Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Chữ tình của cô giáo nơi sơn dã

Tạp Chí Giáo Dục

LTS: Các cô là nhng cô giáo t min xuôi ngưc lên chn núi rng khi còn rt tr. Nhiu năm tháng đã qua, thanh xuân dn lùi sâu vào quá kh. Tình yêu đến ri đi như cơn gió vô tình. Nhưng các cô vn thy chung cm bn, bám trưng li dy hc trò. Thi gian đã bn cht đi h vi mnh đt An Lão – Bình Đnh.

Nơi núi cao cheo leo, heo hút, với các cô, chiều muộn có lẽ là khoảng thời gian để đất trời, đêm ngày giao nhau. Cũng là khoảnh khắc lòng người trống trải như muốn tìm thấy nơi nương tựa…

1. Chiều muộn nào, cô cũng ra đây. Gò đất nổi, toàn cỏ may này mọc lên giữa đồng như thể dành riêng cho cô. Để lắng nghe. Tiếng nhái bầu tìm bạn.

Bọt nước nổi lăn tăn. Mấy con nhái ngồi trên bong bóng khẽ nhẹ như sợ lay động, bọt nước sẽ tan biến. Cô ngả người lên thảm cỏ may. Mặc bông cỏ xuyên qua váy áo, mơn man châm vào da thịt. Và đợi những âm thanh quen thuộc như rút ruột từ những tấm thân bé tý. Đến nỗi cô tưởng đã thuộc được bao nhiêu giọng nhái bầu. Giọng vang khỏe, dồn dập kia chắc hẳn của cậu chàng mới lớn. Anh trai từng trải có lẽ là giọng đều đặn, đục trầm này. Giọng trong trẻo, cao vút hình như lời đáp từ của cô gái. Và lúc gặp nhau là những thanh âm thổn thức, vơi nhẹ, dịu êm… Đến nao lòng!

Cô đã nghe rõ từng tiếng của những chàng nhái thanh niên và cũng cảm nhận được tiếng của những con nhái già kêu yếu ớt để gọi bạn tình duy trì nòi giống như một phản xạ tự nhiên.

Và không phải chỉ hôm nay mà mọi hôm về trước, cô đã đến ngồi trên gò đất nổi để cố lọc lẩy tìm lại âm thanh quen thuộc đặc trưng ngày nào trong tiếng kêu hỗn tạp ấy. Để rồi vô vọng. Nhưng biết đâu chừng, ở một gò đất nổi nơi nào đó, lão nhái bầu già vẫn cất lên những tiếng kêu yếu ớt, thổn thức. Rồi cũng chìm trong vô vọng…

Chìm trong cảm giác của một thời anh và cô từng tìm thấy nhau, lẩy từng hạt kim cỏ may li ti vương trên váy áo, cho đêm bớt dài…

Mưa gió, rét mướt, vạt cỏ may nơi gò đất nổi cô vẫn ra ngồi mỗi khi chiều muộn, hoa đã rụi tự lúc nào, chỉ còn độc có lá oài mình, chài ra như cố tìm chút hơi ấm trên nền đất lạnh. Lũ nhái bầu cũng đi đâu vắng cả. Cô lắng nghe tiếng côn trùng phả vào trong gió, lần tìm trong muôn vạn thanh âm đó giọng nhái bầu mà tuyệt nhiên mất hút.

Dường như mọi vật cũng muốn trốn khỏi chỗ này để ẩn mình nơi ấm áp. Không còn cảm giác gai êm khi kim cỏ may vương trên da thịt. Cũng chẳng còn tiếng nhái bầu thổn thức, xốn xang. Cô vẫn đến. Và đợi. Những gì quen thuộc ấy một ngày nào đó sẽ trở về…

Chỉ có lạnh. Từng cơn gió như chiếc roi mây quất vào cô, đều đặn, nhịp nhàng. Và mỗi giữa những nhát roi, chẳng hiểu sao, luôn là cảm giác nóng hừng hực không ngừng len lỏi. Cô chẳng để ý gì xung quanh nữa. Lẽ nào gò đất nổi này là nơi cô có thể tìm thấy hơi ấm cho lòng mình!

