Bằng nhiều hình thức, các đơn vị trường học tại TP.HCM đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa vào đời sống học đường một cách thiết thực, hiệu quả.
Phong trào thi đua dạy tốt, học tốt là một nội dung quan trọng trong thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong hình: Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trao thưởng cho học sinh giỏi TP năm 2020
Việc làm thiết thực, hiệu quả
Tại Trường TH Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cuốn sổ ghi việc tốt của học sinh nhà trường tính riêng trong năm nay đã “nối dài” sang cuốn thứ 2. Lật từ trang này qua trang kia, những cái tên học sinh với những việc làm tốt “nhặt được của rơi, trả lại người đánh mất” được viết nắn nót, cẩn thận. Các vật dụng “tìm chủ” từ cây bút chì, cục gôm, cuốn tập cho đến một vài ngàn đồng, thậm chí là các vật giá trị cao như điện thoại, tiền. Câu chuyện “nhặt được của rơi trả lại người đánh mất” đã trở thành thói quen của học sinh nhà trường.
“Trong các buổi sáng chào cờ đầu tuần, cùng với việc tuyên dương những học sinh có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện, nhà trường cững thực hiện tuyên dương những học sinh đã có việc làm tốt về nhặt được của rơi trả lại người đánh rơi, nhặt rác dưới sân trường, giúp đỡ bạn… Qua hình thức tuyên dương là cách để nhà trường nhắc nhở, giáo dục học sinh về ý thức, trách nhiệm làm những việc làm tốt, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ”, cô Đỗ Ngọc Chi – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Theo cô Chi, việc giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sẽ tùy theo mỗi cấp học, mỗi độ tuổi học sinh để có những cách thức triển khai phù hợp, hiệu quả. Đối với học sinh tiểu học, đó còn là giáo dục các em làm theo 5 điều Bác Hồ dạy, giáo dục học sinh biết chia sẻ, giúp đỡ bạn bè, gia đình ba mẹ từ những việc làm nhỏ. “Các phong trào nuôi heo đất giúp bạn nghèo; phong trào vì người bạn ngoại thành; hoa điểm tốt, thi đua theo 5 điều Bác Hồ dạy… đều rất đơn giản, gần gũi và thiết thực, được nhà trường phát động trong xuyên suốt năm học, từng chút một bồi đắp tâm hồn trẻ thơ của học sinh, giáo dục phẩm chất, đạo đức cho các em…”.
Nuôi heo đất giúp bạn nghèo cũng là phong trào được cô trò Trường THPT Lương Thế Vinh bền bỉ gầy dựng trong nhiều năm nay và cho ra nhiều “trái ngọt”. Từ phong trào này, nhiều góc học tập, nhiều suất học bổng đã được “trao tay”, trở thành “cánh tay nối dài” hỗ trợ những học sinh khó khăn trong trường và vùng ngoại thành có thêm cơ hội, điều kiện đến trường học hành.
“Mỗi năm nhà trường thường có 2 đợt phát động phong trào nuôi heo đất là vào đầu năm học và giữa năm học. Đợt đầu năm học sẽ được thu hoạch vào dịp Tết để chăm lo Tết cho học sinh khó khăn nhà trường và trẻ em nghèo trên địa bàn, các mái ấm. Đợt cuối năm học sẽ để trao học bổng, dành phần thưởng cho các em học sinh khó khăn của trường, một phần để san sẻ với học sinh các địa phương khó khăn. Mỗi lần “mổ heo” đất, học sinh từng lớp rất háo hức, bởi đây là thành phẩm mà các em chăm bẵm, đặt niềm thương yêu trong suốt cả năm học. Rất nhiều em, mỗi ngày đều bớt một phần tiền ăn sáng của mình để “cho heo ăn”, nhiều em dành cả tiền lì xì để gửi đến bạn nghèo… Số tiền có thể không lớn nhưng điều quan trọng là các em đã biết quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ những người khó khăn mà trước hết chính là bạn bè của mình”, cô Bùi Minh Tâm – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Trong khi đó, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lại được Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú) đẩy mạnh thông qua giáo dục đạo đức, lý tưởng cách mạng cho học sinh. Các chuyên đề giáo dục được thực hiện lồng ghép trong môn học, các buổi sinh hoạt chào cờ đầu tuần…, nhắc nhở học sinh hướng về lịch sử của dân tộc, khơi lên trong học sinh lý tưởng, khát vọng cống hiến, trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng xã hội.
“Bản thân em nghĩ rằng, học tập và làm theo Bác không phải là điều gì quá to tát mà thực hiện ngay từ những việc làm nhỏ nhất như đoàn kết, thân ái với bạn bè, giúp đỡ những người khó khăn trong khả năng của mình, từng bước hoàn thiện bản thân mỗi ngày. Qua các chuyên đề giáo dục, nhất là giáo dục lịch sử được nhà trường tổ chức, giúp em ý thức được hơn trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, đất nước, nỗ lực tự học hơn mỗi ngày để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…”, Bùi Yến Vi (học sinh nhà trường) chia sẻ.
Gắn các phong trào vào nội dung chương trình giáo dục
Là địa phương dẫn đầu cả nước về giáo dục và đào tạo, phong trào thi đua dạy tốt học tốt trở thành truyền thống của thầy và trò ngành GD-ĐT TP.HCM. Trong vài năm trở lại đây, nhằm đón đầu và thích nghi với Chương trình GDPT 2018, toàn ngành đã tích cực chủ động trong đổi mới sáng tạo dạy và học, đổi mới trong kiểm tra đánh giá học sinh, mạnh dạn tiên phong ứng dụng CNTT trong giảng dạy, hướng đến phát huy năng lực và phẩm chất của học sinh.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng khẳng định, các phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trở thành một phần của việc cụ thể hóa thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, được triển khai sâu rộng, có hiệu quả trong toàn ngành. Với quan điểm giáo dục học sinh một cách toàn diện, không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người, các nhà trường đã thực hiện nhiều biện pháp, từ chuyên môn đến các hoạt động ngoại khóa để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
“Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được toàn ngành triển khai theo từng năm học, tăng cường kiểm tra và đánh giá, kịp thời phát hiện, tuyên dương những gương điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tổ chức giao lưu và nhân rộng những gương học sinh tiêu biểu. Ngành cũng phối hợp với Thành đoàn thực hiện cuộc vận động “Làm theo lời Bác”, phong trào “Học sinh 3 tích cực” với các hình thức đa dạng, phong phú, ngày càng đi vào chiều sâu. Từ những phong trào này đã trở thành cái nôi ươm mầm, giáo dục học sinh sống có lý tưởng, hoài bão…”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, việc giáo dục học sinh thực hiện và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh còn đặc biệt được các nhà trường thực hiện qua việc duy trì hát Quốc ca trong các lễ chào cờ; rèn luyện sức khỏe học sinh qua đa dạng các hoạt động tập thể dục, lao động; xây dựng và lồng ghép các chương trình giáo dục và tuyên truyền về biển đảo, an toàn giao thông, người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… “Thực hiện giáo dục học sinh học tập và làm theo Bác là cả một quá trình, tùy theo lứa tuổi học sinh để triển khai phù hợp, hiệu quả, không rập khuôn, cứng nhắc. Điều quan trọng là gắn các phong trào, phần việc vào trong chính hoạt động giáo dục và rèn luyện học sinh hàng ngày, hình thành thói quen và các phẩm chất tốt đẹp cho mỗi học sinh…”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP bày tỏ.
Đỗ Giang Quân
Bình luận (0)