Trong bài phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng AIPA-44, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất 5 vấn đề quan trọng tới Đại hội đồng AIPA.
Trong bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tình hình thế giới đang thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Theo Chủ tịch Quốc hội, hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng, mở rộng sang nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, công nghệ, tác động đến an ninh và phát triển của các quốc gia, nhất là các nước vừa và nhỏ.
Cùng đó, các nhân tố bất ổn về xung đột cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, tài nguyên; chênh lệch khoảng cách phát triển, bất bình đẳng xã hội; dịch bệnh nặng nề; biến đổi khí hậu khắc nghiệt; an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… đang gây ra những thách thức đa chiều, rất to lớn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các nước cũng đang tranh thủ cơ hội từ những tiến bộ vượt bậc của cách mạng công nghiệp 4.0; sự mở rộng các hình thái và không gian kinh tế mới thông qua đẩy nhanh xu thế chuyển đổi số, phát triển bền vững, xanh và bao trùm.
"Trong bối cảnh đó, chúng tôi mong muốn rằng nghị viện các nước ASEAN sẽ phát huy vai trò quan trọng trong việc củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; coi đây là điều kiện tiên quyết giúp các nước ASEAN có môi trường thuận lợi phát triển kinh tế – xã hội và phục hồi tăng trưởng nhanh như chủ đề ASEAN năm 2023: ASEAN tầm vóc – tâm điểm của tăng trưởng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Dẫn câu tục ngữ của Indonesia: "Cây vững chắc thì chẳng sợ bão giông", Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dù phải đối mặt với nhiều "cơn gió ngược" nhưng chúng ta tự hào vì ASEAN luôn đứng vững và chưa bao giờ có vị thế tốt đẹp như ngày nay.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Đại hội đồng AIPA-44. TTXVN
Trong quá trình đó, AIPA và các nghị viện thành viên đã đóng vai trò hết sức quan trọng vì thể hiện được tiếng nói của các nhà nước, chính đảng, nhân dân ở các nước thành viên. Những đóng góp của AIPA đã được thể hiện rõ trong quá trình phát triển của mình và có uy tín quốc tế ngày càng cao.
"Có thể nói, hình bóng của AIPA luôn được phản chiếu trong những thành công của ASEAN", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định, là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam sẽ làm hết sức mình cùng các nước ASEAN và nghị viện thành viên AIPA nỗ lực xây dựng một ASEAN – một AIPA vững mạnh, chủ động thích ứng, "biến nguy thành cơ", hướng tới Cộng đồng ASEAN ổn định, phát triển thịnh vượng và bền vững.
Đề xuất 5 vấn đề quan trọng
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất 5 vấn đề quan trọng, cụ thể gồm:
Thứ nhất, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy vai trò trung tâm và giá trị chiến lược của ASEAN; tranh thủ sự ủng hộ của các đối tác và cộng đồng quốc tế trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; bảo đảm nguyên tắc độc lập, tự chủ, duy trì đồng thuận với lập trường, quan điểm chung của ASEAN, theo "phương cách ASEAN"; kiên trì lấy hòa bình làm mục tiêu, đối thoại làm công cụ, hợp tác làm phương châm để giải quyết các tranh chấp trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phù hợp với các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung và luật pháp quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại phiên họp Đại hội đồng AIPA-44. TTXVN
Thứ ba, nghị viện các nước ASEAN cần tiếp tục nâng cao vai trò xây dựng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi và tăng cường vai trò giám sát chính phủ các nước ASEAN triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 trên cả 3 trụ cột: chính trị – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội và hướng tới tầm nhìn sau 2025.
Thứ tư, đề nghị AIPA cần tiếp tục đổi mới, trở thành kênh hợp tác nghị viện có hiệu quả, phối hợp tốt giữa kênh nghị viện và chính phủ các nước, tiếp tục chú trọng tăng cường quan hệ với các đối tác là quan sát viên của AIPA để tạo ra "sức mạnh tập thể" góp phần hóa giải những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt. Trên cơ sở đó, Việt Nam ủng hộ kết nạp Nghị viện Cuba, Thổ Nhĩ Kỳ và Armenia làm quan sát viên của AIPA.
Thứ năm, tại Đại hội đồng AIPA-44 lần này, Việt Nam đề xuất 3 dự thảo nghị quyết giúp ASEAN có thể khai thác lợi thế về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế, khai thác tiềm năng để phát triển lĩnh vực nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp. Việt Nam mong muốn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nghị viện các nước ASEAN.
Chủ tịch Quốc hội cũng thông báo về Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 9 tới và mời nghị viện các nước ASEAN và các nước quan sát viên cử đoàn nghị sĩ trẻ đến tham dự sự kiện rất quan trọng và có ý nghĩa này.
Theo TTXVN
Bình luận (0)