Chiều nay, người ta làm đồng về muộn quá. Tối mịt, cô mới lại được ngồi trên vạt đất thân yêu. Những chiếc roi mây hình như ai đó đã cất đi mất rồi. Nhìn quanh quất, một thoáng hụt hẫng. Chợt phát hiện như có dải lụa trắng bờ bên kia gò đất nổi, ngay phía sau lưng hướng ngồi quen thuộc của cô. Dưới ánh trăng non mờ ảo đầu tháng là thảm hoa xuyến chi bung nở bao giờ. Đúng rồi, tiết trời đã ấm hơn, sau những tháng ngày đông giá ròng rã, giờ mới lại thấy trăng…

Cô mải mê vuốt ve, âu yếm những cánh hoa mỏng manh, mềm mại mà không hề nhận ra trăng non đã dần khuất bóng. Dẫu là màn đêm cũng chẳng thể nào đủ rộng để phủ mờ vạt hoa xuyến chi trắng muốt, hương tỏa dìu dịu bao bọc lấy cô. Bất chợt, xa xa, từ đâu đó, dưới gốc mạ non, trên mặt ruộng xăm xắp nước, vẳng lại một tiếng kêu thân thuộc. Rồi hai, ba… Nhanh quá. Cô không kịp đếm nữa. Cả rừng âm thanh nối tiếp vang lên, dồn dập ùa về nơi gò đất nổi. Tiếng nhái bầu tìm bạn…

2. Chiều muộn, mưa phùn phùn không ngớt, gió thốc từng cơn. Tấm áo mưa mỏng tang, dù được buộc thắt ở lưng eo, chặp chặp vẫn phất phất như quất vào người. Lạnh cóng. Có lúc tưởng như hai chân không còn cảm giác, nếu thỉnh thoảng cô không rút chân lên thăm chừng. Khoảnh ruộng này trong hóc núi, bà con cho cô từ lúc cô vừa về trường, xưa nay vốn nhiều đỉa. Mùa này đỉa đói, chỉ chực chờ chân người cắm xuống bùn là bu vào hút máu. Hóc ruộng sâu nên đôi ủng cũng trở nên vướng víu vô dụng. Cô bao bọc kỹ càng, chỉ chừa từ bắp chân xuống bàn chân cho dễ sục bùn.

Dù là mùa mưa, cô cũng muốn ở trong hóc ruộng tới chiều muộn, khi mọi người đã ấm áp trong những nếp nhà.

Không hiểu sao, nửa lo xua đỉa, nửa lại mong có con đỉa nào đó đừng để cô thấy mà vuốt đi. Nó hãy ở yên đấy mà cắn thủng da, rồi hút máu. Để khi cô trông thấy thì trên bàn chân hay bắp chân đã rỉ ra chút máu. Cô sẽ không buồn cầm máu, cứ để mặc nó ứa ra, dù chỉ cần lấy xíu mạng nhện bọc sẵn trong túi áo hay miếng lá nón cũ rịt vào là hết. Cái ý nghĩ điên điên đó cứ mỗi khi chiều muộn lại choán lấy tâm trí cô.

Cô để mặc đôi chân bê bết bùn, ngồi trên bờ, nhìn qua trái núi lớn, nghe tiếng chim rừng lao xao về tổ.

Nhớ ngày đó. Cũng lúc chiều muộn rả rích mưa như thế này. Lần đầu tiên trong đời cô bị đỉa cắn. Khi con đỉa lớn no căng, thẳng đuột rơi ra từ cánh tay nõn nà của cô. Máu túa ra. Cô hoảng hồn, tái nhợt, ú ớ, ngã xô vào bờ ruộng. Với cô, anh xa lạ đã chạy từ trên trái núi xuống, bất ngờ mà kịp lúc. Thấy vậy, đâm quýnh quáng, anh chỉ còn biết ôm cánh tay cô mà mút lấy mút để vết thương chỗ miệng đỉa.

Từ đó, mỗi chiều muộn, anh từ rẫy xuống, cô từ hóc ruộng lên. Họ ngồi ở đó cho tới khi nào bầy chim rừng về tổ không còn lao xao nữa. Anh và cô đã nghĩ đến một ngày hai người sẽ cùng sống dưới một nếp nhà. Vậy mà, cô đã không thể nào thực hiện được chữ… “cùng” ấy.

Giờ đây, ngồi trên bờ ruộng, nhìn chỗ vết thương bé xíu vì miệng đỉa, đang rỉ máu dìu dịu, âm ấm. Lúc chập tối như là khoảnh khắc riêng tư, bình yên nhất của cô. Cô nâng niu, nương nhẹ những ý nghĩ điên điên, để mãi được đắm chìm trong cảm giác đó…

Nguyn Th M Hnh

 

Bình luận (0)