Hiện nay, ngành giáo dục đang thực hiện việc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi và giáo viên giỏi các cấp học phổ thông. Xét ở một số khía cạnh, đây là những cuộc thi có ích cho bản thân giáo viên, cho nhà trường, cho ngành và dĩ nhiên cho cả học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) tham gia chuyên đề STEM (ảnh minh họa). Ảnh: Y.Hoa
Với giáo viên, đó là sự đầu tư, chuẩn bị về nhiều mặt, như kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm… nên qua cuộc thi sẽ được trau dồi cả về nghề nghiệp, ứng xử, trao đổi kinh nghiệm…, kể cả có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi đồng nghiệp ở các trường khác, địa phương khác. Ngoài ra, thành tích trong cuộc thi này còn là cơ sở, căn cứ để bình xét thi đua, nâng lương trước hạn, nâng ngạch, bổ nhiệm… Với nhà trường, cuộc thi giáo viên giỏi không chỉ là cuộc thi của các giáo viên đó mà còn của ban giám hiệu, của tổ bộ môn và nhiều giáo viên khác, với sự chung sức chuẩn bị, đóng góp, và nhờ đó từng thành viên đều được nâng cao về nhiều mặt. Với ngành giáo dục, dù các cuộc thi không hẳn là những “cuộc chạy đua” nhưng cũng là một hoạt động ít nhiều có tính động lực, thúc đẩy các giáo viên, các trường cải tiến hoạt động giảng dạy, quản lý, tích lũy kinh nghiệm, đầu tư sáng kiến…, tức là nếu qua những cuộc thi được tổ chức tốt thì toàn ngành đều thu hoạch được nhiều kết quả tích cực. Còn đối với học sinh, về mặt lý thuyết là trung tâm của hoạt động giảng dạy, nên được học những giáo viên dạy giỏi, được học bằng các phương pháp tốt hơn, được sự quan tâm nhiều hơn của các giáo viên và nhà trường…
Theo nhiều giáo viên, nên bỏ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, chỉ định kỳ 2-3 năm tổ chức các liên hoan giáo viên chủ nhiệm, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi (ở cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh…) mà không chú trọng thành tích, để đó chỉ là nơi gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau vừa vui tươi, vừa nhẹ nhàng. |
Kết quả tích cực đó của các cuộc thi giáo viên giỏi là mong muốn của các nhà quản lý giáo dục và cũng là ý nghĩa mang tính lý tưởng của những cuộc thi. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào và ở đâu, các cuộc thi giáo viên giỏi cũng đạt được kết quả như vậy. Các biểu hiện chưa thực sự lành mạnh thường thấy như sau: Thứ nhất, đó là sự tham gia mang tính đối phó của cả giáo viên và nhà trường. Một số giáo viên tham gia trong tâm thế bị ép buộc, không thực sự chủ động nên thi theo kiểu “được chăng hay chớ” chứ không mang tâm lực, trí lực một cách cao nhất với quyết tâm thể hiện tốt nhất phần thi của mình và qua đó có nỗ lực thực sự để nâng cao chất lượng giảng dạy. Ở các cuộc thi cấp huyện, tỉnh, có nhà trường không quan tâm tạo điều kiện tốt nhất và đầu tư cao nhất cho giáo viên mà chỉ tham gia cho có mặt, giao khoán cho giáo viên, nên chất lượng và kết quả không cao. Trên thực tế, việc chuẩn bị cho các kỳ thi này vừa mất thời gian, công sức, cả tiền của mà hiệu quả thực tế ít thấy rõ nên cả giáo viên và nhà trường không mặn mà cũng là điều dễ hiểu. Nhất là ở cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, bản thân giáo viên làm chủ nhiệm đã khá vất vả, với nhiều việc ngoài chuyên môn, nhưng phải chuẩn bị để thi nên có người “cắn răng” thi cho xong, không quan tâm đến kết quả. Thứ hai, đó là có sự sao chép, gian lận trong các cuộc thi. Thường thấy nhất là việc sao chép các sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên bộ môn khác (vốn khác về tính chất của