Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chữa chứng hôi chân

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bàn chân của chúng ta là một trong những vị trí chứa nhiều tuyến mồ hôi nhất của cơ thể, cộng với việc chân thường phải mang giày, vớ thường xuyên, nên thường có mùi hôi khó chịu.

Mang giày, vớ suốt cả ngày, cộng với bàn chân có nhiều tuyến mồ hôi, là môi trường rất thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển gây ra mùi khó chịu.

Ảnh: shutterstock
Mùi hôi do mồ hôi chân có thể do nhiều nguyên nhân như: thay đổi nội tiết, ra mồ hôi quá nhiều do căng thẳng, chế độ ăn uống hoặc dùng một số loại thuốc. Phần lớn những người bàn chân bị hôi thường do họ có tuyến mồ hôi hoạt động quá mức ở bàn chân. Mặt khác, do luôn có các vi khuẩn phân hủy cư trú ở ngay lớp tế bào sừng, khi mồ hôi tiết ra nhiều làm lớp tế bào sừng ngoài cùng luôn bị thấm đẫm trong mồ hôi, các tế bào này càng bị ngâm trong mồ hôi lâu thì các vi khuẩn phân hủy càng hoạt động mạnh, làm thoát ra mùi hôi.
Phòng tránh
Cách tốt nhất để tránh hôi chân là cần giữ vệ sinh đôi bàn chân sạch sẽ mỗi ngày; lau chân khô hoàn toàn sau khi tắm rửa bằng khăn bông mềm, chú ý các khe, kẽ giữa các ngón chân. Hãy đi vớ sạch, thay vớ mỗi ngày; dùng những loại vớ có chất liệu ngấm được mồ hôi; dùng các bộ lót chân cho giày để giúp hấp thụ mồ hôi dư thừa và tạo ra một mùi thơm dễ chịu hơn.
Những người bị hôi chân cần tránh dùng giày dép nhựa, nên sử dụng giày làm bằng da, vải bạt hoặc vải lưới bởi chúng sẽ giúp đôi chân được thông thoáng hơn.
Trong ngày, nên để chân trần thoáng mát trong lúc nghỉ ngơi, hạn chế mang giày vớ. Ngoài chữa trị, cần phải khử trùng cho giày và vớ bằng cách phơi dưới ánh nắng mặt trời và dùng nước nóng, xà bông để giặt vớ kỹ nhằm diệt bào tử của vi nấm gây hôi chân. Cần lưu ý chăm sóc đôi chân của mình thường xuyên, đặc biệt là trong mùa nắng nóng.
Chữa trị
Những người bị hôi chân, nếu cải thiện một số điều kiện như trên vẫn không hết thì nên đến khám ở bác sĩ chuyên khoa da liễu. Với những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội. Tùy từng trường hợp mà cách chữa khác nhau, chẳng hạn nếu chân hôi do nấm thì phải dùng thuốc kháng nấm; một số trường hợp nặng sẽ phẫu thuật cắt chọn lọc dây thần kinh giao cảm để kiểm soát tăng tiết mồ hôi chân.
Một số cách dân gian có thể áp dụng cho người hôi chân như: Dùng rau thì là đem nấu với cỏ sữa để lấy nước uống chữa tình trạng hôi chân, hai loại này có thể nấu chung hoặc riêng. Hoặc mỗi ngày, khi rửa chân, lấy khoảng 50g phèn chua pha vào nước ấm và ngâm chân khoảng mươi phút cũng có hiệu quả, làm cho mùi hôi chân giảm đi. Hay có thể dùng cách ngâm chân trong nước trà đậm hoặc giấm pha loãng sẽ giúp phần nào hạn chế mùi hôi của chân thoát ra (mỗi ngày làm một lần). Hoặc mỗi ngày ngâm chân một lần vào nước muối loãng hoặc nước thuốc tím vào buổi tối khoảng 30 phút, bệnh cũng sẽ được cải thiện nhiều.
BS Hoàng Tuấn Long / TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)