Hiện TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện đề án trung tâm tài chính quốc tế đã được Bộ Chính trị thông qua. Thời gian tới, Bộ Chính trị cũng sẽ thông qua đề án phát triển đường sắt đô thị mà thành phố đang trình. Những việc lớn này đòi hỏi nguồn nhân lực rất đáng kể; thành phố sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực, cho đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã khẳng định điều này tại hội nghị công bố kết quả đề án thành phần số 1, 3, 5, 8 thuộc “Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) và ĐH chia sẻ” diễn ra tại ĐH Kinh tế TP.HCM tuần qua.
Nhân lực là yếu tố quyết định
Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (8 ngành) giai đoạn 2020-2035 và ĐH chia sẻ được UBND TP.HCM phê duyệt ngày 5-7-2021. Đề án nhằm đào tạo nhân lực bậc ĐH và sau ĐH có trình độ quốc tế đối với 8 ngành trọng điểm.
Đề án tổng thể cũng nhằm góp phần phát triển lực lượng lao động có chất lượng cao từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế cho TP.HCM cũng như cả nước trong quá trình hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu; đáp ứng đổi mới toàn diện giáo dục và xu thế toàn cầu hóa lực lượng lao động. Ngoài ra, đề án tổng thể còn hướng đến xây dựng mô hình ĐH chia sẻ, có khả năng kết nối và chia sẻ mạnh mẽ những nguồn lực quan trọng trong giáo dục ĐH như con người, cơ sở vật chất, học liệu dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.
Đề án tổng thể gồm 9 đề án thành phần. Các đề án thành phần được thành phố đặt hàng nhiều cơ sở giáo dục ĐH nghiên cứu xây dựng theo nhiệm vụ khoa học – công nghệ. Đến nay, có 6/9 đề án thành phần được nghiệm thu; 2/9 đề án đang nghiên cứu sẽ nghiệm thu trong năm 2025 và 1/9 đề án đang thẩm định giao nhiệm vụ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM) cho hay, trong định hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2045 thì các mục tiêu, trọng tâm, nhiệm vụ đã được xác định rất rõ. Trong đó, xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho quá trình tái cơ cấu, quá trình phát triển đột phá. Và đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế 8 ngành là rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang ban hành chiến lược phát triển và đề án đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; bối cảnh TP.HCM đang tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ hiện đại giá trị cao và đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Hiện thành phố đang rất khẩn trương hoàn thiện đề án trung tâm tài chính quốc tế đã được Bộ Chính trị thông qua. Thời gian tới, Bộ Chính trị cũng sẽ thông qua đề án phát triển đường sắt đô thị mà thành phố đang trình. Những công việc lớn này đòi hỏi nguồn nhân lực rất đáng kể.
Do vậy, khi công bố kết quả của đề án, đồng thời với sự phối hợp của chính quyền thành phố, các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp… thì quá trình triển khai sắp tới chắc chắn sẽ nhanh và đạt kết quả thiết thực.
Sẽ đầu tư nguồn lực xứng đáng
Về những công việc sắp tới, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa chính quyền, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Cùng với đó, các cơ sở đào tạo phải khẩn trương hoàn thiện chương trình; nên hợp tác quốc tế trong xây dựng chương trình; tương tác với các cơ sở đào tạo khác trên thế giới trong cùng ngành để lựa chọn được chương trình đào tạo tiên tiến hiện đại, phù hợp xu hướng hiện nay. Cần có sự tương tác với các doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu thị trường để thiết kế chương trình, chọn lựa phương pháp đào tạo phù hợp giúp sản phẩm đào tạo đáp ứng ngay nhu cầu thị trường.
“Các trường cần kinh phí đào tạo giảng viên, kinh phí để mua các chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế; các trường hoặc doanh nghiệp cần đầu tư những phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo, phải mua/thuê các nền tảng thì thành phố sẽ tham gia hỗ trợ. Thành phố sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo”, ông Phan Văn Mãi (Chủ tịch UBND TP.HCM). |
“Một số cơ sở đào tạo thời gian qua đã chủ động đầu tư xây dựng nguồn giảng viên trình độ quốc tế thì cần tiếp tục hoạt động này thông qua hợp tác quốc tế, thông qua đầu tư của trường hay của thành phố để có đội ngũ giảng viên đủ về số lượng lẫn chất lượng. Quá trình đào tạo cần có sự kết hợp của doanh nghiệp, cần đầu tư cơ sở vật chất thỏa đáng như phòng thí nghiệm hoặc cơ sở vật chất khác tại các trường hoặc tại doanh nghiệp để phục vụ đào tạo” – ông Mãi khuyến khích.
Ngoài chương trình, giảng viên, cơ sở vật chất sẽ được thành phố và các cơ sở đào tạo phối hợp trong thời gian sắp tới, Chủ tịch UBND TP.HCM đề cập 3 vấn đề quan trọng khác đối với đề án là ngoại ngữ; sự hiểu biết về pháp lý quốc tế; kiến thức và kỹ năng về kinh doanh. “Chương trình đào tạo của các cơ sở nên được nghiên cứu, hoàn thiện theo hướng chú trọng vào 3 vấn đề này. Tôi mong muốn có sự hợp tác sát sao từ phía doanh nghiệp để thiết kế chương trình được phù hợp, việc đầu tư đem lại hiệu quả” – ông Mãi nói.
Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định thành phố cam kết sẽ tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội của thành phố; cam kết đầu tư nguồn lực xứng đáng cho chương trình. Các trường cần kinh phí đào tạo giảng viên, kinh phí để mua các chương trình đào tạo tiên tiến quốc tế; các trường hoặc doanh nghiệp cần đầu tư những phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ đào tạo, phải mua/thuê các nền tảng thì thành phố sẽ tham gia hỗ trợ. Thành phố sẽ dành hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đổi mới sáng tạo.
Theo ông Mãi, thành phố sẽ dành những nguồn lực nhằm khuyến khích việc nghiên cứu một số chính sách cho cả giảng viên, sinh viên, doanh nghiệp để tham gia chương trình một cách thuận lợi; TP.HCM cũng cam kết sẽ phối hợp các bên có liên quan để giải quyết các vấn đề phát sinh.
Mê Tâm
Bình luận (0)