GV Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình) hướng dẫn HS trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: D.Bình
|
Xác định chuẩn năng lực nghề cho người học sau khi tốt nghiệp là một trong những bước quan trọng để phát triển chương trình đào tạo giáo viên (GV), nhất là ở bậc THCS.
Đòi hỏi trước hết của một GV bậc THCS là cần có những năng lực nào để tác nghiệp trên bục giảng? Không chỉ có thế, những năng lực đó phải được “cân, đong, đo, đếm” rõ ràng.
Theo chúng tôi, hiện nay năng lực GV giảng dạy bậc THCS bao gồm 2 nhóm cơ bản: Năng lực chung và năng lực chuyên biệt. Năng lực chung là năng lực áp dụng cho mọi ngành nghề, gồm: Năng lực bản thân (tự học, giải quyết vấn đề, tư duy, quản lý…), năng lực về quan hệ xã hội (giao tiếp, hợp tác, đàm phán…), năng lực công cụ (sử dụng CNTT, sử dụng ngôn ngữ truyền đạt…). Năng lực chuyên biệt (nhóm năng lực dạy học), gồm: Năng lực chuyên môn và năng lực nghiệp vụ. Ví dụ, GV thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên thì phải có kiến thức sâu rộng, kỹ năng giải bài tập, kỹ năng tổ chức thực hành thí nghiệm trong các phân môn vật lý, hóa học, sinh học. Về năng lực giáo dục, người thầy khi lên lớp phải trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của học sinh (HS), thuyết phục và cảm hóa xây dựng động cơ học tập, rèn luyện ý chí vươn lên trong học tập của từng em một. Bên cạnh đó GV còn “kèm theo” năng lực chẩn đoán nhu cầu, nhận diện các đặc điểm tâm lý của HS bậc học này. Để có năng lực thiết kế kế hoạch giảng dạy, người thầy phải nghiên cứu kỹ mục tiêu nội dung chương trình bậc học, lớp học, đối tượng người học, điều kiện học tập và giảng dạy để từ đó lập ra “chiến lược” dạy học hoàn hảo. Đồng thời thể hiện xuất sắc năng lực thiết kế bài dạy qua việc phân tích cấu trúc nội dung và mục tiêu bài dạy; xác định nội dung và phương pháp kiểm tra đánh giá; xác định kiến thức và nguồn tài liệu cho bài dạy, sử dụng phương tiện dạy học, sử dụng phương pháp dạy học, xây dựng giáo án thành thục. Tác phong sư phạm, năng lực trình bày, kỹ năng viết bảng, sử dụng ngôn ngữ lại là năng lực thể hiện bài dạy của người thầy. Còn năng lực đánh giá kết quả dạy học thì được thông qua năng lực thiết kế công cụ đánh giá, năng lực phân tích các số liệu trong kiểm tra, năng lực ghi điểm, nhận xét và đánh giá…
Tuy có khác nhau nhưng xác định chuẩn năng lực đầu ra cho chương trình đào tạo GV phải dựa vào chuẩn nghề nghiệp. Theo đó, chuẩn nghề nghiệp GV chủ yếu mô tả sản phẩm của hành động tác nghiệp, còn chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo cử nhân sư phạm lại cần mô tả cấu trúc tri thức nghề nghiệp với các chỉ bảo kiến thức, kỹ năng thực hiện hành động. Chuẩn nghề nghiệp là kim chỉ nam định hướng tốt nhất cho chuẩn đầu ra. Muốn có GV đạt chuẩn thì phải có đội ngũ sinh viên sư phạm đạt chuẩn ngay từ trong “lò” đào tạo. Đánh giá theo chuẩn đã xây dựng với tư cách là một thành tố có ý nghĩa trong quá trình dạy học, quản lý, đào tạo, xã hội… Đối với GV, với tư cách là người hướng dẫn trong quá trình dạy học, đánh giá cho phép dự đoán những điểm mạnh và điểm yếu của người học để tránh dạy lại những điều đã biết hay quá dễ đối với HS. Đánh giá này còn giúp GV có cơ sở xếp loại người học, xác định tính hiệu quả của chương trình, khẳng định với xã hội về chất lượng và hiệu quả dạy học. Còn đánh giá với tư cách là công cụ đo lường kết quả trong dạy học lại phụ thuộc vào thước đo, cách đo, người đo, hoàn cảnh đo… Phương pháp đo khác nhau cũng cho kết quả khác nhau. Do vậy thống nhất chung trong xây dựng đề kiểm tra, thi, thang điểm và cách chấm là công việc không bao giờ thừa.
“Bước nhảy” vững chắc để đào tạo ra được những người có năng lực nghề nghiệp thật sự còn là xu hướng và tiền đề tất yếu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH. Vì thế nên coi đây là việc làm cấp thiết có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo GV bậc THCS để liên thông, chuẩn hóa các cấp học và cầu nối với chương trình đào tạo của nhiều quốc gia trên thế giới.
TS. Nguyễn Văn Thắng (Khoa Sư phạm KHTN, Trường ĐH Sài Gòn)
“Bước nhảy” vững chắc để đào tạo ra được những người có năng lực nghề nghiệp thật sự còn là xu hướng và tiền đề tất yếu cho việc nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH. |
Bình luận (0)