Từ trước đến nay, chứng lười việc nhà của đàn ông đã trở thành căn bệnh trầm kha. Lý giải điều này quả thật có nhiều cách thức khác nhau nhưng tiếp cận từ góc độ tâm lý cho thấy có nhiều lý do thật sự đáng suy ngẫm.
Người đàn ông nên hiểu rằng hỗ trợ việc nhà cho vợ không có nghĩa là giá trị mình bị giảm sút mà ngược lại tình yêu có thể gia tăng một cách đặc biệt… (ảnh chỉ mang tính minh họa)
Anh Tuấn – nhân viên PR ở một công ty quảng cáo tâm sự “Một trong những cái sợ nhất khiến anh ta phải tránh về sớm đó là bị vợ bắt phụ việc nhà. Nỗi căng thẳng của anh thường xuất hiện khi nghe: “Anh ơi, phụ em nhặt rau, anh ơi phơi giúp em mấy chiếc áo đã giặt”… Dần dà anh né luôn cả những buổi sáng chủ nhật cùng làm việc nhà với vợ mà hai người quy ước với nhau khi chuẩn bị cưới xin… Có lúc anh nghĩ hơi bất công cho vợ vì chuyện nhà cứ do vợ đảm trách nhưng nỗi sợ hãi và cái lười của anh vẫn là yếu tố thắng thế.
“Chúng tôi kết hôn đã hơn 2 năm, hiện có một con gái mới 7 tháng tuổi nhưng chồng tôi vô tâm, lười việc nhà quá làm tôi thật mệt mỏi và chán nản. Khi tôi có thai, anh đi làm nhậu nhẹt đến tận 11-12 giờ đêm mới về. Khi ở nhà thì cũng chẳng quan tâm đến vợ, cứ ngồi đọc báo, xem phim, không hề động tay động chân đến việc nhà. Tôi thì quần quật suốt, mở mắt ra là lo cho con, con ngủ tranh thủ làm việc nhà, việc công ty. Người biết nghĩ thì sẽ phụ vợ việc nhà, thế mà anh vô tâm quá”, chị Nga My – Q.3 – TP.HCM chia sẻ!
Ngày nay nhiều người đàn ông đã dần quên việc giúp việc nhà cho vợ hay cùng vợ làm việc nhà. Điều đơn giản mà quý ông cứ suy nghĩ và biện bạch vì chúng ta là đàn ông, các bà ấy là đàn bà… Có ông còn mạnh miệng bảo rằng cũng phải thôi vì ngay từ xưa ông bà chúng ta cũng đã dạy chữ “công” đứng hàng đầu trong tứ đức của người phụ nữ cơ mà? Mặt khác, nhiều ông chồng còn mạnh dạn tuyên bố bà ấy thì có làm việc gì đâu, ô sin thì cũng đã có… mấy việc nhà nếu có làm thì cũng mang tính chất quản lý ấy mà!!!
Chữa chứng lười việc nhà của đàn ông không thực khó nếu mọi thứ được thay đổi từ “gốc”. Thay đổi quan niệm chia sẻ công việc này phải bắt đầu từ việc giáo dục gia đình. Nếu trong gia đình, chính cha mẹ là những người làm gương, chính những phân tích rất nhẹ nhàng và sâu sắc nhưng có sự đồng cảm của người mẹ sẽ là những tác động rất có giá trị trong việc thay đổi nếp nghĩ và thói quen của người đàn ông. Trong việc giáo dục ở môi trường học đường, những giá trị con người những yêu cầu phân công lao động cũng như quan niệm về hành vi giới tính – trách nhiệm của mỗi người với cuộc sống được phân tích một cách hợp lý, việc giáo dục giới tính đặc biệt là nam tính và nữ tính không nên được phân tích theo kiểu chủ quan, “mặc định cổ hủ” thì chứng bệnh này chắc chắn sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên, điều quan trọng nữa là chính những bà vợ – người trong cuộc phải tập cho gia đình có một nếp sống cùng chia sẻ, động viên trong vấn đề giải quyết việc nhà thi mọi thứ sẽ có thể thay đổi dù chỉ từng chút, từng chút một. Ở một góc độ khác, những người đàn ông nên hiểu rằng hỗ trợ việc nhà, giải quyết việc nhà không có nghĩa giá trị mình bị giảm sút mà ngược lại những giá trị của con người, của tình yêu có thể gia tăng một cách đặc biệt… Một hành động rất nhỏ như nhặt giúp vợ hai cọng rau, bê hộ vợ ba cái chén…, dù rất giản đơn nhưng đấy là tình yêu và trách nhiệm. Đó cũng chính là những hành động thiết thực để “trị liệu” bệnh lười việc nhà và cũng là những hành động rất có thiết thực tạo ra sự bình đẳng đích thực về mặt giới tính dưới góc độ nhân văn.
Sơn Huỳnh
Bình luận (0)