Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: “Lãnh đạo thành phố còn nợ thầy cô nhiều vướng mắc chưa được giải quyết”

Tạp Chí Giáo Dục

Chia sẻ tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982/20-11-2022) do Thành ủy TP.HCM tổ chức sáng 20-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ: "Lãnh đạo thành phố còn nợ thầy cô nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Ở một góc độ nào đó, xã hội còn nợ sự thấu cảm và tri ân với các nhà giáo".


Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ, lãnh đạo thành phố còn nợ các thầy cô nhiều vướng mắc chưa được giải quyết

Ở một góc độ nào đó, xã hội còn nợ sự thấu cảm và tri ân các nhà giáo

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi hoan nghênh sáng kiến của Báo Sài Gòn Giải Phóng và Sở GD-ĐT với giải thưởng Võ Trường Toản, kịp thời phát hiện, tôn vinh gương thầy cô giáo, cán bộ quản lý, lan tỏa những giá trị tốt đẹp…

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Chủ tịch Phan Văn Mãi gửi lời cảm ơn các cán bộ quản lý, thầy cô giáo ngành giáo dục đã không ngừng lan tỏa những giá trị tốt đẹp, cống hiến cho thành phố. Nhiều thầy cô, cán bộ quản lý có những đóng góp thầm lặng chưa được phát hiện, tôn vinh. Thế nhưng, như Bác Hồ từng nói: "Các nhà giáo, cán bộ quản lý có những đóng góp thầm lặng, cao cả nhưng không phải để được đưa lên báo hay nhận huân chương". Tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố xin được ghi nhận và gửi lời tri ân sâu sắc đến tất cả các thầy cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục thành phố. Đồng thời đề nghị Ban tổ chức giải thưởng tiếp tục phát hiện, tìm kiếm các tấm gương để tôn vinh những giá trị tốt đẹp, động viên, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong ngành giáo dục.

"Lãnh đạo thành phố còn nợ thầy cô nhiều vướng mắc chưa được giải quyết. Ở một góc độ nào đó, xã hội còn nợ sự thấu cảm và tri ân với các nhà giáo. Song tôi có niềm tin sự nghiệp trồng người của thành phố sẽ tiếp tục được vun đắp mạnh mẽ, đội ngũ thầy cô giáo sẽ được chăm lo tốt hơn, nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức, tình yêu nghề và tự hào với sứ mệnh của mình"- Chủ tịch Phan Văn Mãi bày tỏ.

"Sứ mạng của ngành giáo dục thành phố hết sức nặng nề"

Phát biểu chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi thay mặt lãnh đạo, nhân dân thành phố gửi đến các nhà giáo, nhân viên các thời kỳ lời chúc mừng tốt đẹp. Đồng thời biểu dương ngành giáo dục thành phố đã xuất sắc dẫn đầu phong trào thi đua đổi mới giảng dạy học tập do Bộ GD-ĐT phát động, chúc mừng giải thưởng Võ Trường Toản qua 25 năm, chúc mừng 50 nhà giáo tiêu biểu đạt giải Võ Trường Toản năm 2025 cùng 5 nhà giáo được phong tặng chức danh Giáo sư…

Chủ tịch Phan Văn Mãi khẳng định, nhận thức đúng đắn vai trò của người thầy, TP.HCM đã hết sức quan tâm cho sự nghiệp giáo dục, chăm lo cho đội ngũ nhà giáo thành phố. Nhờ vậy, giáo dục thành phố không ngừng phát triển về quy mô, chất lượng, hội nhập quốc tế. Mạng lưới trường lớp được phủ hết. Ngành giáo dục thành phố không ngừng nâng cao chất lượng đổi mới, đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực hoc sinh và dạy học tích hợp. Ngay trong giai đoạn ứng phó với dịch COVID-19, ngành giáo dục thành phố đã chủ động đổi mới dạy học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều mô hình hay, sáng tạo đã được nhân rộng khắp thành phố và cả nước.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo thành phố chúc mừng 5 nhà giáo TP.HCM được phong hàm Giáo sư năm 2022

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh, sứ mạng của ngành giáo dục thành phố hết sức nặng nề, còn nhiều điều phải làm, phải thay đổi để xứng đáng với sự kỳ vọng của người dân, xã hội. Những hiến kế tâm huyết của các nhà giáo, UBND TP và Sở GD-ĐT TP sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến, cụ thể hóa trong thời gian tới. UBND TP đã chỉ đạo Sở GD-ĐT TP khẩn trương rà soát, bổ sung hoàn thiện chiến lược giáo dục thành phố trong thời gian tới, phù hợp với chiến lược phát triển thành phố trong thời gian tới. Trong đó, có những việc trước mắt cần làm, có những việc trung hạn, dài hạn sẽ được đưa vào chiến lược giáo dục và các quyết sách chung của thành phố.

