Mặc dù có biển cấm câu cá ở các tuyến kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tàu Hủ… (TP.HCM) nhưng hàng ngày tại các kênh này người dân vẫn tụ tập câu cá từ sáng sớm đến tận khuya.
Ăn không hết đem bán
Theo người dân, khoảng một tháng trở lại đây, về đêm không còn người dân sử dụng xung điện để bắt cá như trước nhưng tình trạng câu vẫn diễn ra công khai. Ghi nhận tại kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn qua địa bàn Q.Phú Nhuận và Q.1 mỗi ngày có hàng trăm lượt người đến câu cá, đông nhất là từ 16 giờ đến 23 giờ. Ông Nguyễn Văn Tuấn, người dân ngụ đường Hoàng Sa, P.14, Q.Phú Nhuận bức xúc: “Có không ít người đều đặn mỗi ngày khệ nệ đồ nghề ra đây câu. Sau 3-4 giờ câu, họ ra về với túi cá nặng trịch, nhìn mà xót xa”. Ông Tuấn cho biết thêm, chẳng phải ai đâu xa lạ, một số người ở gần đây cứ thoải mái mang vợt ra kênh vớt cá phóng sanh vào các ngày 30, mùng 1, 14 và 15 hàng tháng. “Đêm xuống là đi vớt, mỗi lần vớt vài chục ký”, ông Tuấn nói.
Cách đó không xa, đoạn kênh giữa cầu Hoàng Hoa Thám và cầu Bông, thuộc địa bàn P.Tân Định, Q.1 giờ nào trong ngày cũng có người câu, mặc dù khu vực này có nhiều biển cấm câu cá và panô tuyên truyền. Người câu đủ mọi thành phần, có già, trẻ, gái, trai. Người câu giải trí. Cũng lắm người câu để cải thiện bữa ăn, thậm chí là bán. Như một thanh niên mà chúng tôi tiếp xúc chẳng ngại: “Em đi câu có cá là bà chủ tiệm cơm gần nhà mua hết. Hôm thì bà kho, nấu canh chua bán cho khách, bữa thì xẻ phơi làm khô”. Họ mua bao nhiêu 1kg? Tôi hỏi. “Cũng tùy loại cá điêu hồng, cá rô phi hay cá chép và tùy trọng lượng”, người này trả lời. Anh ta còn cho biết, trung bình mỗi ngày anh câu được 4kg cá các loại, bán rẻ cũng ngoài 100.000 đồng.
Câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, đoạn qua đường Trường Sa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM |
Cách đây chưa lâu, đồng loạt các phường của Q.3 cũng đã mở chiến dịch ra quân dẹp nạn câu cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Theo đó, trong ngày ra quân đầu tiên đã có hàng chục trường hợp bị xử lý, tịch thu cần tiêu hủy, buộc người câu phải thả cá xuống kênh. Tuy nhiên, tình trạng câu cá trái phép lại diễn ra ồ ạt ngay sau đó.
Theo quan sát của phóng viên, không ít người đi câu mang theo 2-3 cần câu/ người, mồi câu chế biến rất công phu hòng câu được nhiều cá, trong khi đó bản thân cho rằng: “Câu để giải trí”. Ông Hải, người từ lâu chọn điểm buông câu dưới gầm cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận nói như khoe: “Tui câu ở đây gần cả năm rồi. Cá nhiều vô kể, con nào nặng trên ký tui mới lấy, nhỏ hơn thì thả lại”. Là dân câu chuyên nghiệp, mỗi cần câu máy, ông Hải mắc 3 lưỡi câu (thường gọi câu chùm). Theo ông: “Cá ăn mồi nhưng không cắn câu thì cũng bị lưỡi móc vào đâu đó”. Đó là một trong những hình thức câu cá tàn sát, tận diệt mà dân câu chuyên nghiệp áp dụng.
Kiến nghị xử phạt
Mới đây, UBND TP.HCM có chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu về công tác quản lý kênh, rạch nội thành. Trong đó đặc biệt lưu ý việc quản lý nguồn lợi thủy sản và xử lý tình trạng câu cá trái phép trên kênh Tàu Hủ – Bến Nghé; Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Tân Hóa – Lò Gốm.
Chủ tịch UBND một phường của Q.Tân Bình (đề nghị không nêu tên), cho biết lâu nay, địa phương cũng chỉ có thể tăng cường kiểm soát, tuyên truyền và nhắc nhở người dân không câu cá chứ chưa thể xử phạt. Nguyên nhân theo vị chủ tịch này là: Chưa có cơ sở pháp lý để xử phạt, phải chờ quy định ở trên thì mới dám làm. Cũng vì chưa có quy định cụ thể nên hiện nay, nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xử phạt hành vi câu cá trái phép trên kênh nên cấm thì mặc cấm, câu vẫn cứ câu.
Luật sư Nguyễn Thế Thông (Đoàn luật sư TP.HCM), đề xuất: “UBND TP.HCM đã giao cho Sở NN-PTNT TP.HCM tham mưu xử phạt thì đơn vị này mạnh dạn kiến nghị các hình thức xử phạt, mức phạt hành vi câu cá ở kênh rạch nội thành, bổ sung vào nghị định 103 năm 2013 của Chính phủ, quy định về xử phạt hành chính trong hoạt động thủy sản”.
Bài, ảnh: Trần Anh
Bình luận (0)