Có nhiều đồn đoán quanh việc giá đôla trong ngân hàng tăng mạnh trong những ngày gần đây. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định, chưa có áp lực lên tỷ giá chính thức.
Áp lực tỷ giá chưa xảy ra ở thời điểm này, tuy nhiên, nếu để tỷ giá giảm quá sâu là điều đáng lo ngại cho tương lai. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn, giá USD tăng trong vài ngày gần đây có thể do một số nhà băng đang mua vào ngoại tệ để cân bằng trạng thái bán ra trước đó. Điều này làm cầu ngoại tệ trên thị trường tăng, đẩy giá đôla đi lên.
Trong khi đó, phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại TP HCM cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước mua một lượng ngoại tệ khá lớn (1,2 tỷ USD) để tăng dự trữ ngoại hối trong tháng 5 làm giảm lượng cung ngoại tệ trong lưu thông.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội thì nhận định, giá đôla tăng trong vài ngày gần đây có thể do ảnh hưởng từ thông tin Nhà máy lọc dầu Dung Quất tạm ngưng hoạt động 2 tháng để bảo dưỡng. "Một số người đồn đoán về khả năng phải nhập khẩu xăng dầu nhiều hơn khiến nhu cầu ngoại tệ tăng cao, làm giá đôla chịu tác động tâm lý tăng lên", ông này nói.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn lại nhìn nhận, việc tăng tỷ giá giao dịch khoảng 100-200 đồng một đôla trong vài ngày gần đây là một sự điều chỉnh hợp lý. "Sự tăng giá này không có gì đáng lo ngại vì vẫn nằm trong tầm kiểm soát an toàn của Ngân hàng Nhà nước", ông Sơn nhận đinh.
Một thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, trong ngắn hạn, tỷ giá vẫn ổn định do đồng đôla Mỹ đang mất giá quá mạnh trên thị trường thế giới, Việt Nam nếu có muốn cũng không dễ làm mất giá tiền đồng hơn nữa. "Kỳ vọng lạm phát hiện không còn lớn, do đó, áp lực đối với tỷ giá thời gian tới không quá lớn", ông này nói.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho rằng, việc một số ngân hàng đồng loạt nâng mạnh giá mua bán đôla Mỹ (tới 200 đồng), sau đó lại giảm nhẹ trong vài ngày gần đây là chuyện bình thường trong hoạt động của ngân hàng. Theo ông Hải, tỷ giá hiện nay không có gì đáng lo ngại vì vẫn tuân theo quy luật thông thường là dao động theo thị trường. Nếu cầu lớn hơn cung, đương nhiên ngân hàng phải tăng giá để mua được nhiều và ngược lại nếu cung lớn hơn cầu, giá sẽ giảm đi.
Ông Lê Đức Thọ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương (Vietinbank) cũng cho rằng, việc tỷ giá bị đẩy cao lên, sau đó hạ xuống cũng là biểu hiện bình thường của thị trường. Nguyên nhân có thể do các ngân hàng có nhiều khoản bán ứng đôla cho hoạt động nhập khẩu, hoặc mua vào mạnh hơn để cân đối việc đã bán ra trước đó… chứ không có gì bất thường.
Về áp lực tỷ giá khi thị trường tự do tăng nhiệt, ông Thọ cho rằng với tình hình hiện tại, chưa có áp lực với tỷ giá trong ngân hàng, việc nâng, hạ giá mua bán đôla Mỹ vẫn nằm trong biên độ cho phép. Bên cạnh đó, giá đôla tự do biến động theo ngân hàng, thậm chí còn thấp hơn nên chưa có gì đáng ngại.
Lệ Chi- Tuệ Minh (Theo VNE)
Bình luận (0)