Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Chủ trương mới vào lớp 1 tại Cần Thơ: Kỳ cuối: Từ trường làng đến trường điểm đều khổ

Tạp Chí Giáo Dục

Từ khi có quy định mới về việc tiếp nhận học sinh (HS) thuộc diện KT3 tại các trường ở quận trung tâm TP.Cần Thơ đã khiến hầu hết trường điểm bị áp lực nặng nề do số HS tăng đột biến, điều này buộc các trường phải giảm số lớp 2 buổi và bán trú. Không những thế, do qui mô HS tăng kéo theo yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là các trường phải gấp rút tuyển thêm giáo viên.
Bỏ trường làng ra trường điểm
Thực trạng trên không chỉ các trường điểm khổ mà cả những trường cơ sở vật chất còn yếu kém (trường làng) trên cùng một địa bàn cũng bị khổ lây vì không tuyển đủ chỉ tiêu. Chẳng hạn Trường TH An Phú (P.An Phú) được giao chỉ tiêu 2 lớp 1 với 50 HS nhưng ra lớp chỉ 31 em. P.Cái Khế, nơi cả 3 trường TH bị xuống cấp, chật hẹp, đều không tuyển đủ HS như số liệu điều tra phổ cập. Tổng số HS không ra lớp tại 3 trường TH này chiếm hơn 90 em. Tình trạng nơi thừa – nơi thiếu trên gây khó khăn cho Phòng GD-ĐT Ninh Kiều trong công tác quản lý, điều chuyển giáo viên, bổ sung trang thiết bị. Và điều trăn trở nhất cho các cán bộ quản lý là chất lượng giảng dạy. Thầy Phạm Văn Tân, Hiệu trưởng Trường TH Mạc Đĩnh Chi, chia sẻ: “Mỗi lớp sĩ số từ 45 HS trở lên. Chúng tôi cố gắng trang bị chuẩn kiến thức cho tất cả HS. Những lớp 1 buổi, giáo viên sẽ gặp khó trong giảng dạy, quản lý, bao quát lớp. Do vậy Ban giám hiệu phải đặc biệt quan tâm và tổ chuyên môn cũng phải hỗ trợ để giáo viên chủ nhiệm những lớp này hoàn thành tốt công tác giảng dạy. Hội đồng sư phạm trường cùng chăm lo số HS yếu kém”.
Theo ông Trần Văn Thiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều, đáp số cho bài toán chạy trường trên đây cũng là mục tiêu mà quận đang phấn đấu. Ông Thiếu cho biết: “Chúng tôi phối hợp Dự án nâng cấp đô thị đẩy nhanh thi công Trường TH Thới Bình (điểm B), đồng thời tham mưu với Quận ủy, UBND quận nhanh chóng xây dựng các trường đang bức xúc vì xuống cấp nặng như: TH Xuân Khánh 2; Cái Khế 1, Cái Khế 2, An Phú… theo hướng mở rộng diện tích và qui mô cơ sở vật chất. Khi trường lớp mở rộng, khang trang, giải quyết học 2 buổi, bán trú… sẽ tạo điều kiện thu hút phụ huynh HS, giải tỏa áp lực cho các trường điểm”.
Cách nào để ngăn chặn chạy trường?
Vấn đề không chỉ là xây dựng thêm trường học bởi thực tế tuyển sinh năm học 2013-2014 này cho thấy sự quá tải trong tuyển sinh lớp 1 của quận Ninh Kiều hoàn toàn không do tình trạng gia tăng dân số vì “heo vàng”, mà bởi tình trạng tăng dân số cơ học do người dân từ các địa bàn khác đến xin tạm trú, hoặc có sự chuyển đổi hộ khẩu trong cùng một địa bàn. Bởi phụ huynh nào cũng muốn con cái học tại ngôi trường đẹp, khang trang, với chất lượng giáo dục đã được xã hội thừa nhận. Đề cập yếu tố này, thầy Trương Hoài Phong, Hiệu trưởng Trường TH Võ Trường Toản, lo lắng: “Nếu phụ huynh từ các nơi khác tiếp tục dồn về Ninh Kiều trong khi cơ sở vật chất có giới hạn, sẽ khiến trường lớp trong quận quá tải, dù được mở rộng đến đâu. Đối với tuyển sinh đầu cấp, chúng tôi mong công an quận giúp xác định những trường hợp thật sự ở tại khu vực, và trường hợp chỉ có tên trong hộ khẩu”.
Cô Quách Thu Hương, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều cũng cho biết: Vừa qua công an quận kết hợp các trường thẩm tra tại những địa bàn gia tăng HS tạm trú, đã phát hiện nhiều trường hợp hộ khẩu tăng số khẩu một cách đột biến, như 1 hộ mà có 3 trẻ 6 tuổi mới nhập hộ khẩu. “Do vậy để giải quyết vấn đề chạy trường thông qua chạy hộ khẩu, theo tôi, các ban ngành, nhất là ngành công an cần phối hợp chặt chẽ và chia sẻ với ngành giáo dục trong công tác tuyển sinh. Như vậy mới có thể khắc phục phần nào tình trạng di chuyển HS, tạo ra áp lực cho một số trường”, cô Hương yêu cầu.
Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)