Trong giao tiếp hằng ngày, chúng ta thường sử dụng ngôn từ kết hợp với ngôn ngữ hình thể để thể hiện cảm xúc, sắc thái và ý nghĩa một cách sinh động, dễ hiểu. Các cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, giọng điệu và sự thay đổi trong tốc độ nói đều giúp truyền tải thông điệp với chiều sâu và sắc thái phong phú.
Tuy nhiên, trong văn viết, những yếu tố này không tồn tại; vì vậy người viết phải tìm cách sử dụng ngôn từ một cách tinh tế để thay thế ngôn ngữ hình thể và giọng điệu, đồng thời truyền tải cảm xúc và sắc thái biểu cảm của mình. Điều này đặt ra một thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để phát triển kỹ năng viết và diễn đạt một cách hiệu quả, nhất là với học sinh trong quá trình đang rèn luyện kỹ năng viết.
Sử dụng từ ngữ biểu cảm, giàu sắc thái
Một trong những phương tiện quan trọng nhất để biểu đạt sắc thái trong văn viết chính là lựa chọn từ ngữ. Các từ ngữ biểu cảm, giàu sắc thái có thể thay thế cho các cử chỉ và biểu cảm khuôn mặt trong giao tiếp trực tiếp. Dĩ nhiên, với các hoàn cảnh khác nhau, các chủ thể khác nhau (mà bài viết hướng tới), với các xúc cảm khác nhau thì giá trị biểu cảm, sắc thái cũng phải khác nhau để bảo đảm tính hợp lý và đạt hiệu quả truyền tải cao nhất. Ví dụ, trong giao tiếp nói, khi một người cảm thấy phấn khích, họ có thể thể hiện điều này qua giọng điệu và sự thay đổi trong cử chỉ. Trong văn viết, người viết có thể sử dụng các từ ngữ mạnh mẽ, sinh động và phù hợp với cảm xúc đang muốn truyền đạt. Thay vì chỉ đơn giản viết “Cô ấy rất vui”, có thể dùng từ ngữ giàu sắc thái hơn như: “Cô ấy nở một nụ cười rạng rỡ, ánh mắt lấp lánh niềm vui”, hoặc “Cô ấy không thể giấu nổi niềm vui, trái tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực”. Việc lựa chọn từ ngữ phù hợp sẽ giúp người đọc cảm nhận được không chỉ thông tin mà còn cả trạng thái cảm xúc mà người viết muốn truyền tải.
Trong trường hợp khác, chúng ta có thể viết: “Con gái thỏ thẻ nói với mẹ…”, nhưng phải “Người mẹ dịu dàng/nhẹ nhàng/trìu mến bảo con gái…”, bởi các chủ thể khác nhau cần có cách diễn đạt khác nhau trong cùng một sắc thái biểu cảm (ở đây là sự nhẹ nhàng, thân mật trong ứng xử của hai nhân vật).
Chú ý mô tả chi tiết hành động, trạng thái cảm xúc
Khi không thể sử dụng ngôn ngữ hình thể, người viết có thể thay thế bằng các mô tả chi tiết về hành động, cử chỉ và trạng thái cảm xúc của nhân vật, tức là phải miêu tả cụ thể bằng các ngôn từ, cách thức phù hợp. Các mô tả chi tiết sẽ giúp người đọc hình dung được không khí, tâm trạng và các yếu tố tình cảm trong câu chuyện mà không cần phải có sự trợ giúp của giọng điệu hay cử chỉ. Ví dụ, thay vì chỉ đơn giản viết: “Anh ta tức giận”, người viết có thể miêu tả thêm về biểu cảm và hành động của nhân vật: “Anh ta siết chặt nắm tay, khuôn mặt đỏ bừng, ánh mắt bốc lửa nhìn thẳng vào đối phương”. Tương tự, thay vì chỉ viết “nhìn”, chúng ta có thể viết “quắc mắt”, “trợn mắt”, “trợn trừng”, “ánh mắt như có lửa”… Bằng cách này, người đọc không chỉ biết được cảm xúc của nhân vật mà còn cảm nhận được mức độ mạnh mẽ của cảm xúc ấy trong bối cảnh ấy qua ngôn ngữ mô tả chi tiết. Với học sinh, học cách diễn đạt này còn có ý nghĩa tăng vốn từ với các cách biểu đạt, sắc thái khác nhau, dùng trong từng hoàn cảnh khác nhau, với các đối tượng khác nhau…
Khéo léo sử dụng phép tu từ để làm nổi bật sắc thái cảm xúc
Trong văn viết, phép tu từ là một công cụ mạnh mẽ giúp làm phong phú thêm sắc thái biểu cảm. Các biện pháp như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh hoặc nhân hóa có thể giúp làm cho ngôn từ trở nên sinh động hơn, qua đó thể hiện được cảm xúc và tâm trạng mà người viết muốn truyền tải. Ví dụ, để biểu đạt sự lo lắng, người viết có thể sử dụng phép so sánh như: “Cảm giác lo âu bao trùm như một cơn mưa nặng hạt, không ngừng rơi xuống trong lòng”. Câu văn này không chỉ diễn tả được cảm giác lo lắng mà còn giúp người đọc hình dung và cảm nhận rõ nét hơn về cảm xúc đó. Hoặc: “Trong giây phút đó, tôi thấy mình như trở thành Từ Hải chết đứng giữa trận tiền”, thì hình tượng “Từ Hải chết đứng” biểu lộ trạng thái đứng đờ ra của con người khi bị tác động đột ngột, không ứng xử kịp nhất là trước những nỗi buồn, sự đau khổ bất ngờ…
Các phép tu từ cũng có thể giúp tăng cường sự tác động về mặt cảm xúc lên người đọc. Việc sử dụng ẩn dụ như “trái tim như đá” hoặc “làn sóng cuốn đi” có thể mang đến những cảm giác sâu lắng và mạnh mẽ hơn là việc sử dụng từ ngữ đơn giản.
