Sở Y tế cần nghiêm hơn trong việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP tại các bếp ăn trường học |
Chiều 19-6, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở Y tế và các sở, ngành liên quan về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong 6 tháng đầu năm 2012.
Tại đây, ông Huỳnh Lê Thái Hòa – Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP (Sở Y tế) TP cho biết: “Theo cảnh báo về các sản phẩm không an toàn, chi cục đã tiến hành lấy mẫu giám sát chất Beta – Agonist trong thịt và nội tạng heo; đường hóa học, phẩm màu, chì trong kẹo; sữa bột; dầu giấm, xí muội, quả khô, mứt khô… Tổng số mẫu lấy 51, có 47 mẫu đạt. Bên cạnh đó, chi cục đã tiến hành thanh tra 326 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả có 202 cơ sở vi phạm, chiếm 62%. Trong 6 tháng qua, chỉ xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 11 người mắc. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2011 có 2 vụ với 462 người mắc”.
Đại diện Cục Quản lý thị trường TP cũng cho biết, trong 6 tháng qua đã kiểm tra gần 4.200 vụ, trong đó có gần 1.800 vụ vi phạm. Theo đó đã thu giữ gần 300 tấn hàng hóa gồm thịt heo, gà, trứng, bánh, kẹo, mứt, táo, xí muội… không đảm bảo ATVSTP.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, để ngăn chặn nguy cơ thực phẩm không an toàn lưu hành trên thị trường, sở đã tiến hành kiểm tra lấy mẫu test nhanh tại 3 chợ đầu mối. Thật may mắn là số mẫu không đạt chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Sở dĩ có được kết quả này là bởi TP.HCM đã ký kết hợp đồng với các địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng, Tiền Giang, Tây Ninh để cung cấp thủy sản, thịt heo, gà, trứng, rau…
“Các địa phương này đã cung cấp khoảng 75-85% sản lượng thực phẩm cho thành phố. Vì vậy, có thể khẳng định chất lượng ATVSTP trên địa bàn TP trong thời gian qua đã được cải thiện”, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP nói.
Tuy nhiên, theo bà Thi Thị Nhung – Phó ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP thì: Thực phẩm ở những chợ đầu mối tuy đảm bảo an toàn, có chất lượng nhưng khi đưa ra các chợ nhỏ lẻ, nhất là ở những chợ tự phái thì không còn an toàn nữa. Các quán cơm bình dân, khu công nghiệp – khu chế xuất có đông công nhân là những nơi tiêu thụ các sản phẩm không đảm bảo ATVSTP…
Ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP cũng tâm tư: “Mặc dù tình hình ATVSTP của TP có được cải thiện nhưng tôi vẫn chưa an tâm. Cụ thể, thực phẩm nhiễm vi sinh độc vẫn còn; việc buôn bán hóa chất phụ gia có bắt, có phạt nhưng vẫn chưa quản lý được; chất độc được thải ra từ các bao bì đựng thực phẩm, thức ăn… Tóm lại, với những cơ sở sản xuất, vì lợi nhuận, chuyện gì họ cũng dám làm, trong khi các cơ quan quản lý lại chưa mạnh tay xử phạt”…
Về việc này, đại diện Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Quản lý thị trường đều khẳng định là vẫn chưa hoàn toàn an tâm với ATVSTP. Trong đó, ông Hòa – Sở Y tế thừa nhận: “Hiện tại vẫn còn 5 vấn đề chúng tôi chưa an tâm. Đó là do tập quán nuôi nhỏ lẻ nên một số hộ dân khi có vật nuôi bị bệnh vẫn lén lút đem bán; hiện nước ta vẫn chưa có danh mục hóa chất nào cấm được sử dụng trong sản phẩm nào nên cơ quan chức năng không chủ động trong việc kiểm tra; việc kiểm soát hàng ngoại nhập còn khó khăn; ngộ độc cá thể cũng chưa kiểm soát được; thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ do người bán không được tập huấn, không được khám sức khỏe. Bên cạnh những điều chưa được an tâm thì cũng có hai điều an tâm. Cụ thể, TP đã quản lý được tình trạng ngộ độc cấp tính tập thể, bằng chứng là số vụ đang giảm dần; công tác thanh – kiểm tra cũng thường xuyên hơn, qua đó phần nào nâng cao ý thức của người sản xuất…”.
Để khắc phục những điều chưa an tâm về ATVSTP, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP cho rằng: Sở Y tế cần nghiêm ngặt hơn trong việc cấp giấy chứng nhận ATVSTP đối với những cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp – khu chế xuất; nhà hàng…
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bình luận (0)