Nhiều đại biểu lo ngại việc các trường không tuyển đủ là hệ quả của mở trường đại học ồ ạt, chất lượng kém, ông Luận phân tích và khẳng định: "Cho đến nay tất cả đều nằm trong quy hoạch, chưa có trường nào nằm ngoài quy hoạch, thậm chí số lượng trường chưa đủ theo quy hoạch và còn thiếu trường chất lượng cao".
Bằng khá giỏi mà thất nghiệp thì đó là “hàng giả”
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIII. Ảnh: GDTĐ
|
Cụ thể, đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên) hỏi: việc học sinh đi nước ngoài nhiều trong khi trường ta không tuyển đủ sinh viên, nguyên nhân của tình trạng này là gì, có phải do chất lượng đào tạo của ta kém? Bộ trưởng thừa nhận việc không tuyển đủ không phải chỉ năm nay một số trường mới không tuyển đủ mà đã có mấy năm qua rồi, có nguyên nhân: “Một số trường mới sau thành lập các nhà đầu tư không thực hiện nghiêm đảm bảo chất lượng, thiếu thầy cô, thiếu trường lớp như đại học Hoa Tiên (Hà Nam)”, bộ trưởng dẫn chứng. Thêm nữa, theo bộ trưởng Luận, thời kỳ trước, các trường phân ngành rõ chuyên ngành: kinh tế, nông lâm… nhưng hiện nay các ngành mở cao, nhà trường tự chủ nên đào tạo các ngành giống nhau, như kế toán, ngân hàng hầu như trường nào cũng có, vì vậy cả nước nói chung và các đại học vùng đều có, dẫn đên phân tán học sinh. Đặc biệt, sau khi bộ có chủ trương các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng trên mạng thì các trường không tuyển đủ do học sinh không lựa chọn.
“Các trường không tuyển đủ, yêu cầu hạ điểm sàn nhưng bộ vẫn kiên quyết giữ, không hạ để đảm bảo chất lượng đầu vào, có điều kiện đảm bảo chất lượng đầu ra”, ông Luận cương quyết.
Về vấn đề học sinh sinh viên đi học nước ngoài nhiều, bộ trưởng nói: “thế giới ngày càng phẳng, việc đưa đi học nước ngoài là dấu hiệu đáng mừng của đổi mới, cũng như đón học sinh nước ngoài vào Việt Nam học tập”.
Chưa hài lòng, đại biểu Tường ấn nút tiếp: nhiều em không đỗ đại học, đi học nước ngoài, trong khi các trường không tuyển đủ, làm sao để hạn chế tình trạng này? Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) hỏi thêm: Học sinh PTTH tốt nghiệp đều đỗ, vào đại học thì đến hẹn lại ra, nhưng chất lượng sinh viên ngày càng thấp, hàng nhái hàng giả cho xã hội dù bằng cấp vẫn khá giỏi… giải pháp nào để cải thiện chất lượng năm tới?
Bộ trưởng liệt kê một loạt giải pháp: Nâng cao chất lượng các trường trong nước: đang thanh tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhất là trường thành lập 10 năm lại đây, để có chấn chỉnh, nâng cao từng bước chất lượng. Chỉ tiêu tuyển sinh sẽ không tăng nóng như giai đoạn trước. Điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh chính quy, để làm quy mô đào tạo gần với điều kiện đảm bảo chất lượng; gắn đào tạo theo nhu cầu xã hội, thị trường lao động chứ không theo khả năng của trường
Không có chuyện mở trường vượt quy hoạch
Nhiều đại biểu lo ngại, việc các trường không tuyển đủ là hệ quả của mở trường đại học ồ ạt, chất lượng kém nên ra trường không có việc làm. Bộ trưởng dẫn số liệu cho hay: Trong 6 năm từ 2006-2011 có thêm 84 trường đại học, trong đó mở mới là 33 trường, nâng cấp từ cao đẳng lên 51 trường. Số trường công lập 59 trường, trong đó 5 trường quốc phòng an ninh; 35 trường tư. Đến nay cả nước có 202 trường đại học và 218 trường cao đẳng. Trong đó 3 năm đầu 2006-2008, thành lập 49 trường, 3 năm sau thành lập 35 trường, “như vậy số lượng năm sau đã có điều tiết, giảm hơn về xu thế”, ông Luận phân tích và khẳng định: Cho đến nay tất cả đều nằm trong quy hoạch, chưa có trường nào nằm ngoài quy hoạch, thậm chí số lượng trường chưa đủ theo quy hoạch và còn thiếu trường chất lượng cao.
Bức xúc về việc một số địa phương không tuyển sinh viên ngoài công lập mới đây, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) hỏi: Quan điểm của bộ có phân biệt đối với trường ngoài công lập?
Bộ trưởng đáp: Quan điểm của bộ là không phân biệt công – tư, tại chức – chính quy. Trường ngoài công lập cũng có học sinh học giỏi, xuất sắc. Trường công lập cũng có học sinh yếu. “Tuy nhiên từ thực tiễn một số địa phương từ chối thì người làm quản lý xem là tiếng chuông cảnh báo để nâng cao chất lượng đào tạo ngoài công lập, tại chức", bộ trưởng nói.
Theo Trung Đức (GHI)
SGTT.VN
Bình luận (0)