Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: Xây dựng TP.HCM là TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Xung quanh chủ đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã dành cho Giáo dục TP.HCM cuộc trao đổi nhân dịp xuân về.
PV: Thưa ông, ông có thể cho biết TP.HCM có chất lượng sống tốt là một TP như thế nào?
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong: Có thể hiểu TP có chất lượng sống tốt là ở đó, yếu tố con người được xem là trung tâm, là mục tiêu của sự phát triển; sự hài lòng của người dân về dịch vụ đô thị và dịch vụ công là cơ sở đánh giá chất lượng của sự phát triển; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa – xã hội; đó là sự tổng hòa tất cả các vấn đề liên quan đến cuộc sống con người từ chính trị, kinh tế – văn hóa – xã hội đến môi trường, an ninh… mang lại cho người dân một cuộc sống thoải mái, hạnh phúc. Hiện TP đang triển khai cụ thể hóa mục tiêu quan trọng này thông qua việc phấn đấu thực hiện 14 chỉ tiêu và các nhiệm vụ quan trọng về kinh tế – văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh… mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X đã đề ra.
Như ông đã nói, một trong những thước đo của chất lượng sống tốt là người dân cảm thấy thoải mái. Nhưng hiện nay trên thực tế có rất nhiều vấn đề tồn tại gây bức xúc cho người dân, đó không chỉ là kẹt xe, tai nạn giao thông, ngập nước mà còn là ô nhiễm môi trường. Năm 2016 và những năm tiếp theo, chính quyền TP sẽ làm gì để giải tỏa những bức xúc này của người dân, thưa ông?
Đúng là thực tế hiện nay còn rất nhiều vấn đề tồn tại gây bức xúc cho người dân, TP đã nhìn nhận rõ và nghiêm túc đề ra giải pháp khắc phục, trong đó những vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất đều có chương trình hành động triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao nhất. Do đó, trong năm 2016 và những năm tiếp theo thông qua triển khai thực hiện các chương trình hành động, TP tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, thực hiện các giải pháp toàn diện phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tạo chuyển biến tích cực đối với các tình trạng ùn tắc giao thông, ngập nước và ô nhiễm môi trường. Trong đó, đối với chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng gắn với nâng cao năng lực hiệu quả quản lý Nhà nước; tiếp tục đầu tư xây dựng các đường vành đai, đường xuyên tâm, đường trên cao, các tuyến đường sắt đô thị và các công trình giao thông tĩnh; phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ vận tải hành khách công cộng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông. Với chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng sẽ tập trung nguồn lực triển khai nhanh các công trình trọng điểm, cấp bách, nâng cao công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận của Nhân dân trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường, giải quyết căn cơ tình trạng ngập nước, không để phát sinh điểm ngập mới, giảm thiểu tác hại của tình trạng ngập nước đô thị do biến đổi khí hậu. Còn với chương trình giảm ô nhiễm môi trường, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động bảo vệ môi trường, tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế nhằm giảm ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế; cải tạo, phục hồi các khu vực đã bị ô nhiễm; khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, góp phần cải thiện điều kiện sống của Nhân dân.
Thưa ông, hiện nay trên địa bàn TP vẫn còn khoảng 20 ngàn hộ dân sống trên và ven các kênh rạch. Đi thực tế, chúng tôi phát hiện những người dân sống ở đây thiếu thốn đủ thứ. Còn với TP thì những căn nhà trên làm cho bộ mặt TP “xấu”đi. Vậy xin ông cho biết, chính quyền TP sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Tình trạng dân sống trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP đúng là vấn đề bức xúc, rất đáng quan tâm, tập trung giải quyết. Thực hiện được điều này tôi tin diện mạo TP sẽ chuyển biến hết sức tích cực theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại. Từ thực tiễn phát triển của TP và yêu cầu nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân, TP xây dựng chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, một trong 7 chương trình đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X. Trong giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu giải quyết dứt điểm nhà lụp xụp, trên và ven kênh rạch, chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị tập trung huy động nguồn lực để thực hiện di dời hơn 9.800 căn nhà trên và ven kênh rạch, nhằm tạo môi trường sống tốt hơn cho Nhân dân; cải thiện cảnh quan, kiến trúc khu vực hài hòa với sự phát triển chung của đô thị, tạo điều kiện để Nhân dân ngày càng tiếp cận nhiều hơn các dịch vụ do Nhà nước đầu tư.
Yếu tố con người là rất quan trọng, quyết định sự thành bại của mọi kế hoạch. Vậy TP có chiến lược gì về phát triển nguồn nhân lực, thưa ông?
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã khẳng định: “Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước”. Đây là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định trong quá trình phát triển TP và hội nhập quốc tế, TP đã tập trung triển khai chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn 2011-2015 đạt một số kết quả đáng khích lệ. Phát huy những kết quả đã đạt được, giai đoạn 2016-2020, TP tiếp tục xác định vị trí hàng đầu và xây dựng chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế và công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong đó tập trung nguồn nhân lực cho những ngành, lĩnh vực có vai trò quyết định, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội TP; đặc biệt tập trung nguồn nhân lực cho ngành có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, bảo đảm nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động.
Ông có lời nhắn gửi nào tới cán bộ, giáo viên, học sinh – sinh viên trên địa bàn TP nhân dịp Tết đến xuân về?
Trong không khí ấm áp Xuân Bính Thân 2016, tôi rất vui khi được trao đổi cùng Báo Giáo dục TP.HCM những vấn đề của TP chúng ta hiện nay, đồng thời hướng đến công tác thời gian tới nhằm xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Nhân đây, nhớ lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, tôi trân trọng gửi gắm tình cảm thân thương nhất cùng lời chúc một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công đến đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục, các giáo viên, sinh viên, học sinh TP; chúc ngành GD-ĐT TP một năm mới nhiều thắng lợi.
Xin cám ơn ông.
Hòa Triều (thực hiện)
Bình luận (0)