Rất nhiều tính năng tiện ích cho phụ huynh và học sinh khi sử dụng thẻ học đường SSC. Ảnh: I.T
|
Dù ở bất cứ đâu, phụ huynh (PH) vẫn có thể đóng học phí cho con em thông qua thẻ học đường SSC (hình thức thanh toán học phí cho học sinh (HS) không cần sử dụng tiền mặt) mà không cần trực tiếp đến trường. Thông qua thẻ này, PH còn có thể quản lý được việc sử dụng tiền bạc của con cái…
Thế nhưng, khi triển khai thông tin đến PH, một số trường đã gặp không ít khó khăn vì nhiều người không mặn mà lắm.
Nhiều tiện ích hay
Thẻ học đường SSC được Sở GD-ĐT TP.HCM cùng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM ký kết triển khai từ tháng 7-2014 (dịch vụ hoạt động miễn phí). Theo đó, PH là người đăng ký mở thẻ SSC – trên thẻ có tên và mã số HS. Tuy nhiên, bản thân PH sẽ đứng tên chủ tài khoản. Vào thời điểm đóng học phí, trung tâm thông tin SSC sẽ thông báo đến PH số tiền và PH chỉ việc chuyển các khoản tiền này vào thẻ SSC bằng nhiều hình thức: Chuyển khoản, thu tận nhà, đóng tại các ngân hàng, đóng tại trường, hoặc thanh toán qua mPOS (thiết bị cà thẻ trên điện thoại thông minh), thu qua POS (máy cà thẻ cố định) tại trường… Số tiền này tự động chuyển về tài khoản của nhà trường, còn thông tin đóng sẽ chuyển về trung tâm dữ liệu SSC để đối soát, báo cáo và thông báo cho PH biết đã hoàn tất quá trình đóng tiền. Khi triển khai thẻ học đường SSC, các bộ phận thủ quỹ, kế toán sẽ được giảm áp lực công việc, còn PH thì chủ động địa điểm, thời gian đóng học phí…
Cô Phan Thị Yến, Hiệu trưởng Trường TH Trương Quyền (Q.3), chia sẻ: “Quá trình thu các khoản tiền trường thường tập trung trong tháng đầu của năm học, vì thế đồng loạt PH đến trường cùng lúc để đóng. Điều này dẫn đến nhiều PH phải ngồi chờ đợi, tốn thời gian. Việc áp dụng thanh toán học phí qua thẻ SSC sẽ giúp PH không cần đến trường, chủ động địa điểm đóng, tiết kiệm thời gian đi lại và ngồi chờ. Ngoài ra còn có thể giảm biên chế thủ quỹ, tránh một số sai sót như tiền giả, nhầm tiền khi thối…”.
Tương tự, cô Diệp Thị Cẩm Hằng, Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên, cho biết: “Ngoài việc thanh toán tiền học phí, PH có thể chuyển tiền ăn trưa, mua sách, dụng cụ học tập… cho con vào thẻ, và thẻ này chỉ được chấp nhận mua hàng qua máy POS tại các điểm quy định trong trường học và HS không rút được tiền mặt dùng vào mục đích khác. Các khoản mua sắm sẽ được thông báo vào tài khoản thẻ, giúp PH có thể kiểm soát được việc chi tiêu của con, tránh việc HS sử dụng tiền sai mục đích”.
Ngoài các tính năng trên, trong tương lai gần, thẻ SSC còn phát triển nhiều tính năng khác để trở thành công cụ tích hợp tối ưu các dịch vụ hỗ trợ học tập cho HS như: Sách giáo khoa điện tử, học tập ngoại ngữ online, học bạ online, y bạ điện tử và các dịch vụ sinh hoạt như thẻ xe buýt, thẻ thư viện, thẻ vào lớp… Thông qua internet, PH cũng có thể tìm hiểu từ xa về các chương trình học, kiểm tra kết quả học tập và rèn luyện của con em mình. Các thủ tục hành chính của nhà trường như: Vào điểm, gửi sổ liên lạc, thông báo đến PH… cũng được tinh gọn và hiện đại hơn.
PH chưa mặn mà
Để áp dụng thẻ SSC một cách đồng bộ, hiệu quả, bước đầu Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai ở các trường có điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, có kết nối internet. Và việc đầu tiên mà các trường phải thực hiện là thông tin đến PH để PH hiểu rõ tính năng trước khi tham gia. Tuy nhiên, khi triển khai, một số trường đã gặp không ít khó khăn.
Thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (Q.1), cho biết: “Đa số PH của trường là dân lao động nghèo, không dùng các loại thẻ từ. Khi dành dụm được khoản tiền nào thì PH trực tiếp vào trường đóng khoản đó, thế nên nhiều người chia sẻ rằng không quen với việc sử dụng thẻ. Ngược lại, một số PH khác dùng thẻ của những ngân hàng ngoài hệ thống ngân hàng thẻ SSC cũng cho rằng không muốn dùng thêm thẻ khác vì rắc rối. Hơn nữa, trước mắt thẻ SSC chỉ thực hiện thu học phí, chưa thu các khoản tiền bán trú, thu hộ, chi hộ… điều này đồng nghĩa với việc PH lại phải cất công đến trường đóng tiếp”.
Theo thầy Khoa, Trường Võ Trường Toản đã triển khai nhưng trong số hơn 1.000 PH thì mới chỉ vài chục người phản hồi. Sang học kỳ II năm học 2014-2015, nhà trường tiếp tục triển khai, nếu số lượng trên một nửa sẽ thực hiện. Tuy nhiên nhà trường lại e ngại công việc của thủ quỹ, kế toán sẽ nhiều hơn. Vì họ vừa làm công việc cũ, vừa kiêm công việc mới.
Trường THPT Trần Khai Nguyên cũng đã thực hiện triển khai lấy thông tin PH, tuy nhiên, nhiều PH bày tỏ không muốn tham gia. Có thể họ sợ gặp khó khăn khi dùng thẻ hoặc vì lý do nào đó… “Tuy nhiên, vì lợi ích HS và cả PH, nhà trường sẽ cố gắng giải thích, thuyết phục PH tham gia”, cô Cẩm Hằng chia sẻ.
Trước những khó khăn mà các trường gặp phải, ông Đỗ Minh Hoàng, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Công việc đầu tiên mà các trường cần phải thực hiện tốt là tuyên truyền, giải thích những tính năng hữu ích của thẻ SSC đến PH. Sử dụng thẻ vừa tiết kiệm thời gian, công sức, nâng cao hiệu quả công việc. Qua đó giáo dục HS các tính năng, tiện ích của phương thức thanh toán mới một cách an toàn, hiện đại mà không cần sử dụng tiền mặt. Vì thế PH không thể không tham gia, 100% PH phải tham gia ở những trường thực hiện. Nếu PH không rành về công nghệ, về cách dùng thẻ thì nhà trường cần hướng dẫn thêm”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
“Bước đầu Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai thí điểm tại 16 trường THPT có điều kiện về cơ sở vật chất, máy móc, có kết nối internet. Các trường được lắp đặt hệ thống máy, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ kế toán… Tuy nhiên, trước khi triển khai, các trường phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện theo phương châm “chậm mà chắc””, ông Đỗ Minh Hoàng cho biết. |
Bình luận (0)