môn học), của giáo viên trường khác (vốn khác về các điều kiện thực tế), của bản thân nhiều năm trước (trong khi thực tiễn đã thay đổi)… Bởi lẽ sáng kiến kinh nghiệm không phải lúc nào cũng có và không phải sáng kiến nào cũng có ý nghĩa thực tiễn nên để đi thi, giáo viên “cọp” cho chắc ăn! Có trường hợp, thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, ở phần nêu một tình huống giáo dục mà giáo viên chủ nhiệm phải xử lý thì giáo viên bê nguyên xi một tình huống và cách giải quyết trên mạng! Thậm chí, cũng có trường hợp, ở phần thi kiến thức, đã xảy ra hiện tượng quay cóp, gian lận! Những sự việc này sẽ tạo ra hình ảnh, ấn tượng không tốt của học sinh, của dư luận về sự nhìn nhận các cuộc thi tương tự, về những giáo viên được biểu dương là giáo viên giỏi, về các giáo viên nói chung. Thứ ba, đó là chỉ đầu tư cho cuộc thi mà không gắn cuộc thi với thực tế giảng dạy. Không ít giáo viên chỉ quan tâm đầu tư tiết dạy để đi thi chứ không đem tiết dạy đó áp dụng vào thực tế, do điều kiện thực tế khó đáp ứng hoặc bản thân giáo viên không thực sự chú trọng. Cùng ở lớp đó, nhưng cách dạy trong cuộc thi hoàn toàn khác với dạy bình thường. Do đó, thi chỉ là thi, không có ý nghĩa thực tiễn, dẫu đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi thì học sinh cũng không được hưởng lợi gì. Tiếc rằng hiện tượng này khá phổ biến nên ý nghĩa của cuộc thi giảm hẳn. Và cũng vì vậy, cuộc thi đã góp phần làm cho giáo viên ngụy tạo nên những tiết học lý tưởng, đó là biểu hiện gian dối với cuộc thi và với học sinh. Thứ tư, đó là bệnh thành tích trong các cuộc thi còn nặng. Dù có hiện tượng thi “cho có” nhưng cũng tồn tại nhu cầu được giải, nên có tình trạng “tranh thủ”, “quan hệ” của giáo viên, của nhà trường với giám khảo, với lãnh đạo cấp trên. Chính điều này làm cho kết quả cuộc thi thiếu thuyết phục, khiến những người nỗ lực thực sự trong cuộc thi cảm thấy thất vọng và dần mất niềm tin vào sự trong sáng, ý nghĩa vốn có của cuộc thi. Ngoài ra, vì chạy theo thành tích, giáo viên và nhà trường cũng không ngần ngại sao chép, gian lận trong thi cử. Đương nhiên, những cuộc thi tích cực, những giáo viên dạy giỏi thực sự, các tiết học tốt, những sự trưởng thành qua các cuộc thi… vẫn phổ biến!
Từ thực tiễn đó, có thể thấy rằng cần nghiên cứu thêm về các cuộc thi giáo viên giỏi. Theo nhiều giáo viên, nên bỏ cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, chỉ định kỳ 2-3 năm tổ chức các liên hoan giáo viên chủ nhiệm, là nơi chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học hỏi (ở cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh…) mà không chú trọng thành tích, để đó chỉ là nơi gặp gỡ, học hỏi lẫn nhau vừa vui tươi, vừa nhẹ nhàng. Còn các cuộc thi giáo viên dạy giỏi nên tổ chức thưa hơn (có thể cấp trường là 2 năm/lần, cấp huyện là 3 năm/lần, cấp tỉnh là 4 năm/lần), thí sinh ở cấp trên thì chỉ cần là giáo viên đạt chuẩn giỏi cấp dưới các năm trước, không cần ở giải cao nhất. Cần siết chặt chất lượng, tính quy củ của các cuộc thi, chỉ nên lấy số lượng vừa phải (cả số thí sinh và số đạt giải), nghiêm khắc với các trường hợp gian lận, sao chép hoặc chỉ đầu tư cho cuộc thi mà không áp dụng vào thực tế. Cuối cùng, các ban tổ chức phải thực sự khách quan, công tâm, phải triệt để loại bỏ tình trạng “tranh thủ”, “gửi gắm”, chống các biểu hiện chạy theo thành tích, thiếu trong sáng… Có như vậy thì các cuộc thi giáo viên giỏi mới chọn ra được những giáo viên thực sự giỏi và có ý nghĩa nâng cao chất lượng giảng dạy!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)