Ngày 14-10, tại Cần Thơ diễn ra hội thảo “Hướng tới phát triển năng lượng bền vững vùng ĐBSCL”.
Các chuyên gia nhận định, việc phát triển và sử dụng năng lượng ở nước ta thời gian qua chủ yếu lệ thuộc vào các nhà máy nhiệt, thủy điện, qua việc sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch như: than đá, dầu thô, khí đốt… Việc khai thác quá mức đang khiến các nguồn năng lượng này đang lâm cảnh cạn kiệt. Chuyên gia năng lượng độc lập Nguyễn Tiến Long cho rằng: Đến năm 2030, nhu cầu năng lượng sơ cấp ở nước ta trên 250 triệu TOE (đơn vị tính năng lượng quy đổi tương đương với 1 tấn dầu) tăng 5 lần so với 2009. Các thủy điện lớn sẽ khai thác hết trong thập kỷ này, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch trữ lượng có hạn. Từ một quốc gia xuất khẩu thô năng lượng nhưng năm 2013, Việt Nam phải nhập khẩu 1,308 triệu tấn than đá phục vụ phát triển điện, ngoài ra đã ký hợp đồng nhập khẩu 10 triệu tấn than trong năm 2014.
Trước sự cạn kiệt dần của năng lượng hóa thạch, các chuyên gia xác định điện gió được xem là sự thay thế hoàn hảo. Việt Nam có tiềm năng điện gió dồi dào, lĩnh vực này cũng được các nhà đầu tư trong và ngoài nước rất quan tâm. Hiện vùng ĐBSCL đã có nhà máy điện gió Bạc Liêu, các địa phương khác như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre… đã có quy hoạch phát triển nguồn năng lượng này.
BÌNH ĐẠI
(SGGP)
Bình luận (0)