Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Chữa ho không cần thuốc

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Từ tháng mười là cao điểm hoạt động của vi khuẩn gây bội nhiễm đường hô hấp. Đã bội nhiễm đường hô hấp khó tránh không ho. Thế nhưng, nhiều người bị ho dai dẳng chỉ vì không biết tự bảo vệ mình.
Thời tiết càng lạnh, vi khuẩn càng… vui!
Bệnh đường hô hấp gồm có viêm mũi dị ứng, viêm họng hạt, viêm xoang, viêm phế quản… Thời tiết càng lạnh, nói đúng hơn là khác biệt nhiệt độ bên ngoài giữa trưa và tối càng cao, vi khuẩn càng vui. 
Nên nhớ là chỉ cần nhiệt độ trong vùng hầu họng giảm có hai độ thì hoạt tính của vi khuẩn sống chực chờ trong cổ họng, hốc mũi, chân răng, ống tai… được gia tốc cả chục lần! Lòng bàn chân chỉ cần lạnh không hơn 60 phút, như thường gặp ở người làm việc nhiều giờ trong phòng quá lạnh, thì cơ thể phản ứng sai lệch dưới hình thức viêm tấy niêm mạc cổ họng, thậm chí trên niêm mạc bàng quang!
Về mặt cơ chế, ho không chỉ là phản xạ vì kích ứng trên niêm mạc đường hô hấp của vi khuẩn, nấm mốc, vật lạ… Ho đồng thời là phản ứng phòng vệ của cơ thể nhằm tống khứ đàm nhớt. Về cơ bản, ho được thì tốt. Trên thực tế éo le chỉ ở điểm nhiều người hễ không ho thì thôi, nhưng lỡ ho thì ho hoài không dứt, thường khi kéo dài cả tháng, cho dù đã thử cả lố thuốc ho đủ loại.
Ho kéo dài là lý do khiến đường hô hấp dễ bị bội nhiễm thứ cấp, khiến nạn nhân khan tiếng, khiến phế quản càng lúc càng co thắt sau mỗi cơn ho. Vòng luẩn quẩn cứ thế tiếp tục khiến sức đề kháng nạn nhân bị xói mòn, khiến hầu bao người bệnh mau thủng vì chạy tiền mua thuốc!
Chữa ho không chỉ tập trung vào thuốc ho
Ho hoài không dứt tất nhiên liên quan mật thiết với sức đề kháng. Người lao tâm lao lực, ăn uống thất thường, ngủ ít, nghiện thuốc lá, mạnh miệng với bia bọt… tất nhiên dễ vướng vào vòng húng hắng.
Do đó, chữa ho nhưng chỉ tập trung vào thuốc ho để ức chế phản ứng co thắt của đường hô hấp, trong khi người bệnh không thay đổi nếp sinh hoạt, không tìm cách tăng cường sức đề kháng với chế độ dinh dưỡng dồi dào sinh – khoáng tố, không có thói quen thể dục trong bầu không khí trong lành, không ngủ đủ giờ thì khỏi cần sành nghề bói dịch cũng thừa biết ho lâu là cái chắc!
Bên cạnh đó, ho là để tống đàm. Đàm càng dính chặt cơ thể càng cố ho! Đừng quên thuốc ho dùng lâu cũng gây lệ thuộc không kém thuốc ngủ, thuốc giảm đau!
Có hai điều chắc hơn đinh đóng cột. Đó là nếu chữa ho mà không rốt ráo giải quyết nguyên nhân thì có thuốc thánh cũng bằng không. Bằng chứng là nhiều người ho tới ho lui vì cứ tưởng hễ ho là bệnh đâu đó trên đường hô hấp.
Nhiều người tốn tiền cho thuốc ho mà không ngờ thuốc không tác dụng như mong muốn chẳng qua vì gia chủ uống nước quá ít! Uống thuốc ho mà quên uống nước nhiều khi không uống còn hơn!Đáng tiếc cho số nạn nhân này vì nguyên nhân đang rất phổ biến ở xứ mình là "hội chứng trào ngược" khiến vùng hầu họng bị kích ứng, nhất là trong lúc ngủ, vì chất chua trong dạ dày, thay vì xuống ruột theo đường thuận lý, lại dội ngược lên vùng hầu họng. Với số đối tượng này nếu chữa chưa xong bệnh dạ dày thì có thêm thuốc ho đến độ uống cả ngày vẫn… ho!
Kế đến, nếu chỉ dựa vào thuốc ho mà quên hơ ấm các vùng nhược điểm "hở sườn" của cơ thể thì nạn nhân nếu hết ho mới là chuyện lạ! Tìm được thuốc ho cho dù hàng hiệu cách mấy nhưng vùng cổ họng, vùng xương ức, vùng lòng bàn chân không đủ ấm thì cơ thể phải tiếp tục báo động bằng cách… ho!
Sau hết, đừng quên ho là một phản ứng tâm thể. Không ít nạn nhân ho dai dẳng nhưng tìm hoài không ra nguyên nhân mà không ngờ lý do là vì stress, vì một ẩn ức tâm sinh lý nào đó chưa được phơi bày. Thay vì xua đuổi ưu phiền, nhưng vì không biết nói cùng ai nên cơ thể phản ứng lạc đường bằng cách tống khứ… đàm nhớt! Kẹt đường coi vậy mà ít phức tạp bằng lạc đường. Nghĩ cho cùng chỉ tội cho phế quản không biết nói!
Theo BS Lương Lễ
Dân Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)