Một nền giáo dục tiên tiến và hiện đại đến đâu thì vai trò của người thầy vẫn luôn quyết định

Nhận định về vai trò của người thầy với sự nghiệp trồng người và sứ mệnh tiên phong của TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi bày tỏ sự tâm đắc trước quan điểm: Có người nó rằng nghề giáo là một nghề đặc biệt. Thầy cô vừa là kỹ sư kiến tạo tri thức, nhân cách cho học trò, vừa là nghệ sĩ trên bục giảng hoàn thiện tâm hồn cho công dân trẻ.

Ông khẳng định, làm sao để người thầy thực hiện được đầy đủ thiên chức này, vừa là người kỹ sư kiến tạo nền tảng tri thức, nhân cách cho người học, vừa là nghệ sĩ trên bục giảng để truyền cảm hứng, hoàn thiện tâm hồn cho người học gắn với phát triển thành phố… là vấn đề luôn được thành phố quan tâm, lắng nghe trên các diễn đàn, ý kiến.

Chủ tịch Phan Văn Mãi nêu rõ 5 vấn đề mà thành phố cũng như ngành giáo dục thành phố cần quan tâm hơn nữa nhằm chăm lo cho đội ngũ nhà giáo, phát triển giáo dục thành phố.

Thứ nhất, ông khẳng định, lãnh đạo thành phố luôn quan tâm, trăn trở nhất là làm sao chăm lo cho đội ngũ thầy cô giáo. Không chỉ lắng nghe ý kiến của thầy cô trong ngành mà còn các chuyên gia, thành phố phải hết sức nghiêm túc nghiên cứu vấn đề, có giải pháp trong thời gian tới.

Thầy cô là trái tim của hệ thống giáo dục. Một nền giáo dục tiên tiến và hiện đại đến đâu thì vai trò của người thầy vẫn luôn quyết định. Vì thế, thu hút người giỏi, tâm huyết đến với nghề giáo, chăm lo bồi dưỡng thầy cô là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Làm thế nào để thầy cô có đủ niềm tin, động lực để đứng trên bục giảng là điều quan trọng không kém.

Lãnh đạo thành phố luôn trăn trở, suy nghĩ, mong nhận được ý kiến để hành động, cải thiện tốt hơn. Từ ý kiến các diễn đàn và ý kiến của thầy cô hôm nay, UBND TP cùng ngành giáo dục sẽ tập trung nghiên cứu nhiều nhiệm vụ giải pháp trước mắt. Đề nghị ngành giáo dục tập trung đề xuất đổi mới hơn nữa giáo dục đào tạo, đổi mới thi đua thực chất hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.


Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên trao tặng Bằng khen của UBND TP.HCM cho các nhà giáo đạt giải Võ Trường Toản năm 2022

"Sở GD-ĐT TP cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng xây dựng kế hoạch tổng thể ngành giáo dục của một đô thị đặc biệt, quy mô dân số tăng nhanh đòi hỏi chất lượng giáo dục ngày càng cao. Hiện nay tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố rất thấp chủ yếu vướng về diện tích, mặt bằng. Thành phố đang điều chỉnh kế hoạch chung bố trí dân cư, quỹ đất và các hạ tầng xã hội phù hợp trong đó có ngành giáo dục. Vì thế ngành giáo dục cần nghiên cứu đề xuất lãnh đạo thành phố các cơ chế khả thi nhất, kể cả thu nhập nhà giáo giúp thầy cô giáo an tâm công tác, gắn bó với nghề, nhất là thầy cô ở địa bàn khó khăn, thầy cô có hoàn cảnh khó khăn… TP.HCM có cơ chế đặc thu tăng thu nhập cho cán bộ công chức viên chức, sẽ chọn đối tượng khó khăn để tập trung giải quyết trong thời gian tới"- Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị đồng thời  bày tỏ tin tưởng rằng từng thầy cô sẽ luôn rèn luyện trở thành người thầy giáo tốt như lời Bác Hồ đã gửi gắm.

