy cô, sinh viên, Chủ tịch nước cho biết, dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài, coi trọng trí thức. Những nhận thức sâu sắc và quý báu ấy đề cao giá trị đạo đức làm người, nuôi dưỡng tinh thần hiếu học, coi trọng giáo dục của nhân dân ta. Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp để xã hội bày tỏ lòng tri ân các thầy cô, những người có vai trò quan trọng trong sự nghiệp “trồng người”.
“Cách đây hơn 30 năm, dưới mái trường này, chúng tôi đã được học tập với những thầy, cô giáo đầy nhiệt huyết, luôn quan tâm đến sự tiến bộ của sinh viên. Kiến thức sâu rộng và nhân cách mẫu mực của các thầy cô chính là tấm gương sáng, động viên chúng tôi bước vào cuộc sống với nhiều hoài bão trong hành trình phụng sự xã hội, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Những thành công có được của lớp sinh viên ngày ấy, trong đó có cá nhân tôi, có phần từ công lao dạy bảo của các thầy cô” – Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước đánh giá, trong giảng dạy, nghiên cứu, nhà trường đã có nhiều đột phá để đưa khoa học xã hội và nhân văn vào thực tiễn. Nhiều công trình nghiên cứu của trường được đón nhận, đánh giá cao, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh của địa phương, vùng và đất nước.
Trong giai đoạn hiện nay, Chủ tịch nước cho hay, đất nước ta đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Khát vọng và tầm nhìn ấy chỉ có thể thành hiện thực bền vững khi có nền tảng khoa học và giáo dục chất lượng. Trong đó, khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò quan trọng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu
Theo Chủ tịch nước, sức mạnh của một dân tộc không nằm ở tài nguyên trong lòng đất, lòng biển mà ở nguồn nhân lực chất lượng cao, có trí tuệ, tri thức và phẩm giá. Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta luôn coi “giáo dục – đào tạo cùng khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước”. Trí thức và nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiệm vụ của giáo dục ĐH không chỉ là truyền thụ tri thức, tạo ra tri thức mới phục vụ sự tiến bộ, phồn vinh của xã hội mà còn chuẩn bị cho con người đủ phẩm chất, năng lực hành động, sáng tạo, thích ứng trong một thế giới không ngừng biến động. Trường ĐH là nơi phát hiện năng lực, bồi dưỡng các giá trị, tạo nền tảng để cá nhân được phát triển toàn diện, phát huy tốt nhất tiềm năng, sáng tạo.
Cần tạo điều kiện để thầy cô học tập, nghiên cứu, phát triển
Trong bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước có những thay đổi nhanh chóng; cách mạng công nghệ, toàn cầu hóa tác động mạnh tới sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, con người… đặt ra những yêu cầu mới đòi hỏi khoa học xã hội và nhân văn phải theo kịp, đáp ứng tốt, có khả năng phân tích, dự báo, định hướng xã hội.
Chủ tịch nước đề nghị nhà trường kiên trì đổi mới tư duy, hành động; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu; khẳng định vị thế của mình trong nước, khu vực và quốc tế.
Nội dung, chương trình giảng dạy, nghiên cứu phải thiết kế theo hướng giữ gìn nền tảng học thuật, tiếp cận hiện đại, sáng tạo, phù hợp thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Chú trọng khoa học cơ bản, hàn lâm, học thuật; đồng thời, hình thành các nhóm nghiên cứu mới hướng về những nội dung mang tính ứng dụng, thể hiện sự đa dạng của giáo dục ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
Chủ động, nghiên cứu, đề xuất, cung cấp các giải pháp, luận cứ khoa học vừa mang tầm chiến lược, lâu dài, vừa mang tính cấp bách để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; giải quyết có hiệu quả những vấn đề của thực tiễn đất nước trên tất cả các lĩnh vực; phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong bối cảnh mới.
Đồng thời, tập trung điều kiện cho những ngành, lĩnh vực, bộ môn đặc thù, quan trọng và cần thiết cho sự phát triển bền vững của đất nước. Góp phần giải quyết sự thiếu hụt lực lượng trí thức tinh hoa, chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức đầu ngành, nhất là ở một số lĩnh vực trọng yếu của khoa học xã hội và nhân văn.
Cùng với đó, đổi mới quản lý, quản trị nhà trường theo hướng tự chủ, chuyên nghiệp và hiện đại. Tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế, thu hút sinh viên quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục là phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học để tăng khả năng thích ứng, hội nhập quốc tế, có kỹ năng, tư duy học tập suốt đời… Chất lượng dạy và học trong trường ĐH chỉ đạt cao nhất khi người học chủ động, tích cực, tự giác học tập, nghiên cứu, khát khao khám phá tri thức và hoàn thiện nhân cách.
Cho rằng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy là lực lượng quyết định đến chất lượng đào tạo, nghiên cứu của trường, Chủ tịch nước đề nghị nhà trường cần có chế độ đãi ngộ và chính sách hợp lý. Bên cạnh đó, tạo điều kiện, môi trường cho các thầy cô trau dồi, nghiên cứu, phát triển tri thức, kỹ năng nghề nghiệp, phát huy năng lực sư phạm.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ giảng viên giỏi, trình độ cao, có năng lực sáng tạo. Có cơ chế để thu hút cán bộ, các nhà khoa học giỏi trong và ngoài nước; khuyến khích, động viên cán bộ tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, trách nhiệm, liêm chính trong khoa học.
Mê Tâm
Bình luận (0)