Quan tâm cấu trúc câu và cách sắp xếp thông tin
Cách thức xây dựng câu văn cũng có thể ảnh hưởng đến sắc thái cảm xúc mà người viết muốn truyền tải. Cấu trúc câu đơn giản hoặc câu dài phức tạp có thể tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Câu ngắn, dứt khoát có thể tạo ra cảm giác gấp gáp, căng thẳng, trong khi câu dài, mạch lạc thường dùng để diễn tả những suy nghĩ sâu lắng, mơ màng. Vì vậy, khi diễn tả những hành động vội vàng, mạnh mẽ thì không nên dùng câu dài với nhiều mệnh đề, nhiều cụm chủ – vị; trái lại, với các câu miêu tả, có tính tâm tình thì nên dùng câu dài, diễn đạt các ý đan xen nhau. Ngoài ra, việc sắp xếp thông tin trong câu cũng cần phải cẩn thận. Việc đặt từ ngữ quan trọng, từ mang tính cảm xúc mạnh mẽ ở vị trí đầu hoặc cuối câu sẽ làm tăng độ nhấn mạnh và sắc thái cho câu văn. Ví dụ, câu “Nhưng anh không thể không thốt lên: “Cô ấy đã bỏ tôi!’”” thể hiện rõ ràng nỗi đau, sự thất vọng của nhân vật mà không cần phải nhờ vào ngữ điệu. Tương tự, chúng ta có thể so sánh câu trên với câu: “Anh thốt lên: “Cô ấy đã bỏ tôi!’””, sẽ thấy sự nhấn mạnh cảm xúc của hai câu trên rõ ràng là khác nhau.
Ngoài ra, một trong những phương pháp phổ biến trong văn viết để thể hiện cảm xúc là thông qua đối thoại. Lời nói của nhân vật có thể là công cụ quan trọng để thể hiện sắc thái biểu cảm, bởi chúng phản ánh tâm lý, suy nghĩ và trạng thái của nhân vật trong tình huống cụ thể. Các tác giả thường xuyên sử dụng đối thoại để thể hiện sự tranh luận, mâu thuẫn hoặc tình cảm giữa các nhân vật. Ngữ điệu trong đối thoại (như sự cắt ngang, sự thay đổi tốc độ, sự ngắt quãng) có thể giúp tạo ra các sắc thái cảm xúc mà chỉ thông qua từ ngữ đơn thuần sẽ khó thể hiện. Như vậy, khi chúng ta tường thuật lại cuộc trao đổi, trò chuyện, người đọc sẽ hình dung được bối cảnh, không khí, mức độ xúc cảm của các nhân vật, từ đó có thể đồng cảm với nhân vật và câu chuyện.
Trong văn viết, để biểu đạt sắc thái cảm xúc và biểu cảm một cách phù hợp, người viết cần phải vận dụng sự sáng tạo, lựa chọn từ ngữ cẩn thận, mô tả chi tiết và sử dụng các biện pháp tu từ một cách tinh tế. Ngôn ngữ trong văn viết không chỉ đơn thuần là công cụ truyền tải thông tin mà còn phải là phương tiện thể hiện cảm xúc, tâm trạng và sắc thái phong phú, mang lại cho người đọc những trải nghiệm sâu sắc. Khi đó, văn viết không chỉ là một hình thức giao tiếp, mà còn là một nghệ thuật biểu đạt cảm xúc mạnh mẽ và sinh động. Do vậy, trong nhà trường, giáo viên cần quan tâm gợi ý, hướng dẫn, uốn nắn học sinh thực hành các bài viết (nhất là các bài tập làm văn, làm văn) sao cho đạt được hiệu quả cao nhất trong việc truyền tải cảm xúc cũng như các thông điệp đến với người đọc.
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)