Đặc biệt đề cao vai trò người thầy của thầy cô hiệu trưởng, thầy cô chủ nhiệm trong việc xây dựng văn hóa học đường, nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục đào tạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi  mong ngành giáo dục sẽ có những đánh giá, rà soát để có giải pháp, làm sao chọn được những hiệu trưởng là những thầy cô tâm huyết, có phương pháp quản lý, phát huy được tập thể sư phạm nhà trường để xây dựng ngôi trường thực sự là một không gian văn hóa với tinh thần xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

"Văn hóa học đường đã có những hướng dẫn, nội hàm của ngành giáo dục. Khi xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh thì sự tiệm cận, giao thoa trong xây dựng văn hóa học đường như thế nào. Có phải chăng đó là văn hóa học thật, học suốt đời, văn hóa trung thực không bị bệnh thành tích, là văn hóa yêu thương, lòng biết hơn, văn hóa năng động, sáng tạo và tiên phong. Có những nội dung cần cập nhật theo cách tiếp cận mới, kể cả những nội dung mới. Ngành giáo dục cần có cuộc ngồi lại nhận diện không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học, trong ngành giáo dục gồm các tiêu chí, nội hàm gì để cùng nỗ lực đạt được"- Chủ tịch Phan Văn Mãi đặt vấn đề.

Xây dựng tâm thế cho người học là yêu cầu đòi hỏi chúng ta phải dày công hơn nữa

Nhắc lại nhắn gửi của Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên tại Đại hội Đoàn thành phố vừa qua, Chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: Bác Hồ từng dạy rằng học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, giai cấp công nhân, nhân loại. Muốn đạt được mục đích thì cần phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư..

"Chúng ta học để phân định đúng sau, thật giả, phải trái. Đây là câu chuyện đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ tại Đại hội Đoàn thành phố, gửi gắm không chỉ đến đại hội mà còn là chia sẻ về ý nghĩa trồng người…" – Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Vấn đề thứ ba, Chủ tịch UBND TP khẳng định, giáo dục thành phố với sứ mạng tiên phong trong vai trò của TP.HCM với cả nước và hội nhập quốc tế. TP.HCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, là đầu mối giao thương, hội nhập quốc tế. Vai trò của TP.HCM là đầu tàu, trục tăng trưởng…

"Làm gì để TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò, thực sự là trung tâm lớn, đầu tàu, trục tăng trưởng, vai trò của ngành giáo dục rất lớn, nếu không muốn nói là quyết định. Ngành giáo dục thành phố phải sớm hoàn thiện hệ thống giáo dục theo hướng giáo dục thông minh, giáo dục mở, học tập suốt đời, hoàn thiện quy hoạch tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại, chuẩn hóa hội nhập quốc tế, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Trường đại học phải nhanh chóng tiếp cận quốc tế, tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quan tâm xây dựng cơ chế hợp tác giữa đại học với doanh nghiệp, xây dựng viện khoa học công nghệ tiên tiến và trung tâm đổi mới sáng tạo"- Chủ tịch Phan Văn Mãi chỉ rõ.

Ngoài kiến thức, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhìn nhận, việc trang bị tâm thế cho người học, thế hệ học sinh là rất quan trọng. Tâm thế học thật, học suốt đời, sự cởi mở, hợp tác trong và ngoài nước, sẵn sàng trong hội nhập quốc tế, nhận lãnh những nhiệm vụ có tính thách thức.

"Hiện nay việc xây dựng tâm thế cho ngưòi học là yêu cầu đòi hỏi chúng ta phải dày công hơn nữa, để người học được chuẩn bị về tri thức, phương pháp, tâm thế sẵn sàng mở tiếp nhận cái mới, sẵn sàng gia nhập, cọ sát khám phá cái mới và năng lực vận dụng, thích ứng linh hoạt, sẵn sàng hội nhập quốc tế…"- Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị.

Bên cạnh đó, ông cho biết, thành phố sẽ tập trung giải quyết các bất cập, tồn đọng trong giáo dục: tự chủ đại học, cơ chế phân cấp phân quyền trong giáo dục, đề xuất sửa đổi một số nội dung, quy hoạch trường lớp, quy mô trưởng lớp, giải quyết vấn đề bổ sung biên chế giáo viên âm nhạc, mỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ trong giáo dục… Tháng 4-2022, lãnh đạo thành phố đã làm việc với Bộ GD-ĐT nhằm nhận diện, tháo gỡ những vướng mắc. Ông đề nghị Sở GD-ĐT đeo bám quyết liệt, tham mưu kịp theo hướng dẫn của Bộ.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)