Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong “điểm mặt” các ngành báo không đúng sự thật

Tạp Chí Giáo Dục

“6 tháng đầu năm, tôi yêu cầu ngành công nghiệp cố gắng thực hiện các giải pháp đảm bảo tăng trưởng 7,5%. Trong 7 tháng đầu năm 2017, các anh báo cáo tôi là đã đạt mức tăng trưởng 7,5%. Nhưng con số này là không đúng sự thật. Thực tế chỉ đạt 7,19%”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng các số liệu cụ thể…
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong “điểm mặt” các ngành báo không đúng sự thật ảnh 1
Tăng trưởng của TPHCM trong năm 2017 khó đạt kế hoạch nếu TPHCM không thực hiện các biện pháp quyết liệt và hiệu quả
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế – xã hội của TPHCM tháng 8-2017 và 8 tháng đầu năm 2017 diễn ra ngày 5-9, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, đã “điểm mặt” một số ngành vì “báo cáo không đúng sự thật” về tỷ lệ tăng trưởng của ngành.

Sau khi nghe báo cáo từ lãnh đạo Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong “điểm mặt” một số ngành có báo cáo về mức tăng trưởng của ngành không đúng với thực tế.

“6 tháng đầu năm, tôi yêu cầu ngành công nghiệp cố gắng thực hiện các giải pháp đảm bảo tăng trưởng 7,5%. Trong 7 tháng đầu năm 2017, các anh báo cáo tôi là đã đạt mức tăng trưởng 7,5%. Nhưng con số này là không đúng sự thật. Thực tế chỉ đạt 7,19%”, đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng các số liệu cụ thể.

Tương tự, lĩnh vực nông nghiệp cũng vậy, TPHCM đặt chỉ tiêu 6,5% và trong thời gian này không đạt được nhưng ngành chức năng vẫn “cố gắng báo cáo” là đạt được.

Trước thực tế này, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan cần nhìn vào sự thật để có giải pháp phù hợp, đảm bảo kinh tế TPHCM tăng trưởng đạt mức theo kế hoạch.

Người đứng đầu UBND TPHCM cũng nhận xét tổng giá trị sản phẩm trong 8 tháng đầu năm của TPHCM tăng không đến 8%.

“Chúng ta đã đi qua chặng đường 8 tháng nhưng đối chiếu với chỉ tiêu tăng trưởng cả năm từ 8,4-8,7% sẽ khó lòng đạt được. Chúng ta chỉ còn 1 quý nữa thôi. Nhìn vào con số tăng trưởng ở ba khu vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ như vậy, nếu không có giải pháp đẩy mạnh tích cực hơn nữa thì trong quý còn lại của năm 2017 chúng ta khó đạt mức tăng trưởng theo tốc độ đã đề ra là 8,4-8,7%”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để đến cuối năm 2017, tăng trưởng của TPHCM đạt 8,4% thì trong thời gian còn lại phải có những biện pháp quyết liệt để tăng trưởng hơn 9,2%.

Ông Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM, cho biết trong các kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2017 mà Viện Nghiên cứu và Phát triển TPHCM trình thì tăng trưởng của TPHCM chỉ tăng 8,1%. Tuy nhiên, TPHCM đặt mục tiêu là 8,4-8,7%.

Vì vậy, TPHCM phải sử dụng tất cả các nguồn lực để đạt mức tăng trưởng nêu trên. Trong đó, ngành công nghiệp xây dựng dự kiến 8,38% song đến nay chỉ tăng 7,31%.

“Dịch vụ đã tăng đạt theo chỉ tiêu. Lĩnh vực nông nghiệp hiện đã tăng vượt mức dự báo, sẽ bù một phần cho ngành công nghiệp. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, ngành công nghiệp phải tăng trưởng mạnh hơn để đến cuối năm GRDP của TPHCM mới có thể đạt mức mong muốn”, ông Trình nhận xét.

Ông Trình cũng đánh giá, đến nay, qua 8 tháng nhưng chi ngân sách của TPHCM chỉ đạt 47%. Vì vậy, TPHCM cần đẩy mạnh chi hơn nữa và tăng giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản (kể cả các công trình hạ tầng giao thông), giúp ngành công nghiệp xây dựng tăng lên, kéo theo tốc độ tăng trưởng của GRDP đạt mức kế hoạch.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong “điểm mặt” các ngành báo không đúng sự thật ảnh 2
Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND  TPHCM (giữa) yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan nhìn vào sự thật để có giải pháp phù hợp, đảm bảo kinh tế TPHCM tăng trưởng đạt mức theo kế hoạch
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ làm việc với ngành thuế, ngân hàng và công nghiệp xây dựng tìm giải pháp cụ thể để trong thời gian còn lại của năm 2017 đẩy mạnh giải ngân, tăng tốc độ phát triển các ngành công nghiệp.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đến một số công việc trọng tâm phải thực hiện trong tháng 9-2017. Theo đó, Thường trực UBND TP và Thường trực Thành ủy sẽ làm việc, xin ý kiến các cơ quan trung ương về việc thực hiện các cơ chế, chính sách để TPHCM phát triển theo Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị.

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng yêu cầu Cục Thuế TPHCM tiếp tục chỉ đạo các chi cục thuế quận huyện tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ các hộ kinh doanh vừa chuyển lên doanh nghiệp thực hiện báo cáo thuế theo đúng quy định. Bên cạnh đó, phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển đổi lên doanh nghiệp để vận động, hỗ trợ chuyển đổi nhằm tạo điều kiện cho các hộ này tăng quy mô vốn, mở rộng quy mô hoạt động nhằm góp phần cho tăng trưởng kinh tế của TPHCM.

“Sở KH-ĐT, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, bỏ ngay các thủ tục không cần thiết làm phát sinh chi phí không chính thức; đồng thời đơn giản hóa thủ tục kiểm tra, cấp phép nhằm tiết kiệm thời gian, giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở KH-ĐT nhanh chóng chuẩn bị tổ chức hội thảo bàn về cơ chế tạo quỹ đất sạch, phần đất nào sẽ dành để bố trí cho các dự án BT, phần đất nào sẽ được dùng để tổ chức đấu giá theo hướng công khai minh bạch”, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu.

Mỹ đứng đầu bảng đổ vốn đầu tư vào TPHCM

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM cho biết trong 8 tháng đầu năm 2017 đã có 515 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn hơn 788 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ngoài ra, TPHCM cũng chấp thuận cho gần 1.420 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại cổ phần vốn góp các doanh nghiệp TPHCM với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,85 tỷ USD.

Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, trong 8 tháng đầu năm 2017, TPHCM thu hút được 3,23 tỷ USD, tăng gấp 1,57 lần so với cùng kỳ.

Ông Sử Ngọc Anh cho biết, Mỹ là nơi có số lượng nhà đầu tư chiếm tỷ trọng lớn nhất đầu tư vào TPHCM (chiếm hơn 31%) với tổng vốn đăng ký đầu tư gần 250 triệu USD. Kế đến là Singapore (chiếm 17%, với 136 triệu USD), Hàn Quốc (16%, với hơn 128 triệu USD), Nhật Bản (9,4% với 75,4 triệu USD)…

KIỀU PHONG/ SGGP

 

Bình luận (0)