Súc miệng bằng nước muối loãng 3 đến 4 lần/ngày sẽ đẩy lùi được bệnh viêm họng. Ảnh: T.L |
Do thời tiết thay đổi cũng như ăn uống thất thường, nhiều người bị các căn bệnh như viêm họng hay đầy bụng khó tiêu “tấn công”. Tuy nhiên, nếu biết chữa trị và phòng ngừa đúng cách thì hai bệnh này không cần phải đến bệnh viện như một vài bệnh khác.
Khó chịu do viêm họng
Thời gian gần đây, cổ họng anh Vũ Xuân Hiệp (ngụ đường số 10, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) luôn ngứa rát. Há miệng soi vào gương thì anh thấy sưng đỏ không bình thường. Nhất là vào buổi tối và cả khi về sáng, anh cứ ho liên tục. Vốn có cách chữa viêm họng bằng kinh nghiệm dân gian nên chị Lê Thị Mai – vợ anh Hiệp đã pha một lọ nước muối loãng cho chồng súc miệng mỗi ngày 3 đến 4 lần, chủ yếu vào buổi tối trước khi đi ngủ và sáng sớm lúc mới ngủ dậy. Nhờ kiên trì chữa bệnh mà chỉ sau vài ngày, hiện tượng sưng đỏ trong cổ họng của anh Hiệp dần dần giảm bớt, các cơn ho cũng không kéo dài như trước nữa.
Viêm họng là căn bệnh phổ biến ở nhiều nơi, không chỉ trong nước mà cả ở những quốc gia khác. Ngoài điều trị bằng thuốc tây, có rất nhiều bài thuốc chữa viêm họng hiệu nghiệm mà không gây ra biến chứng. Theo anh Hiệp, khi pha chế nước muối, không được để tỷ lệ muối quá cao mà có độ mặn vừa phải, không nên dùng muối iốt mà dùng muối cục sẽ có tác dụng hơn.
Bên cạnh đó, để đẩy lùi triệu chứng viêm họng, người bệnh có thể pha một thìa mật ong với một lượng nước nóng vào ly nhỏ để uống vì mật ong có chức năng kháng khuẩn tốt. Uống mật ong thường xuyên sẽ làm cho họng bớt sưng và tạo nên cảm giác thoải mái hơn.
Đầy hơi nặng bụng
Mặc dù mỗi bữa cơm em Nguyễn Văn Trai, HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Bình Thạnh, TP.HCM chỉ ăn 3 chén lưng nhưng luôn có cảm giác nặng bụng, no lâu và hơi mệt. Chính triệu chứng đó lại làm cho em cảm giác không muốn ăn gì nữa và khó chịu trong người. Khi hỏi mẹ, em được biết đó là triệu chứng khó tiêu hay còn gọi là đầy bụng. Theo TS.DS Nguyễn Hữu Đức – Trường Đại học Y dược TP.HCM – đây là căn bệnh rối loạn tiêu hóa mà nguyên nhân chính là do thức ăn bị ứ đọng trong dạ dày, quá trình tiêu hóa trong đường ruột không được tốt. Khi mắc bệnh này có người còn bị nóng rát vùng thượng vị, khó chịu do sự tích khí trong đường tiêu hóa. Để tránh căn bệnh này, người bệnh cần có hiểu biết về các loại thức ăn và ăn uống hợp lý hơn. Thay vì ăn nhiều chất béo thì nên dùng nhiều rau xanh dễ tiêu như mồng tơi, rau dền, rau ngót, bí đao. Đặc biệt, khi ăn không vội nuốt mà phải nhai kỹ, không vừa ăn vừa uống quá nhiều nước, nhất là các loại nước có ga có nồng độ cồn. Nếu nhai không kỹ thì dễ nuốt phải hơi gây chứng đầy hơi. Đối với trẻ nhỏ, khi cho bú cũng phải từ từ dù trẻ rất đói. Nếu bú mạnh và nhiều quá dễ bị ợ hơi và sặc. Kinh nghiệm dân gian ở nhiều phụ nữ là dùng tay vuốt nhẹ liên tục sau lưng trẻ trong và sau khi bú để đưa hơi xuống, tránh được tình trạng khó tiêu. Nhiều HS có thói quen ăn khuya sau khi học xong, điều này rất có hại cho sức khỏe vì dạ dày làm việc chậm hơn trong khi ngủ nên sáng sớm luôn có cảm giác no bụng kéo dài dù đã đi tiêu đi tiểu. Khi gặp phải triệu chứng khó tiêu, tránh làm việc nặng và cần phải nghỉ ngơi. Tốt nhất là hãy đi tắm dưới vòi nước hoặc ngâm mình trong hồ nước để bụng được massage, thư giãn đẩy các thức ăn và hơi khí từ dạ dày đi xuống ruột non, ruột già. Một tâm trạng sảng khoái và tinh thần minh mẫn sẽ đẩy lùi được những sự cố về sức khỏe như hai căn bệnh trên.
Ngọc Quang
Bình luận (0)