Một trong 3 khâu đột phá mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2011 – 2015) là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mục tiêu đề ra là đến năm 2015, tỉ lệ NLĐ được qua đào tạo đạt 55% so với tổng LĐ xã hội. Giải pháp nào để thực hiện khâu đột phá này, trong đó tổ chức CĐVN đóng góp được những gì? Trao đổi với PV Báo Lao Động về vấn đề này, đồng chí Đặng Ngọc Tùng – Uỷ viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Đại biểu Quốc hội khóa XIII – khẳng định:
– Xây dựng, phát triển nguồn nhân lực luôn là quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Bởi, nguồn nhân lực là nguồn lực nội tại, cơ bản, có khả năng tái sinh, tự sản sinh và đổi mới phát triển nếu biết chăm lo, bồi dưỡng và khai thác hợp lý. Do đó, nguồn nhân lực vừa là chủ thể, vừa là khách thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu và luôn giữ vị trí trung tâm trong các nguồn lực, quyết định đến sự thành công của công cuộc đổi mới. Việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội, trong đó có tổ chức CĐ.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng (thứ hai từ phải sang) thăm công nhân kỹ thuật Cty CP chế tạo thiết bị điện Đông Anh. Ảnh: Q.C
Thưa Chủ tịch, 55% số NLĐ được qua đào tạo vào năm 2015 là một mục tiêu lớn. Để phát triển nhanh nguồn nhân lực, theo đồng chí thì cần phải có giải pháp gì?
– Muốn phát triển nguồn nhân lực phải thông qua thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giáo dục và đào tạo là phương tiện chủ yếu nhất. Cần thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau đây:
Một là, tiếp tục nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của giáo dục và đào tạo đối với phát triển nguồn nhân lực. Mọi chiến lược phát triển KTXH sẽ không thành công nếu không thực hiện tốt chiến lược giáo dục và đào tạo. Do đó, phải làm cho các cấp, các ngành, mọi nhà, mọi người thấu triệt quan điểm “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục, đào tạo là đầu tư cho phát triển, đầu tư cho tương lai”; giáo dục, đào tạo phải đi trước một bước và đổi mới toàn diện hệ thống giáo dục và đào tạo góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Hai là, xác định mục tiêu của giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực là phải hướng đến phát triển nguồn nhân lực toàn diện: Cả thể lực, trí tuệ, ý chí, năng lực và đạo đức; có năng lực tự học, tự đào tạo, năng động, chủ động, tự lực, sáng tạo, có tri thức và kỹ năng nghề nghiệp cao, có khả năng thích ứng nhanh, chủ động trong môi trường sống và làm việc. Có cơ cấu hợp lý, đồng bộ cả nhân lực quản lý hành chính nhà nước, đội ngũ nhân lực khoa học và công nghệ, đặc biệt là nhóm chuyên gia đầu ngành, đội ngũ doanh nhân, chuyên gia quản trị DN chuyên nghiệp; có cơ cấu trình độ, ngành nghề và vùng miền hợp lý. Nguồn nhân lực xã hội cần gì thì giáo dục đào tạo phải hướng đến đáp ứng mục tiêu đó. Phải khắc phục việc đào tạo không phù hợp với nhu cầu xã hội, cơ cấu không hợp lý dẫn đến “thừa thầy, thiếu thợ”…
Ba là, đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương pháp giáo dục, đào tạo. Nội dung giáo dục phải toàn diện cả dạy chữ, dạy nghề, dạy người. Cần quan tâm hơn đến giáo dục phẩm chất đạo đức làm người, giáo dục lòng yêu nước và ý thức làm chủ của người lao động, tinh thần trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp; tinh thần hợp tác trong công việc, chí tiến thủ, độc lập sáng tạo và tính trung thực của NLĐ. Do đó, phải chuẩn hóa chương trình và giáo trình đào tạo đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn xã hội. Tăng việc rèn luyện phương pháp tư duy, năng lực độc lập sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn và khả năng tự đào tạo, bồi dưỡng và tự hoàn thiện của mỗi cá nhân NLĐ.
Bốn là, đổi mới công tác quản lý giáo dục, đào tạo một cách cơ bản và toàn diện cả về tư duy lẫn phương thức quản lý theo hướng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Tập trung vào quản lý nội dung và chất lượng giáo dục và đào tạo, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Nhà nước cần giao quyền tự chủ hơn nữa cho các cơ sở đào tạo, giáo dục để họ có điều kiện chủ động cao hơn, năng động hơn. Tăng sự liên thông giữa Nhà nước – cơ sở đào tạo, giáo dục – đơn vị sử dụng nguồn nhân lực cả trong đóng góp nguồn lực, xây dựng chương trình, nội dung, hợp lực đào tạo và sử dụng hiệu quả sản phẩm giáo dục đào tạo.
