Lần ấy, dù đã lâu nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi. Đang làm việc tại trường, chuông điện thoại reo và tôi bắt máy. Chưa biết đầu cua tai nheo thế nào, tiếng cô giáo trẻ vừa khóc vừa nói: “Thầy ơi, mấy người đó chấm thi giáo viên giỏi “đánh” em rớt rồi!”.
Thì ra chuyện thi giáo viên giỏi vừa diễn ra cách đây hơn một tuần… Chắc lần này là buổi dự giờ cuối để đánh giá, xếp loại. Em cho biết việc chuẩn bị mất hàng tháng trời (kể cả mất ăn mất ngủ), học thuộc nhừ giáo án, kể cả cách xử lý những tình huống có thể xảy ra.
Vậy mà cuối cùng em không đạt, đó là một cú sốc cho em và cho nhà trường luôn đặt niềm tin vào năng lực của em. Việc bố trí giờ dạy cũng được “bốc thăm” dạy một lớp khác ở trường khác. Chỉ mới tiếp xúc một buổi, nên em cũng chưa nắm tình hình học tập bộ môn của học sinh như thế nào… Nhưng em vẫn cố gắng hết sức để hoàn thành bài giảng trước hàng chục giáo viên ngồi dự giờ, ghi chép, đánh giá…
Nhưng nhìn vậy mà không phải vậy! Sau này, theo em tâm sự, không phải tất cả sự đánh giá đều khách quan cả đâu! Trong ban giám khảo cũng có “phe quân đỏ, phe quân xanh”; nếu gặp “phe quân đỏ” thì dù lỗi nặng cũng thành nhẹ nhưng gặp “phe quân xanh” thì một lỗi nhẹ, lẽ ra bỏ qua nhưng vẫn không thoát được!
Thông thường các trường lớn, có quan hệ “thân thiết” với cấp trên thì luôn thắng thế trong các cuộc thi như thế này! Giáo viên các trường nhỏ, chưa có “thương hiệu” gặp nhiều bất lợi hơn! Hoặc giáo viên có mối quan hệ rộng rãi, “chịu chi” thì vẫn có “cơ hội” giành kết quả cao hơn những giáo viên khác…
Vì vậy, việc tổ chức thi giáo viên giỏi cần có lộ trình loại bỏ vì không những có tác dụng nâng cao trình độ thực chất (chỉ có nâng cao trình độ “diễn”) mà có nhiều điều ra tiếng vào về đội ngũ giám khảo. Rất kỳ khôi, bất hợp lý là trong thành phần ban giám khảo “cầm cân nảy mực”, do “cơ cấu” cho đủ thành phần nên có người chưa bao giờ đạt danh hiệu “Giáo viên giỏi” mà lại đi chấm thi giáo viên giỏi!
Thành ra, giáo viên dự thi vẫn chưa “tâm phục, khẩu phục” kiểu tổ chức thi, cơ cấu giám khảo và chấm thi như thế này! Giọt nước mắt của đồng nghiệp trẻ có thể nguôi ngoai nỗi buồn phần nào nhưng sự ấm ức, sự ức chế trong những giờ dạy vẫn còn đeo đuổi em mãi…
Lê Hoàng Sa (Sóc Trăng)
Bình luận (0)