Từ trước đến nay, chứng biếng việc nhà của đàn ông đã trở thành một căn bệnh trầm kha. Lý giải điều này quả thật có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, theo tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn thì việc chữa chứng biếng việc nhà của đàn ông không khó nếu mọi thứ được thay đổi từ “gốc”.
“Kể tội” những ông chồng lười
Chị Bích Ngọc (40 tuổi, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) “kể tội” ông chồng của mình: “Chồng tôi gì đâu mà lười quá. Mấy hôm trước, nhà tổ chức tiệc tất niên, tôi kêu ổng phụ một tay cho vui. Nhưng ổng thì cứ nằm ì trên giường xem ti vi. Khi làm món thịt nướng, tôi sực nhớ là quên mua một ít hạt mè, kêu ổng đi mua thì ổng nói, thiếu hạt mè ăn cũng được chớ có sao đâu. Vậy là tôi cũng mất hứng nấu ăn luôn… Chưa hết, cận Tết, tôi mang hết chăn ga gối, rồi tháo hết màn cửa sổ xuống giặt. Xong nhờ ổng treo lại vậy mà ổng cũng tìm cách tránh né. Vậy là một trận cãi nảy lửa đã xảy ra. Tánh ổng hiền lành, ít nói nhưng lại lười việc nhà không chịu giúp vợ một tay khiến tôi chán nản vô cùng…”.
“Chúng tôi kết hôn đã hơn 2 năm, hiện có một con gái mới 7 tháng tuổi nhưng chồng tôi vô tâm, biếng việc nhà quá làm tôi thật mệt mỏi và chán nản. Khi tôi có thai, anh đi làm nhậu nhẹt đến tận 11-12 giờ đêm mới về. Khi ở nhà thì cũng chẳng quan tâm đến vợ, cứ ngồi đọc báo, xem phim, không hề động tay động chân đến việc nhà. Tôi thì quần quật suốt, mở mắt ra là lo cho con, con ngủ tranh thủ làm việc nhà, việc công ty. Người biết nghĩ thì sẽ phụ vợ việc nhà, thế mà anh vô tâm quá”, chị Thanh Thảo, Q.3, TP.HCM chia sẻ!
Chị Hoàng Anh (Q.7, TP.HCM) than thở: “Tôi đi công tác nước ngoài chỉ vỏn vẹn có 10 ngày vậy mà khi quay trở về thì hỡi ôi, nhà như một bãi chiến trường ngổn ngang trăm mối. Quần áo dơ bẩn thì chất đầy cả chiếc máy giặt và tràn ra cả hai thau to, chén thì không lấy một cái sạch, con cái thì đen sạm đến mức khó có thể nhận ra được… Cơm hộp và mì gói trở thành món ăn thường xuyên và liên tục cho ba cha con… Tất cả cũng chỉ vì chứng biếng việc nhà của ông chồng kỹ sư hóa thực phẩm mà tôi đã chọn…”.
Chữa chứng biếng việc nhà của đàn ông không khó
TS.Huỳnh Văn Sơn cho biết, thực tế không phải không có những quý ông chồng biết chia sẻ việc nhà, thậm chí còn có những khả năng cũng hết sức đáng khâm phục khi giải quyết công việc nhà, tuy nhiên số lượng này ít hơn. Những nghiên cứu khác nhau về chứng biếng việc nhà ở đàn ông châu Á cho thấy tỉ lệ này lên đến 70-80% ở các nước khác nhau. Một số quốc gia có truyền thống gia đình khá “cổ” thì số lượng đàn ông nhát việc nhà lại có khuynh hướng cao hơn cả một số quốc gia hiện đại. Điều giản đơn là chính những suy nghĩ cởi mở, thông thoáng, chính sự tôn trọng đích thực cùng những suy nghĩ về vấn đề bình đẳng giới làm cho cánh mày râu ngày càng công bằng hơn khi phân công lao động dù chỉ là lao động trong gia đình.
Chữa chứng “nhát việc” nhà của đàn ông không khó nếu mọi thứ được thay đổi từ “gốc”. Thay đổi quan niệm chia sẻ công việc này phải bắt đầu từ việc giáo dục gia đình. Nếu trong gia đình, chính cha mẹ là những người làm gương, chính những phân tích rất nhẹ nhàng và sâu sắc nhưng có sự đồng cảm của người mẹ sẽ là những tác động rất có giá trị trong việc thay đổi nếp nghĩ và thói quen của người đàn ông. Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là chính những bà vợ – người trong cuộc phải tập cho gia đình có một nếp sống cùng chia sẻ, động viên trong vấn đề giải quyết việc nhà thì mọi thứ sẽ có thể thay đổi dù chỉ từng chút, từng chút một.
Ở một góc độ khác, những người đàn ông nên hiểu rằng hỗ trợ việc nhà, giải quyết việc nhà không có nghĩa giá trị mình bị giảm sút mà ngược lại những giá trị của con người, của tình yêu có thể gia tăng một cách đặc biệt… Một hành động rất nhỏ như nhặt giúp vợ hai cọng rau, bê hộ vợ ba cái chén… dù rất giản đơn nhưng đấy là tình yêu và trách nhiệm. Đó cũng chính là những hành động thiết thực để “trị liệu” bệnh lười việc nhà và cũng là những hành động rất thiết thực tạo ra sự bình đẳng đích thực về mặt giới tính dưới góc độ nhân văn.
Theo một báo cáo khoa học của Đại học Cambridge (Anh) thì đàn ông làm việc nhà sẽ hạnh phúc hơn. Họ nghiên cứu trên kết quả khảo sát 30 nghìn người đàn ông của 7 quốc gia, thấy được đàn ông nói thật về chuyện… vào bếp với vợ. Đa số đàn ông đều công nhận rằng, vì họ vào bếp cùng vợ, nên họ tự tin và hạnh phúc hơn.
Minh Anh
Bình luận (0)