Húng chanh và húng quế là hai loại rau hay dùng trong các bữa ăn. Sau đây là một số cách ứng dụng hai loại rau này vào chữa bệnh thông thường, theo hướng dẫn của lương y Như Tá và lương y Quốc Trung.
Húng chanh
Theo Đông y, cây húng chanh (còn có tên là tần dày lá) có vị cay, tính ấm, có tác dụng giải cảm cho ra mồ hôi, chữa ho, tức ngực, cảm sốt (nóng, rét) nhức đầu và ngạt mũi, chữa viêm họng, dùng tắm ngoài chữa dị ứng.
Húng chanh – Ảnh: K.Vy |
Ứng dụng:
– Chữa bệnh cảm cúm sốt nóng, rét: Lá húng chanh 30g, gừng tươi 3 lát mỏng, hành tươi 3 củ (cả rễ, củ, lá). Đem tất cả sắc (nấu) lấy nước, cho bệnh nhân uống làm 2 lần trong ngày, uống lúc nước còn nóng ấm. Ngày uống 1 lượng như trên, và dùng liền trong 2 ngày.
– Chữa bệnh cảm lạnh, sốt: Lá húng chanh 15g, bạc hà 5g, tía tô 8g, gừng tươi 3 lát mỏng. Đem tất cả nấu lấy nước uống 1 lần trong ngày.
– Chữa ho, viêm họng: Hái vài lá húng chanh nhai, ngậm trong miệng một lát, rồi nuốt nước, bỏ xác.
Húng quế
Theo Đông y, húng quế có vị cay, tính nóng, có mùi thơm, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, giảm đau. Quả có vị ngọt và cay, tính mát, có tác dụng tốt cho thị lực. Toàn cây có tác dụng chữa cảm cúm, cảm sốt nhức đầu, nghẹt mũi, đầy bụng, kém tiêu.
Ứng dụng:
– Chữa bệnh cảm cúm đầy bụng: Húng quế 20g, húng chanh 10g, lá hồng bì 8g, vỏ quýt 6g. Đem tất cả nấu lấy nước để uống, chia làm 2 lần dùng trong ngày. Dùng 3 ngày liền như thế.
– Chữa mỡ máu cao: Lấy hạt húng quế 5-10g đem hãm với nước sôi cùng với đường và mật ong thành một loại đồ uống có tác dụng giảm cholesterol máu…
– Chữa đại tiện táo kết: Hạt húng quế 5-10g, rau mồng tơi 50g. Đem cả hai nấu canh để ăn.
– Chữa viêm họng: Húng quế 20g, củ rẻ quạt 6g, gừng tươi 5 lát. Đem tất cả nấu lấy nước, và chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
– Chữa đầy bụng khó tiêu: Húng quế 20g, gừng tươi 5 lát đem sắc (nấu) lấy nước dùng trong ngày. Hoặc có thể ăn sống.
Khánh Vy / TNO
Bình luận (0)