Từ một địa phương đứng cuối trong phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH) vùng ĐBSCL, tỉnh Hậu Giang đã từng bước vươn lên, trở thành lá cờ đầu của khu vực và cả nước. Xung quanh thành quả này, ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã dành cho Tạp chí Giáo dục TP.HCM buổi trao đổi.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh (bìa trái) cùng Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành, giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính những đặc sản nông sản của Hậu Giang
+ Phóng viên: Xin chúc mừng thành quả xuất sắc của Hậu Giang trong phát triển KT-XH. Ông có thể cho biết một số thành tựu nổi bật của tỉnh nhà?
Ông Đồng Văn Thanh: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình KT-XH của Hậu Giang tiếp tục đạt những kết quả quan trọng, kinh tế đạt mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt 14,21%, Hậu Giang tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu cả nước. Các lĩnh vực kinh tế khác đều tăng trưởng khá, công tác thu hút đầu tư; các chỉ số cải cách hành chính đều tăng thứ bậc; kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển ổn định. Công tác giải phóng mặt bằng được đẩy mạnh, đảm bảo tiến độ đề ra. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) đầu tư, sản xuất trên địa bàn được thực thi hiệu quả. Công tác chuyển đổi số, giải ngân vốn đầu tư công triển khai thực hiện tích cực. Kinh tế tập thể, hợp tác xã dần phát triển, tăng về số lượng, quy mô, chất lượng, hiệu quả. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tỉnh tập trung thực hiện. Thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo kế hoạch đề ra: Tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh 175 sản phẩm. Tỉnh có chính sách ưu tiên đối với các sản phẩm khởi nghiệp nhằm tạo động lực để phát triển sản phẩm mới, từng bước tạo dựng thương hiệu cho nông sản địa phương, xây dựng chuỗi giá trị hướng đến đưa sản vật của Hậu Giang đến thị trường trong và ngoài nước.
Trong 6 tháng đầu năm, có 391 DN thành lập mới, tổng số vốn 1.274 tỷ đồng, lũy kế DN đang hoạt động và có kê khai thuế là 3.520, tăng 470 DN so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trực tiếp, ủy thác và các dịch vụ đại lý chi trả ngoại tệ của các tổ chức tín dụng thực hiện 570,03 triệu USD, tăng 6,61% so với cùng kỳ.
+ Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, tỉnh đã có bước phát triển ra sao, thưa ông?
Cùng với các hoạt động hướng đến kỷ niệm 20 năm ngày thành lập tỉnh, hoạt động thể dục, thể thao quần chúng được tổ chức sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ước đón 250.000 lượt khách tham quan du lịch tăng 55,5% so cùng kỳ, đạt 50% kế hoạch, trong đó có 10.000 lượt khách quốc tế, tăng 347% so cùng kỳ, đạt 55,5% kế hoạch. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân… Đến nay, đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho 9.928 lao động, đạt 66,19% kế hoạch, tăng 0,82% so với cùng kỳ; đào tạo nghề cho 4.548 lao động, đạt 70,52% kế hoạch, tăng 2,62 so cùng kỳ. Tổ chức đưa 101 lao động đi làm việc có thời hạn theo hợp đồng tại nước ngoài. Quan tâm thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách an sinh xã hội; công tác giảm nghèo đạt khá nhiều hiệu quả…
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh ký kết hợp tác với doanh nghiệp
Các giải pháp nâng cao chất lượng GD-ĐT tiếp tục được triển khai theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Chỉ đạo tổ chức xong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023-2024, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Chú trọng công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đến nay, có 263/317 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 82,96%. Tỉnh ủy ban hành nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo tỉnh Hậu Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ phẩm chất trình độ, năng lực ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, làm cơ sở cho phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trong tương lai… Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo được ứng dụng hiệu quả, phục vụ tốt cho phát triển KT-XH. Tỉnh tổ chức thành công Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023; Tuần lễ NASA Việt Nam – Hậu Giang 2023.
+ Hiện nay Hậu Giang đang tiếp tục dồn sức cho phát triển kinh tế. Xin ông cho biết tỉnh thực hiện những chính sách gì để thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp?
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh và các em học sinh tại Tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Mekong Delta 2023
Hậu Giang ưu tiên kêu gọi đầu tư vào 4 lĩnh vực: Công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; xác định đây là khâu đột phá chiến lược, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Trong đó, công nghiệp có vai trò nền tảng, dẫn dắt, là trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và gia tăng nguồn thu ngân sách… Với quan điểm “DN đến, Hậu Giang vui”; “Thành công của DN là thành quả của tỉnh nhà”, khẩu hiệu hành động là “2 nhanh, 3 tốt”, gồm: “Nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “Cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”, Hậu Giang chào đón và đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN hợp tác, đầu tư, với phương châm “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”. Trên cơ sở định hướng quy hoạch, tỉnh đang tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghiệp sạch, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tạo nguồn lực phát triển các lĩnh vực khác. Trong đó sẽ chọn lọc các dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao, hiện đại; thân thiện môi trường, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp sinh thái với mục tiêu trong tương lai là thành lập khu, cụm công nghiệp zero carbon… Nhân đây, xin nói thêm Hậu Giang đã ban hành Bộ tiêu chí thu hút DN đầu tư vào công nghiệp của tỉnh để tạo môi trường đầu tư công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể, có 4 tiêu chí thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp: Năng lực tài chính; kinh nghiệm của nhà đầu tư; khả năng thu hút nhà đầu tư thứ cấp; điều kiện lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp. Có 5 tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thứ cấp: Năng lực tài chính; nộp ngân sách; suất đầu tư dự án; quản lý và bảo vệ môi trường; lao động và công nghệ. Và một số tiêu chí cụ thể như: Suất đầu tư trên 1ha đất công nghiệp phải trên 50 tỷ đồng và nộp ngân sách sau khi hết thời gian giảm, miễn thuế là 10 tỷ đồng…
+ Xin cảm ơn ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Đan Phượng (thực hiện)
Bình luận (0)