Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Chùa bà già” và những mảnh đời hội tụ…

Tạp Chí Giáo Dục

Các cụ “hội tụ” tại “Chùa bà già”

Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở bến Bình Đông (phường 14, quận 8, TP.HCM), Chùa Lâm Quang còn được gọi với một cái tên quen thuộc – “chùa bà già”. Nơi đây hiện đang nuôi dưỡng hơn 100 cụ già không nơi nương tựa từ khắp nơi lưu lạc về để cùng nhau sống tiếp những năm cuối đời.
Điểm dừng chân cuối cùng
Nhìn bề ngoài, “chùa bà già” cũng tĩnh lặng như nhiều ngôi chùa khác ở thành phố nhưng phía sau chùa là các gian nhà nhỏ với những chiếc giường kê sát nhau. Khoảng không gian chật hẹp này là nơi chứa tất cả gia tài của các cụ, từ quần áo, đồ dùng cá nhân đến những vật kỷ niệm mà các cụ mang theo.
Tại “mái nhà chung” này, có những cụ còn đi lại bình thường, nhưng không ít cụ phải nằm liệt giường, có cụ trí nhớ còn minh mẫn, có cụ bị tâm thần nhẹ nhưng cũng có cụ hoàn toàn không biết mình là ai…
15 năm qua, kể từ khi sư cô Thích Nữ Huệ Tuyến về làm trụ trì, Chùa Lâm Quang đã đón nhận và chia tay với không biết bao nhiêu cụ già neo đơn. Sư cô Huệ Tuyến kể lại: “Từ nhỏ, khi nhìn thấy các cụ già sống lang thang ở ngoài đường tôi đã cảm thấy rất bất an cho cuộc sống của các cụ và chỉ muốn có một ngôi nhà tập trung các cụ lại, để các cụ có một nơi sưởi ấm lúc cuối đời”. Khi về làm trụ trì ở chùa, cô và các sư cô ở đây bắt tay thực hiện ước mơ của mình.
Mỗi ngày, cứ đến 8 giờ sáng, các sư cô lại thay nhau bế các cụ đi tắm. Hiện, chùa có 15 sư cô đảm nhận trách nhiệm chăm sóc từ khâu ăn uống đến vệ sinh cho các cụ. Một sư cô chia sẻ: “Chúng tôi đều không vướng bận chuyện chồng con nên quyết định đón các cụ về đây để phần nào giúp các cụ có thêm niềm vui khi bước vào độ tuổi xế chiều”. Ngoài việc chăm nom, giúp đỡ về sinh hoạt hàng ngày, các sư phải tìm hiểu thêm về tâm lý người già để trò chuyện giúp các cụ vơi bớt sự cô đơn, trống trải.
Những mảnh đời riêng
Hầu hết, những cụ già đến Chùa Lâm Quang đều không có con cháu, sống thui thủi một mình vì thế họ luôn cảm thấy cô đơn. Ngày trước họ cũng đi làm, có cụ bán vé số, có cụ lượm ve chai, có cụ phải lang thang xin ăn sống lay lắt qua ngày… Và cho đến cuối đời, họ vẫn không có một mái nhà nương thân, không có con cháu để cùng nhau sum vầy. Họ là những mảnh đời, những số phận côi cút vô tình được họp lại cùng nhau tại Chùa Lâm Quang.
Cụ Nguyễn Thị Thu, năm nay gần 80 tuổi, là thành viên của mái ấm này đã được 6 năm đang ngồi khâu lại chiếc áo sờn vai. Cụ Thu nói trong nước mắt: “Tôi cũng có một đứa con trai nhưng hiện giờ nó đang sống bên Mỹ. Nó đi Mỹ cách đây 7 năm và cũng từ đó tôi không biết tin tức gì về nó nữa. Có mỗi thằng con nên tôi nhớ nó lắm! Ngày nhớ, đêm nằm ngủ lại mơ thấy nó, tỉnh dậy chỉ ngậm ngùi khóc cho số phận của mình chứ chẳng biết xoay xở như thế nào”.
Cụ Nguyễn Thị Kim Liên, quê ở Kiên Giang, năm nay đã 71 tuổi ngậm ngùi kể: “Tôi có một mụn con và đứa cháu ngoại. Cả nhà sống hạnh phúc trong một phòng trọ nhỏ. Thế nhưng, chúng nó đã lần lượt bỏ tôi ra đi. Tôi tuổi già sức yếu nhưng sao ông trời không cho tôi ra đi thay cho tụi nó để cuối đời phải vào sống nương nhờ cửa chùa thế này. Vào đây, tôi vừa mừng vừa tủi khi bất ngờ gặp chị gái mình đã lưu lạc bao nhiêu năm nay. Ngày ngày, mấy tấm thân già chúng tôi được các sư chăm sóc, kể chuyện cho nghe nên cũng thấy vơi bớt nỗi cô đơn”.
Từ khi nhận các cụ về đây sinh sống, chùa đã làm lễ tiễn đưa 115 cụ về với đất. Các cụ qua đời được chùa lo hậu sự và hỏa táng rồi gửi tro cốt ở chùa để cúng kiếng. Tất cả những cụ già đã và đang sống ở đây đều có những hoàn cảnh, những mảnh đời bất hạnh riêng. Có người đơn độc một mình, có người lại bị con cháu hắt hủi, ghẻ lạnh phải vào nương náu cửa Phật ở cái tuổi gần đất xa trời. Thậm chí, có cụ còn bị con đưa lên taxi chở đến chùa, khi nhà chùa hỏi cụ cũng không thể nhớ rõ nhà mình ở đâu để mà về nữa.
Bài, ảnh: Hà Xuyên

Những cuộc đời riêng ấy đã hội tụ dưới “mái nhà” này. Tuy được các sư cô chăm sóc tận tình nhưng các cụ vẫn cần lắm sự sẻ chia yêu thương của con cháu. Các buổi chiều mùa mưa, trên chiếc giường nhỏ của riêng mình, các cụ vẫn ngồi đó khắc khoải nhìn ra cửa như đang chờ đợi, ngóng trông người thân đến đón về.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)