Sự kiện giáo dụcTin tức

Chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT TP giáo dục văn hóa học đường bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục…


UBND TP.HCM yêu cầu ngành giáo dục cần chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục…

UBND TP.HCM vừa ban hành Kế hoạch triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn TP.HCM theo Chỉ thị số 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, để triển khai xây dựng văn hóa học đường trên địa bàn TP.HCM, UBND TP yêu cầu tăng cường nguồn lực thực hiện văn hóa học đường, bao gồm: Bố trí ngân sách địa phương; Xây dựng nội dung giáo dục giá trị văn hóa truyền thống, phát huy vai trò của gia đình; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chuẩn hóa, đảm bảo đủ số lượng, hợp lý cơ cấu, nâng cao phẩm chất đạo đức, lối sống, lương tâm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn; Quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo yêu cầu phát triển giáo dục từng địa phương, chú trọng quy hoạch phòng học chức năng, sân chơi bãi tập, công trình vệ sinh, khu vui chơi, trồng cây xanh…

UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT TP thực hiện công tác giáo dục văn hóa học đường bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Chú trọng xây dựng quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục; chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, cán bộ quản lý; điều lệ cấp học, quy chế đánh giá hạnh kiểm, kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.

Yêu cầu Sở GD-ĐT TP rà soát các quy định, tiêu chuẩn, đánh giá có tính hình thức, cứng nhắc, không phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cơ sở giáo dục, không phù hợp với thực tiễn, dẫn tới bệnh thành tích trong giáo dục để đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ.

Song song chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức; khuyến khích tinh thần tự đọc, tự học; Kết hợp giữa dạy chữ, dạy người, trang bị kỹ năng và định hướng nghề nghiệp cho người học; giáo dục phát triển toàn diện về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ; tôn trọng ý kiến học sinh; phát triển cho học sinh phẩm chất yêu đất nước, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.

Triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả, thực chất 5 điều Bác Hồ dạy thiếu niên, nhi đồng. Giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương đất nước; hình thành năng lực cảm thụ, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đảm bảo công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, UBND TP.HCM yêu cầu Sở GD-ĐT chỉ đạo đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục kinh tế và pháp luật, sinh hoạt Đoàn, Đội. Xây dựng văn hóa học đường gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện; ước mơ, hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp; giáo dục cho học sinh, học viên. Quan tâm, bồi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ qua hoạt động trải nghiệm, các câu lạc bộ, hoạt động thể dục, thể thao.

Xây dựng đội ngũ theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của giáo dục. Phát huy vai trò nêu gương của người thầy, bảo đảm mỗi thầy, cô giáo là tấm gương về tự học, đổi mới sáng tạo; đạo đức, lối sống, ý chí phấn đấu, khát vọng cống hiến.

Đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập dân chủ, bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường…

Để thực hiện hiệu quả công tác văn hóa học đường, UBND TP sẽ chỉ đạo kiểm tra, thanh tra văn hóa học đường, an toàn trường học trên địa bàn thành phố.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)