Năm là, mở rộng quy mô đi đôi với nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo. Hoàn thiện mạng lưới giáo dục, đào tạo, dạy nghề trên toàn quốc, chú trọng đầu tư phát triển vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tăng quy mô giáo dục trung học phổ thông và phát triển mạnh mẽ dạy nghề, nhất là các tỉnh đồng bằng và miền núi. Tăng nhanh tốc độ đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao, đội ngũ những nhà quản lý, các chủ DN… Xây dựng được hệ thống các cơ sở đào tạo nhân lực tiên tiến, hiện đại, đa dạng, cơ cấu ngành nghề đồng bộ, đa cấp, năng động, liên thông giữa các cấp và các ngành đào tạo trong nước và quốc tế, phân bố rộng khắp trên cả nước.
Sáu là, xây dựng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên cả về số lượng và chất lượng, có trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp, toàn tâm toàn ý với sự nghiệp giáo dục. Đảng, Nhà nước, xã hội cần quan tâm, nâng cao mức sống và điều kiện làm việc của giáo viên, giảng viên, trả lương để họ đủ sống và làm việc tận tâm.
Bảy là, đầu tư hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho giáo dục và đào tạo, cả nhân lực, vật lực và tài lực, để đưa ngành giáo dục đào tạo khỏi tình trạng chậm phát triển so với khu vực và thế giới. Đầu tư thỏa đáng cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu ở các trường cao đẳng và đại học. Tiếp tục xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo.
Hệ thống dạy nghề và giới thiệu việc làm của tổ chức CĐ có thể đóng góp những gì để đạt mục tiêu phát triển nguồn nhân lực đến năm 2015, thưa Chủ tịch?
– Tổ chức CĐ luôn quan tâm đến công tác đào tạo, đào tạo lại, dạy nghề và giới thiệu việc làm cho CNLĐ. Hệ thống dạy nghề và giới thiệu việc làm của tổ chức CĐ là một bộ phận trong toàn bộ hệ thống đào tạo và dạy nghề của nước ta. Đến tháng 7.2011, Tổng LĐLĐVN có 42 cơ sở giáo dục, đào tạo (trong đó có 3 trường cao đẳng nghề, 18 trường trung cấp nghề, 13 trung tâm dạy nghề và 8 trung tâm giới thiệu việc làm…).
Bên cạnh nhiệm vụ chính là dạy nghề ở các trình độ khác nhau (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, ngắn hạn), các trường, trung tâm dạy nghề CĐ còn thực hiện các hoạt động giới thiệu việc làm cho NLĐ và cung ứng LĐ cho các DN thuộc các thành phần kinh tế. Trong các năm từ 2006 – 2010, hệ thống CĐ đã đào tạo nghề cho 269.623 người, tư vấn việc làm cho 739.784 lượt người, giới thiệu việc làm cho 153.391 lượt người, trong đó 5.533 người được giới thiệu đi làm việc ở nước ngoài; liên kết với các cơ sở đào tạo khác đào tạo nghề cho 75.788 lượt NLĐ.
Thực hiện NQ Đại hội XI của Đảng, ngày 15.3.2011, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đã đề ra chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN với nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có mục tiêu “Tham gia cùng với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở phấn đấu đến năm 2015 nâng tỉ lệ NLĐ trong các DN có tổ chức CĐ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghề nghiệp lên 60%”. Để thực hiện được mục tiêu trên, các cấp CĐ cần thực hiện tốt những giải pháp sau:
Thứ nhất, CĐ cần tuyên truyền sâu rộng trong CNVCLĐ và xã hội về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển dạy nghề; vai trò, vị trí của dạy nghề đối với sự phát triển KTXH đất nước và trong việc lập thân, lập nghiệp của NLĐ để góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dạy nghề.
Thứ hai, cần hoàn thiện, phát triển và nâng cao chất lượng mạng lưới trường dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm của CĐ để đáp ứng với yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo nghề, xây dựng trường trọng điểm chất lượng cao, từng bước tiếp cận với trình độ đào tạo tiên tiến trong khu vực và thế giới.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, nguồn lực của xã hội và nguồn hỗ trợ từ sự hợp tác quốc tế.
Các trường đào tạo nghề và TTGTVL của tổ chức CĐ cần được bình đẳng với các trường, trung tâm dạy nghề của các bộ, ngành ở T.Ư và phải được thụ hưởng đầu tư kinh phí, vật chất của Nhà nước từ các chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo, dạy nghề và các chương trình khác có liên quan.
Để nâng cao năng lực hoạt động các trường, trung tâm dạy nghề của CĐ, bên cạnh nguồn hỗ trợ từ ngân sách của Nhà nước, cần có hỗ trợ từ ngân sách của các tỉnh, thành phố (nơi có trường, trung tâm của CĐ), từ cá nhân, DN, đơn vị, tổ chức trong nước và từ nguồn ngân sách CĐ.
Tổng LĐLĐVN cũng sẽ tích cực tranh thủ sự hợp tác quốc tế với các tổ chức CĐ trên thế giới và tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ các trường, trung tâm dạy nghề của CĐ về kinh nghiệm đào tạo, đào tạo lại, giới thiệu việc làm cho NLĐ và hỗ trợ một phần nguồn tài chính để đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của các trường, trung tâm dạy nghề CĐ.
Xin cảm ơn Chủ tịch!
Quang Chính thực hiện
Theo Lao Động
Bình luận (0)