- 1 Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ yêu cầu tích cực tháo gỡ khó khăn cho các vấn đề an sinh xã hội
Chiều 11-4-2025, ông Trương Cảnh Tuyên – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ chủ trì cuộc họp báo, đài quý I-2025. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành và nhà báo tại các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn.

Tại buổi họp báo, các nhà báo đã trình bày những vấn đề bức xúc về kinh tế – xã hội của TP và được các sở ngành liên quan, đặc biệt là Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên trả lời thấu đáo. Trong đó có những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn nhiều mặt cho Bệnh viện Ung bướu (BVUB) TP.Cần Thơ. Trong đó đối với máy xạ trị, Khoa Điều trị tia xạ, BVUB Cần Thơ, được đưa vào hoạt động từ năm 2010, cả khoa chỉ có một máy xạ trị Cobalt 60. Theo lãnh đạo khoa, lượng bệnh nhân điều trị tại Khoa Điều trị tia xạ ngày càng tăng. Trung bình mỗi ngày, khoa xạ trị 100 bệnh nhân, trong khi số lượng bệnh nhân chờ được xạ trị hơn 200 người bệnh, thậm chí có khi lên đến 300 – 400 người bệnh. Máy Cobalt 60 hoạt động hết công suất 24 giờ/7 ngày, vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của người bệnh. Từ cuối năm 2023 máy xạ trị bắt đầu xuống cấp. Từ năm 2024 đến nay máy thường xuyên hư hỏng; mỗi lần máy hư cần sửa chữa từ 2 ngày trở lên; những lần như thế, số bệnh nhân chờ đến lượt xạ trị cứ tăng dần, bệnh càng thêm nặng. Do máy xuống cấp nặng nên hiện nay chỉ xạ trị tối đa được 60 bệnh nhân/ngày…
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên cho rằng phải quyết liệt khắc phục tình trạng này. Theo đó, trong kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân TP.Cần Thơ (dự kiến tổ chức vào ngày 25-4-2025), UBND TP sẽ trình HĐND về vấn đề máy xạ trị và đề nghị danh mục này được bố trí phân bổ vốn trung hạn 2021-2025: “Sau khi được HĐND thông qua, sẽ tiến hành thủ tục đấu thầu để mua máy. TP cố gắng để năm 2025 này BVUB sẽ có máy xạ trị mới, hiện đại” – người đứng đầu UBND TP cam kết.

Đối với dự án BVUB Cần Thơ “8 năm xây không xong” gây bức xúc thời gian qua, theo Chủ tịch UBND TP, đây là dự án không chỉ các đại biểu dự họp báo quan tâm, mà 19 triệu người dân ĐBSCL cũng mong đợi, vì giúp người dân giảm bớt kinh phí và phải đi xa để đến TP.HCM khám và điều trị. Ông Tuyên nêu hai giải pháp gỡ vướng cho dự án này:
Thứ nhất, TP đã có văn bản đăng ký làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài chính để hỗ trợ TP. Lý do là dự án đang vướng ở chỗ chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn ODA từ Chính phủ Hungary. Muốn điều chỉnh bằng nguồn vốn trong nước thì bộ phải có ý kiến điều chỉnh: “Hôm nay Bí thư Thành ủy họp hội nghị Ban Chấp hành Trung ương đã có trao đổi thông tin với Bộ trưởng để có buổi làm việc tháo gỡ”, ông Tuyên cho biết.
Giải pháp thứ hai là đề nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ Cần Thơ 1.300 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện đầu tư dự án. Trường hợp không có nguồn này, TP sẽ cân đối ngân sách TP.Cần Thơ giai đoạn 2026-2031 để có 1.300 tỷ đồng thực hiện: “Lộ trình chúng tôi đăng ký, nếu sớm thì trong năm 2026 hoàn thành dự án BVUB” – ông Tuyên chia sẻ.

Dự án BVUB Cần Thơ có quy mô 500 giường, do Sở Y tế làm chủ đầu tư, được khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành trong năm 2022. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 1.700 tỉ đồng, trong đó vốn vay ODA của Chính phủ Hungary gần 1.400 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP. Những năm qua, do nhiều nguyên nhân, dự án bị ngưng trệ nên nhiều hạng mục đang xây dựng hư hỏng, xuống cấp, trong khi BVUB Cần Thơ hiện hữu đang xuống cấp nặng và quá tải, không đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho người dân TP.Cần Thơ và khu vực ĐBSCL.
… Đối với Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ người có công với cách mạng trên địa bàn, TP.Cần Thơ đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản liên quan. Qua rà soát, có 531 căn nhà thuộc diện này cần sửa chữa, xây mới.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên thông tin: “Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” được các quận, huyện, các sở ban ngành và doanh nghiệp tích cực tham gia. Nguồn kinh phí thực hiện là kinh phí tiết kiệm 5% chi thường xuyên ngân sách Nhà nước hơn 16 tỉ đồng; ngân sách TW hơn 1,7 tỉ đồng; Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, các nguồn khác hơn 9,3 tỉ đồng; các gia đình thụ hưởng đóng góp thêm trên 770 triệu đồng… Đến nay đã hoàn thành hơn 200 căn, số còn lại đều đã khởi công.
TP đảm bảo nguồn lực trong thực hiện; đảm bảo kỹ thuật và chất lượng cho từng ngôi nhà. Quá trình thực hiện chương trình, TP không giao nhà thầu xây dựng mà để người dân tự làm, với hướng dẫn của chuyên viên ngành xây dựng; sau đó hộ dân tự nghiệm thu. Cần Thơ phấn đấu hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 22-4-2025 để lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/ 30-4-2025)”.
Đan Phượng
Bình luận (0)