Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10, tiết trời chuyển sang se lạnh, kèm theo mưa cũng là lúc nhiều loại bệnh tấn công con người. Việt Nam đang trong thời điểm bệnh tay chân miệng tiến triển nhanh và diễn biến phức tạp, trẻ em với sức đề kháng yếu chính là đối tượng nguy cơ hàng đầu có thể mắc nhiều loại bệnh tật trong lúc giao mùa. Chính vì vậy, người lớn cần quan tâm, bảo vệ và giữ gìn sức khỏe cho trẻ nhiều hơn nữa.
|
Khám bệnh cho trẻ nhỏ tại Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang
|
Bệnh thông thường không thể coi thường
Thời điểm giao mùa, trẻ em thường hay gặp phải các bệnh liên quan tới đường hô hấp và tiêu hóa. Đôi khi những bệnh này có thể xảy ra thường xuyên vào bất cứ thời điểm nào trong năm khiến cho không ít bậc phụ huynh coi nhẹ mức độ nguy hiểm. Đối với các bệnh về nhiễm khuẩn đường hô hấp, các chuyên gia y tế chia thành 2 loại chính tùy theo vị trí tổn thương.
Viêm đường hô hấp trên được chia làm 2 loại là cấp tính và mạn tính. Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính sẽ diễn biến trong vòng vài ba ngày với các dấu hiệu sốt cao hoặc vừa ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi, thay đổi giọng, mất giọng. Ở trẻ em dưới 1 tuổi đôi khi nôn nhiều, quấy khóc, khi khám họng lúc đó sẽ thấy niêm mạc họng đỏ rực, sau đó các dấu hiệu trên mất đi. Khi bị bội nhiễm các vi khuẩn trên, bệnh sẽ diễn biến nặng lên, trẻ hay bị viêm phế quản, viêm phổi. Khi bị mức cấp tính mà không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm thì rất dễ chuyển thành mạn tính. Viêm tai giữa cấp cũng là một biến chứng hay gặp của nhiễm khuẩn hô hấp trên cấp tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây thủng màng nhĩ, giảm thính lực hoặc nặng có thể gây biến chứng nội sọ do viêm tai…
Viêm đường hô hấp dưới ít gặp hơn nhưng thường là nặng bao gồm các trường hợp viêm thanh quản, khí quản, phế quản, tiểu phế quản và phổi. Bệnh nhân có tiền sử nhiễm khuẩn nhẹ đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, rất dễ bị viêm phế quản phổi. Trẻ viêm phế quản phổi ở giai đoạn khởi phát chỉ bị sốt nhẹ, người mệt mỏi, quấy khóc, ăn kém. Ở giai đoạn toàn phát trẻ sốt cao hoặc có thể bị hạ nhiệt độ, ho khan, chảy nước mũi và bắt đầu xuất hiện đờm… Theo các bác sĩ, không phải bất cứ trường hợp viêm đường hô hấp nào cũng được chỉ định dùng thuốc kháng sinh hay cho nhập viện điều trị nội trú. Nhưng cũng không phải vì coi nhẹ mà mọi trường hợp viêm đường hô hấp đều được tự điều trị tại nhà và theo dõi qua loa.
Đối phó với bệnh tay chân miệng
Theo dự báo, những tháng cuối năm là thời điểm bệnh tay chân miệng sẽ diễn biến rất phức tạp và đối tượng chính vẫn là trẻ em, đặc biệt là các em dưới 3 tuổi. Hiện nay, bệnh tay chân miệng có xu hướng tiến triển nhanh ở các tỉnh miền Bắc với số ca mắc ngày càng tăng nhanh. Hiện vẫn duy trì ở mức cao với hơn 2000 ca mắc/tuần.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Dương, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhấn mạnh, cần tập trung giám sát công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng. 6 đoàn công tác liên ngành Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng tại 13 tỉnh, thành phố trọng điểm. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, xử lý ổ dịch tay chân miệng. Quan trọng nữa là tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống tay chân miệng, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các báo, đài địa phương nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng…
Hơn bao giờ hết, chuyển mùa là cơ hội cho bệnh tật tấn công mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Chính vì vậy các bậc phụ huynh, người lớn phải luôn có ý thức phòng, tránh cho bản thân và cho gia đình bằng cách giữ vệ sinh nhà cửa, bảo đảm chế độ dinh dưỡng hằng ngày, không để trẻ nhỏ thức khuya, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, tránh bị nhiễm lạnh bằng cách hạn chế sử dụng máy lạnh, tránh để quạt thổi trực tiếp vào người, cho trẻ tiêm phòng đúng hẹn… Đối với trẻ em ngoài việc giữ ấm, khi ra đường nên mang khẩu trang nhằm tránh khói bụi, mầm bệnh…
Theo Hoàng Trường Giang
(QĐND)
Bình luận (0)