Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Chú ý kỹ năng tính toán

Tạp Chí Giáo Dục

Theo cô Nguyễn Thị Hữu Hưởng – giáo viên Trường THPT Gia Định – cấu trúc đề thi giải tích thường có 4 chủ đề. Chủ đề 1 gồm: Khảo sát hàm số (hàm bậc 3, hàm trùng phương, hàm nhất biến) và các vấn đề liên quan đến khảo sát hàm số như biện luận số giao điểm, số nghiệm, phương trình tiếp tuyến, diện tích hình phẳng, thể tích vật thể tròn xoay. Chủ đề 2 là phương trình và bất phương trình mũ và logarit.  Chủ đề 3 là tính  tích phân (dùng các phương pháp đổi biến số, phương pháp tích phân từng phần), chủ đề 4 chỉ có số phức. Về hình học gồm hình học không gian (tính thể tích của các khối chóp, khối lăng trụ, khối cầu, khối nón) và phương pháp tọa độ trong không gian (lập phương trình mặt phẳng, phương trình đường thẳng, vị trí tương đối của đường thẳng và mặt phẳng, các bài toán về tính diện tích, thể tích, khoảng cách…). 
Cũng theo cô Hưởng, ngoài việc nắm được cấu trúc đề thi về bộ môn để định hướng cách làm bài đạt yêu cầu, HS còn phải bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng mà SGK và giáo viên yêu cầu.
Muốn nắm vững chuẩn kiến thức của chương trình THPT, trước đó người học phải biết hệ thống hóa toàn bộ kiến thức đã học trong các năm (từ học kỳ I sang học kỳ II). Ngoài việc nắm vững từng định lý, các công thức HS phải xác định được các dạng toán mẫu nằm trong từng chương, từng phần cụ thể.  Mỗi chương có bài tập cơ bản và bài tập nâng cao nên trước hết các em phải nắm được bài tập cơ bản để từ đó làm cơ sở và “bệ phóng” để giải tiếp các bài tập nâng cao. Cũng giống như các môn học về KHTN khác, chương trình bộ môn toán có rất nhiều bài, nhiều chương vì thế phải học kỹ không bỏ sót chương, bài nào. Cách học và cách ôn tùy thuộc vào từng cá nhân nhưng không được học tủ, tự đoán đề.
Khi tính toán phải cẩn thận và kỹ lưỡng, nếu không sẽ dễ bị nhầm lẫn rất đáng tiếc. Nhược điểm thường thấy ở một số HS khi làm bài là tính toán sai, hay nhầm lẫn mà nguyên nhân chính là do thiếu cẩn thận và quá vội vàng rồi không kiểm tra lại. Những bài thi dưới trung bình thường mắc phải lỗi này nên dẫn đến sai dây chuyền, bị mất rất nhiều điểm. Ví dụ, nếu viết sai phương trình tiếp tuyến thì sẽ kéo theo việc tính sai luôn diện tích hình phẳng vì đó là những kiến thức liên quan, liên đới với nhau. Riêng bài toán hình học giải tích trong không gian các em cần trình bày kỹ, viết đúng ký hiệu, công thức và tất nhiên rất cần kỹ năng tính toán. Vì thế một nguyên tắc luôn ghi nhớ là sau khi làm bài xong phải kiểm tra kỹ lưỡng. Cách tốt nhất là giải ngoài giấy nháp trước, nếu sai thì sửa lại vì vẫn còn cơ hội.  Không nên viết vào bài thi một cách vội vàng khi còn nhiều thời gian.
Cô Hưởng lưu ý rằng, dù gặp dạng bài nào các em cũng nên tính thật kỹ, không được để sai bài này kéo theo sai bài khác vì như trên đã nói các kiến thức đều có quan hệ dây chuyền với nhau. Trong quá trình làm bài không nên máy móc, có khi phải thật linh hoạt, thấy bài nào dễ làm trước, bài khó làm sau để tiết kiệm công sức và tận dụng thời gian. Phải thật chu đáo, không được ẩu và vội vàng vì cẩn thận không bao giờ thừa cả.
P.N.Q (ghi) 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)