Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

Chú trọng bữa ăn trẻ mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

Công bố mới nhất của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, năm qua, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới năm tuổi đã giảm gần 2%, còn ở mức 27,5%. Ngoài ra, con số về tình trạng suy dinh dưỡng thể cân nặng trên toàn quốc hiện là 16,8%.

Cô, mẹ cùng chuẩn bị bữa ăn cho bé.  

Chuyện cái thực đơn
Theo tiến sĩ Hoàng Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm truyền thông về dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), với trẻ ở lứa tuổi mầm non, dinh dưỡng có vai trò quan trọng với sự phát triển thể chất và trí tuệ. Mới đây, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã tổ chức tập huấn cho cấp học mầm non tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội, nhằm xây dựng bữa ăn đủ vi chất dinh dưỡng cho trẻ mẫu giáo. Chương trình hướng dẫn các cô iáo áp dụng năm nguyên tắc chọn thực đơn phù hợp, đủ dinh dưỡng, bảo đảm tính cân đối, lựa thực phẩm đa dạng, đồng thời có kiến thức về vệ sinh – an toàn thực phẩm. Đồng thời, dự án cũng nhấn mạnh tới truyền thông giúp phụ huynh nuôi dưỡng trẻ đúng cách.
Phó trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo thị xã Sơn Tây Trần Thị Huệ cho biết, cơ quan này khuyến khích các trường mầm non tại địa phương xây dựng thực đơn cho trẻ một cách khoa học, hợp lý. Với khoảng 6.000 trẻ của 18 trường mầm non trên địa bàn, tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường đạt khoảng 90%, nhà trẻ đạt khoảng 80%. Đáng mừng là 93% trẻ ở đây thuộc kênh phát triển bình thường. Tại một số trường mầm non xa trung tâm thị xã, các cháu không học bán trú, mà ăn tại nhà với gia đình nên tuyên truyền cho phụ huynh phương pháp chăm sóc trẻ rất quan trọng.
Chị Phạm Thanh Hảo, giám đốc trường mầm non Sơn Ca, thị xã Sơn Tây, Hà Nội, tâm sự, trong thời buổi “bão giá” hiện nay, các trường mầm non cũng cần nhiều sáng kiến để bảo đảm bữa ăn của trẻ theo tiêu chí ngon, sạch, “vừa túi tiền” với khoản tiền 12 nghìn đồng/ngày cho mỗi cháu. Là trường đạt chuẩn quốc gia ở địa bàn xa trung tâm Hà Nội, giá thực phẩm rẻ hơn nhưng cũng phải “xoay xở” đủ chiều. Với ưu thế gần sông, các cô có thể mua các loại cá nhỏ, xay nhuyễn trộn thịt nạc, rán lên thành món chả rất hợp khẩu vị các cháu; hoặc món canh cua thêm đậu phụ cắt nhỏ cũng đủ chất dinh dưỡng. Ngoài sự sáng tạo trong nấu ăn cho trẻ nhỏ, bếp ăn của trẻ mẫu giáo cũng phải bảo đảm chế biến theo đúng quy trình để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Kiến thức về bữa ăn đủ chất dinh dưỡng của cha mẹ các em đã được cải thiện nhưng từ lý thuyết đến thực hành vẫn còn nhiều khoảng cách. Anh Nguyễn Đăng Thạo có con năm tuổi đang học tại trường Sơn Ca kể rằng, nhờ thường xuyên trao đổi với các cô, anh biết mỗi ngày trẻ cần bảo đảm 1470-1480 kcalo. Một nửa năng lượng trong ngày của trẻ được cung cấp trong các bữa ăn tại trường, một nửa từ bữa ăn gia đình. Công việc của vợ khá bận, nên anh thường phải chuẩn bị bữa ăn cho con, từ đó biết được chế độ ăn hợp lý, bởi theo anh nghĩ: “chăm sóc con là chuyện chung của vợ chồng”.
Chuyện của chị Trần Bích Xiêm, phố Đinh Tiên Hoàng (thị xã Sơn Tây) có con gái ba tuổi học tại trường mầm non Quang Trung lại khác. Ở nhà, chị mua sữa bột đắt tiền cho cháu uống, nhưng nhiều khi bé không thích, thậm chí còn bị táo bón. Bù lại, cháu thích uống sữa ở trường. Hỏi cô giáo mới biết bé thích uống sữa bò tươi thanh trùng, giá rẻ mà lại ngon, đủ dinh dưỡng. Do đó, chị thấy rằng không phải sữa đắt là hợp với con mình.
Bỏ những thói quen vô lý
Tiến sĩ Hoàng Kim Thanh khuyến cáo các cô giáo và cha mẹ khi nấu ăn cho trẻ nhỏ nên chọn thực phẩm đa dạng, sử dụng các nguyên liệu tươi ngon từ tự nhiên, không thêm phụ gia và phẩm mầu. Trong chế biến cũng nên tận dụng mầu sắc của chính nguyên liệu giúp trẻ có cảm giác ngon miệng. Ngoài ra, rau củ cho các bé cần nấu vừa chín tới để giữ được các loại vitamin và khoáng chất trong rau, nhưng phải đủ độ mềm giúp tiêu hoá dễ. Đơn giản nhất là dùng nước đun sôi để nguội cho bé uống thay vì sử dụng nước khoáng tràn lan như hiện nay, bởi nhiều loại nước khoáng không rõ ràng về nguồn gốc và chất lượng. Cẩn thận hơn, có thể dùng bình lọc, sau đó nấu chín vừa tiết kiệm lại bảo đảm vệ sinh.
Người lớn cũng nên bỏ những thói quen không tốt như dùng túi nylon, đồ nhựa đựng thức ăn cho trẻ vì có thể làm nhiễm chì, dùng giấy ăn lau bát… Trong nấu nướng nên sử dụng mỡ cho trẻ, không nên dùng hoàn toàn dầu ăn vì mỡ lợn chứa nhiều vitamin như A, D, các axit béo… cần cho sự phát triển của trẻ. Không cho các cháu ăn quá nhiều thịt một bữa mà nên kết hợp thịt, cá, tôm… Cũng hạn chế cho bé ăn quá nhiều vị trong một bữa. Thí dụ, một bữa phụ không có quá nhiều món ngọt như chè, kèm thêm hoa quả làm trẻ chóng chán.
Tiến sĩ Hoàng Thị Kim Thanh cho biết, bổ sung vi chất dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày là giải pháp tốt nhất. Nói đến tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng là nói tới thiếu vitamin A, sắt và i-ốt…. Chương trình “Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng quốc gia” đã có sự hỗ trợ của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhiều năm nay. Điển hình nhất như chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ nhỏ dưới 36 tháng và bà mẹ mang thai từ năm 1993.
Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và sự phát triển thể chất và trí tuệ của con người, đặc biệt là trẻ em. Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng, cần sử dụng phối hợp 15-20 loại thực phẩm từ bốn nhóm thực phẩm (đạm, béo, bột, xơ) trong bữa ăn hằng ngày; cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu và ăn bổ sung hợp lý bằng thực phẩm có sẵn tại địa phương. Ngoài ra, khi trẻ ốm, không nhất thiết bắt trẻ ăn kiêng mà cho ăn theo nhu cầu và có chế độ bồi dưỡng sau khi bình phục. Trẻ từ 24 đến 60 tháng tuổi cần được uống vitamin A và tẩy giun hai lần mỗi năm. Các mẹ nên thường xuyên sử dụng muối, bột canh i-ốt trong chế biến thức ăn.
Theo LÊ NGÂN
(NDĐT)

Bình luận (0)